Chính sách phát triển KT-XH gắn với phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là yếu tố then chốt để mang lại hiệu quả bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã có những chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số chủ động vươn lên xây dựng đời sống mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, cần được khắc phục bằng các giải pháp thiết thực, đột phá.
Những kết quả nổi bật
Một trong những chiến lược để tạo chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên là chú trọng nhiều hơn đến đồng bào dân tộc thiếu số (DTTS). Hiện nay, Tây Nguyên có 47 dân tộc cùng chung sống; số lượng đồng bào DTTS có khoảng 2,1 triệu người (chiếm 37,6% dân số toàn vùng và 15,6% cả nước).
Đại hội XIII của Đảng xác định, cần tạo “cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”(1), từ đó, đồng bào DTTS ở Tây Nguyên có điều kiện để trau dồi, phát huy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần chủ động, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Nguyên tắc phát huy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường là tạo sự công bằng trong cơ hội để mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị phát huy tối đa khả năng, sở trường, mang lại sự đóng góp, cống hiến song song với việc quyền lợi được bảo đảm thụ hưởng một cách tương xứng. Nói cách khác, nếu công bằng về cơ hội được thực hiện đầy đủ thì lợi ích chính đáng của mỗi người được bảo đảm, trở thành động lực để mọi người tích cực cống hiến một cách tự giác, tự nguyện. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đã có những chủ trương, chính sách nhằm phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện chủ yếu trên một số nội dung sau:
Một là, bên cạnh các chính sách, hỗ trợ chung cho vùng đồng bào DTTS của cả nước, Nhà nước ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các tỉnh Tây Nguyên.
Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi nói chung, Đảng và Nhà nước còn ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dành riêng cho vùng Tây Nguyên(2). Từ đây, hình thành các chương trình hỗ trợ quan trọng liên quan đến chính sách dân tộc; góp phần phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; tạo sự phát triển năng động, tăng trưởng cao và bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; tạo nền tảng xây dựng Tây Nguyên trở thành một trong những vùng kinh tế động lực của cả nước,... và đạt nhiều thành tựu nổi bật, cụ thể:
Về chính sách đất đai, bảo vệ và phát triển rừng
Chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS được triển khai một cách đồng bộ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên qua nhiều giai đoạn, đi kèm với nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ(3). Từ năm 2013 đến nay, công tác giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS đạt được một số kết quả tích cực, góp phần giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc về đất ở, đất sản xuất, giúp đồng bào ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.
Bên cạnh chính sách đất đai, chính sách bảo vệ và phát triển rừng cũng được chú trọng triển khai và đạt được những kết quả khả quan(4). Việc giao đất, giao rừng cho đồng bào được thực hiện song song với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hưởng quyền lợi theo quy định của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp theo các chương trình thí điểm, giúp đồng bào làm quen với kỹ thuật lâm sinh, người dân có sinh kế gắn với các hoạt động trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Cùng với những chính sách trên, nhiều giải pháp bảo đảm các hộ gia đình đồng bào DTTS không có đất hoặc thiếu đất được giao đất để sản xuất theo hướng khai hoang, mở rộng diện tích ở những vùng có điều kiện thực hiện; đất của các nông, lâm trường được điều chỉnh lại; tổ chức tốt việc giải quyết đất đai, hướng dẫn sản xuất, cho vay vốn, tiêu thụ nông sản phẩm nhằm giúp đồng bào có cuộc sống ổn định (định canh định cư, không du canh du cư, phá rừng, phát nương làm rẫy,...), góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc về tranh chấp đất đai giữa các bộ phận dân cư ở Tây Nguyên.
Về chính sách tín dụng
Trong giai đoạn 2011 - 2020, vùng Tây Nguyên được thụ hưởng nhiề#u chính sách tín dụng quan trọng của Nhà nước, như Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg, ngày 5/3/2007, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn”, là dấu mốc quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế đối với đồng bào DTTS.
Theo đó, cùng với các chương trình tín dụng, chính sách xã hội chung, các chính sách mang tính đặc thù với độ bao phủ ngày càng sâu rộng đã tạo hiệu ứng đột phá mới cho khu vực miền núi, trong đó có Tây Nguyên. Đến nay, Chính phủ tiếp tục kéo dài các chính sách, chương trình trên và mở rộng cho vay đối với các hộ đồng bào DTTS để phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề đất ở, việc làm(5), góp phần phát huy ưu điểm, thế mạnh và khắc phục những hạn chế, bất cập của những chính sách tín dụng trước đây.
Cùng việc mở rộng nhiều đối tượng, loại hình cho vay khác nhau, nguồn vốn, định mức vay đã được tăng lên; các chính sách tín dụng góp phần nâng cao khả năng quản lý tài chính trong thu - chi nông hộ, giúp đồng bào biết cách làm ăn, tích lũy, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên thoát nghèo, tạo ra nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bảo đảm mục tiêu ổn định và tăng cường an sinh xã hội.
Nhìn chung, các chính sách tín dụng được xây dựng và thực hiện dựa trên mục tiêu tạo cả cơ hội và điều kiện để đồng bào không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà còn là chủ thể thực hiện chính sách; quan tâm đến tính đặc thù về điều kiện địa lý, tự nhiên, tâm lý, văn hóa đồng bào và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững,... Đây đều là những chính sách căn bản để đồng bào có điều kiện phát huy tính tích cực, chủ động trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, thực hiện các chính sách phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt để bảo đảm quyền học tập của đồng bào DTTS nói chung, Đảng và Nhà nước còn ban hành nhiều chủ trương, chính sách giáo dục - đào tạo dành riêng cho vùng Tây Nguyên nhằm tạo điều kiện để đồng bào nơi đây tiếp thu tri thức, mở rộng khả năng hội nhập và cơ hội tìm việc làm, tự lực, tự cường vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội(6).
Cùng với chính sách của Trung ương, chính quyền địa phương các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng ban hành các chương trình, kế hoạch hỗ trợ riêng, góp phần thực hiện quyền học tập của đồng bào (chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh trong các trường dân tộc bán trú của tỉnh Kon Tum; chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên là người đồng bào DTTS ở tỉnh Đắk Nông; chính sách hỗ trợ học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, học sinh học tiếng Ê-đê, giáo viên dạy tiếng Ê-đê, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo,... ở tỉnh Đắk Lắk). Ngoài ra, các tỉnh vùng Tây Nguyên chú trọng phương pháp dạy học bằng ngôn ngữ đồng bào DTTS tại chỗ kết hợp với dạy tiếng Việt (các tỉnh Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng trích ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng để in sách giáo khoa bằng tiếng đồng bào DTTS tại chỗ, sách bài tập, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng phục vụ tốt yêu cầu dạy và học,...).
Cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục - đào tạo ở Tây Nguyên cũng ngày càng được cải thiện. Phần lớn các trường học ở vùng đồng bào DTTS được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, không còn tranh tre, nứa lá, đặc biệt là hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú ngày càng khang trang. Công tác nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh được thực hiện khá tốt; các trường phổ thông dân tộc bán trú đều bảo đảm được chỗ ăn, ngủ và sinh hoạt an toàn, tiện lợi cho học sinh.
Các chế độ, chính sách đối với học sinh là người đồng bào DTTS được thực hiện đầy đủ (cấp miễn phí sách giáo khoa, vở học sinh, đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế, cấp học bổng, tín dụng cho học sinh, sinh viên, ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo theo địa chỉ sử dụng,...). Nhờ đó, đồng bào DTTS dần thấy được vai trò, vị trí của giáo dục, điều kiện để con em đến trường và theo học ở các cấp học cao hơn. Nhận thức về giáo dục ngày càng có chuyển biến tích cực. Các phong trào xã hội hóa giáo dục ngày càng được chính quyền và các tầng lớp nhân dân quan tâm, đồng thuận; các địa phương thường xuyên nhận được vốn hỗ trợ, đóng góp từ xã hội dùng để hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là tại các địa bàn khó khăn, có đông đồng bào DTTS.
Hệ thống trường học từ mầm non, tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học được hình thành và ngày càng phát triển, thu hút đông đảo con em các vùng đồng bào DTTS; giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề và đại học cũng được phát triển mạnh. Đến nay, vùng Tây Nguyên có 5 trường đại học, 4 phân hiệu/cơ sở của các trường đại học và 9 trường cao đẳng; tỷ lệ sinh viên là người đồng bào DTTS đạt từ 18 - 20% trở lên trong tổng số sinh viên của trường tại các trường đại học, cao đẳng trong vùng(7). Nhìn chung, giáo dục - đào tạo vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên đã có nhiều khởi sắc.
Ba là, các chính sách xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai liên tục, rộng khắp, bằng nhiều giải pháp khác nhau và mang lại nhiều kết quả tích cực. Các tỉnh trong vùng không ngừng thúc đẩy phát triển thị trường lao động, bảo đảm minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động ngày càng có hiệu quả. Công tác kiểm tra thực hiện các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ở các doanh nghiệp được quan tâm; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động.
Những năm gần đây, công tác giảm nghèo đạt kết quả khá tốt với tỷ lệ xóa nghèo ngày càng bền vững. Năm 2017, giảm được 2,7% số hộ nghèo (tỉnh Kon Tum giảm 3%, tỉnh Gia Lai giảm gần 3%, tỉnh Đắk Lắk giảm 2,5%, tỉnh Đắk Nông giảm 2,53%, tỉnh Lâm Đồng giảm 1,3%), riêng số hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm trên 5,1%.
Năm 2018, số hộ nghèo hơn 150,5 nghìn hộ (chiếm 10,87%); đến năm 2019, toàn vùng giảm khoảng 31 nghìn hộ nghèo (tương đương 2,61%) và đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên từ 52% (năm 2018) lên 53,2% (năm 2019), giải quyết việc làm cho khoảng 116,5 nghìn lao động; đào tạo nghề cho trên 61,3 nghìn người(8).
Một số khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những thành tựu trong phát huy tính tích cực, tự giác của đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên, hiện nay vẫn còn những hạn chế, khó khăn cần khắc phục, cụ thể:
Một là, công tác xóa đói, giảm nghèo còn thiếu vững chắc.
Mặc dù đạt được khá nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác xoá đói, giảm nghèo còn thiếu vững chắc, chỉ tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ sản xuất đời sống trong ngắn hạn, tạo thu nhập trước mắt; chưa đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển ngành, nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp để giảm nghèo bền vững, lâu dài (tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS hằng năm có giảm, nhưng chậm hơn so với yêu cầu và có nhiều địa phương có tỷ lệ hộ nghèo là người đồng bào DTTS chiếm đến 85% - 90% trên tổng số hộ nghèo; bộ phận cận nghèo, tái nghèo còn khá lớn do ít đất, không có nghề nghiệp và việc làm ổn định, không biết cách làm ăn).
Mặc dù Nhà nước đã có sự quan tâm, hỗ trợ đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên, nhưng nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn vốn còn hạn chế. Các chính sách ưu đãi áp dụng cho các địa phương trong vùng chưa đồng bộ và đủ sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, chưa bù đắp được những bất lợi về điều kiện địa lý và các điều kiện trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, phát triển hạ tầng của vùng Tây Nguyên vẫn còn chậm và chưa đồng bộ.
Sự phát triển kết cấu hạ tầng của vùng Tây Nguyên vẫn còn chậm và chưa đồng bộ dù đã có những bước phát triển mới. Thực trạng chung là đường sá thiếu, chất lượng thấp, không đủ kinh phí để duy tu bảo dưỡng; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường nông thôn quá tải, hư hỏng nặng, cần được nâng cấp nhưng thiếu vốn để triển khai, ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân.
Mặc dù hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên được chú trọng đầu tư, xây dựng, nhất là các công trình giao thông trọng yếu, như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, quốc lộ 14, quốc lộ 19,... nhưng nhiều quốc lộ có trọng tải thấp, lại đang dần bị xuống cấp (quốc lộ 26 nối hai tỉnh Khánh Hòa với Đắk Lắk nhỏ hẹp, xuống cấp, phương tiện qua lại gặp nhiều khó khăn; quốc lộ 19 nối tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định nhiều đèo dốc, đường cũ, xuống cấp. Tây Nguyên là vùng duy nhất của cả nước chưa có đường cao tốc, trong khi đường hàng không quá ngắn, chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các hoạt động kinh tế).
Ba là, đầu tư cho giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các địa phương.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với giáo dục mầm non còn thiếu và chưa đồng bộ. Tỷ lệ phòng bán kiên cố chiếm quá nửa tổng số phòng học, nhiều điểm trường nhỏ lẻ, phân tán; nguồn lực đầu tư cho các trường dân tộc nội trú chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện một số chính sách đặc thù về giáo dục - đào tạo ở vùng đồng bào DTTS chưa tốt, đặc biệt là các chính sách về cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ (mặc dù rất thiết thực nhưng triển khai kém, chất lượng đào tạo và sử dụng chưa cao).
Việc triển khai một số chính sách có lúc, có nơi còn chậm, thiếu đồng bộ, linh hoạt; một số chính sách đối với giáo viên, nhân viên, học sinh vùng đồng bào DTTS khó khăn vẫn còn hạn chế, bất cập về đối tượng được hưởng, định mức, thời gian hưởng cũng như phương thức hỗ trợ(9)...
Bốn là, đội ngũ cán bộ là người đồng bào DTTS ở Tây Nguyên còn chưa tương xứng với tỷ lệ đồng bào DTTS cư trú trên địa bàn.
Có thể thấy, tỷ lệ cán bộ là người đồng bào DTTS tham gia lãnh đạo, quản lý tại địa phương vùng Tây Nguyên còn thấp, ví dụ: Tỉnh đến năm 2019, tỉnh Lâm Đồng có 24,1% là người đồng bào DTTS, nhưng chỉ có hơn 2.000 cán bộ, công chức cấp xã trở lên là người đồng bào DTTS tại chỗ trên tổng số gần 30.000 cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh; tại tỉnh Gia Lai, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ gần 50% số dân, nhưng chỉ có 5.830 cán bộ là người đồng bào DTTS trong tổng số 34.900 cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh (tỷ lệ 16,7%); tỷ lệ đó ở tỉnh Kon Tum là 15,86% (2.985 người trong tổng số 18.814 cán bộ, công chức, viên chức(10),...).
Nhiều sinh viên là người đồng bào DTTS có trình độ đại học, cao đẳng, nhưng trở về địa phương không được tuyển dụng vì không có ngành, nghề phù hợp; chỉ tiêu biên chế, nhu cầu vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã gần như bão hòa nên rất khó khăn trong bố trí việc làm...
Một số giải pháp nhằm nâng cao ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Để phát huy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần có chính sách tập trung chuyên sâu vào việc tổ chức lại sản xuất cho các buôn, làng vùng đồng bào DTTS.
Nhìn chung, đồng bào DTTS tại chỗ chưa thể tự lực, tự chủ cả về vốn và trình độ trong tổ chức sản xuất, nên cần phải có sự giúp đỡ của Nhà nước một cách phù hợp, lâu dài trong việc chuyển đổi sản xuất từ một nền kinh tế tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Do đó, cần có chính sách tổng thể về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển ngành, nghề phi nông nghiệp; tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi xuống buôn làng; liên kết sản xuất và phát triển các loại hình dịch vụ nông nghiệp, nông thôn. Gia tăng số lượng và chất lượng cán bộ khuyến nông, khuyến lâm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức tập huấn kỹ thuật thường xuyên để nâng cao năng lực tiếp cận thực tiễn, có năng lực chuyên môn, hiểu biết phong tục, tập quán, ngôn ngữ và văn hóa của đồng bào nhằm hướng dẫn cho đồng bào thuần thục kỹ thuật canh tác các loại cây trồng, vật nuôi, nhất là kỹ thuật trồng lúa nước và thâm canh cây trồng cạn; tổ chức tham quan học tập, xây dựng mô hình trình diễn để đồng bào “mắt thấy, tai nghe”, khuyến khích đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Thứ hai, tập trung đầu tư cho phát triển giáo dục - đào tạo.
Triển khai và nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền để đồng bào DTTS ở Tây Nguyên có nhận thức đúng đắn về vai trò của giáo dục - đào tạo đối với công tác xóa đói, giảm nghèo và nâng cao tri thức, chất lượng cuộc sống. Đồng thời, tập trung đầu tư nguồn lực nhằm sớm kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp ở tất cả các cấp học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhà giáo phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Nâng số lượng, chất lượng đội ngũ, cán bộ, giáo viên là người đồng bào DTTS ở các cấp quản lý giáo dục và trong các cơ sở giáo dục; làm tốt công tác cử tuyển; gắn đào tạo với sử dụng, bảo đảm đúng số lượng, cơ cấu, ngành, nghề, trình độ, chức danh theo địa chỉ, yêu cầu công tác.
Thứ ba, có chính sách phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS.
Cần quán triệt quan điểm, xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS chính là góp phần tạo điều kiện để đồng bào DTTS thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách đãi ngộ, ưu tiên, cần chú ý nguyên tắc tạo cơ hội để họ tự trau dồi, cống hiến và phát triển; đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ phải theo nhu cầu công việc và vị trí việc làm. Từ đó, xây dựng khung chương trình phù hợp với với yêu cầu, nhiệm vụ, chức năng. Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng là nhằm bảo đảm đội ngũ cán bộ thực thi công việc có hiệu quả và tạo nguồn cho chính quyền các cấp nên đào tạo cán bộ phải gắn với quy hoạch dài hạn của các địa phương.
Thứ tư, cần chú trọng thực hiện tích hợp các quy hoạch hệ thống giao thông nhằm nâng cấp, cải thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt trong vùng, nhất là kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế - đô thị; đổi mới mạnh mẽ tư duy phân bổ vốn đầu tư theo hướng tập trung nguồn lực kết nối hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, thông suốt, ưu tiên các dự án kết nối từ đồng bằng ven biển lên miền núi, các tỉnh lân cận trong vùng. Bên cạnh đó, cần nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện tốt cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số,... Việc đầu tư xây dựng một hệ thống kết cấu hạ tầng tốt sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố phát triển mạnh, góp phần giải quyết vấn đề việc làm, đời sống cho người dân, nâng cao thu nhập, dân trí,.../.
----------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 170.
(2) Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18/1/2002, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010”; Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010”.
(3) Quyết định số 132/QĐ-TTg, ngày 8/10/2002, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên”; Quyết định số 134/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004, của Thủ tướng Chính phủ, “Về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn”; Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn”; Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020”.
(4) Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg, ngày 23/11/2005, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên”; Nghị định số 168/2016/NĐ-CP, ngày 27/12/2016, của Chính phủ, về “Quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước”.
(5) Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, ngày 4/12/2012, của Thủ tướng Chính phủ, về “Ban hành Chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015”; Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020”.
(6) Quyết định số 1951/QĐ-TTg, ngày 1/11/2011, của Thủ tướng Chính phủ, “Về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015”.
(7) Xem: Đào Thị Tùng: “Bảo đảm quyền học tập của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên - Cơ sở quan trọng để thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc”, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 25/6/2020, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/3146-bao-dam-quyen-hoc-tap-cua-nguoi-dan-toc-thieu-so-o-tay-nguyen-co-so-quan-trong-de-thuc-hien-binh-dang-giua-cac-dan-toc.html.
(8) Xem: Lê Văn Hưng: Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên hiện nay - Thực trạng và giải pháp, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2020, tr. 64 - 65.