Chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch tại tỉnh Lâm Đồng trước yêu cầu hội nhập quốc tế


Năm 2016, tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết về “Phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025…”, trong đó xác định du lịch là “ngành kinh tế động lực”.

Hoạt động du lịch góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng
Hoạt động du lịch góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng

Tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch tại Lâm Đồng những năm qua cho thấy còn nhiều hạn chế, trong đó có những vấn đề liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Bài viết này phân tích thực trạng nguồn nhân lực du lịch, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời đề ra những hướng đi mới, góp phần phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

Thực trạng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Lâm Đồng

Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng “Về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, trong năm 2019 toàn Tỉnh đã có 22.573 phòng.

Trong đó, khách sạn từ 1 đến 5 sao có 12.108 phòng; riêng số phòng đạt chuẩn cao cấp có 3.211 phòng. Tỉnh đã có cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đến nay, đã có 229 dự án, với tổng số vốn đăng ký khoảng 70.300 tỷ đồng; một số dự án đưa vào hoạt động, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch (Khu du lịch làng Cù Lần, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Trung tâm Huấn luyện dã ngoại Núi Voi, Khu du lịch Sao Đà Lạt, Sân golf Đạ Ròn, Sân golf Sacom Tuyền Lâm...).

Khách du lịch đến Lâm Đồng không ngừng tăng lên qua từng năm. Giai đoạn 2016 - 2019, lượt khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng trưởng bình quân mỗi năm là 8,9%; lượt khách qua lưu trú tăng trưởng bình quân là 11,9%; khách quốc tế chiếm 10,1% trong tổng số khách qua lưu trú.

Nếu trong giai đoạn từ 2014-2016, doanh thu các cơ sở lữ hành đạt khoảng 112 tỷ đồng thì đến giai đoạn 2017-2019, doanh thu các cơ sở hữu hạn đã tăng lên đến khoảng 367 tỷ đồng (Báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND Tỉnh).

Thực trạng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Lâm Đồng

Số lao động trong ngành du lịch có sự gia tăng qua nhiều năm và số lượng lao động trực tiếp phục vụ ngành Du lịch tính đến năm 2020 khoảng 13.000 lao động (lĩnh vực lưu trú 9.000 người, lữ hành, hướng dẫn và vận chuyển khách 1.550 người, khu, điểm du lịch 2.420 người; cơ quan quản lý về du lịch là 30 người); trong đó, 80% số lao động trực tiếp đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ.

Trong những năm qua, nguồn nhân lực ngành Du lịch của Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và tăng dần về chất lượng. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lao động du lịch Tây Nguyên vẫn còn kém so với các khu vực Duyên hải miền Trung, miền Nam, miền Bắc, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế.

Những hạn chế này xuất phát từ việc các cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo, giáo trình, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đào tạo du lịch của Tây Nguyên chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đảm bảo chất lượng. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến việc tuyển dụng và sử dụng lao động đã qua đào tạo. Đồng thời, vẫn còn tình trạng “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch” nhưng không qua đào tạo, không được hướng dẫn bài bản, chuyên nghiệp nên ảnh hưởng lớn tới chất lượng dịch vụ du lịch.

Riêng về ngoại ngữ, hiện Lâm Đồng mới chỉ phổ biến đào tạo và sử dụng tiếng Anh trong lĩnh vực du lịch. Trong khi Tỉnh đang tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến nhằm mở rộng thị trường, đa dạng hóa nguồn khách, thu hút khách từ các thị trường như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đức, Pháp, Australia… Thực tế này đòi hỏi đội ngũ nhân lực có trình độ các ngoại ngữ khác, cũng như am hiểu cơ bản về văn hóa, giao tiếp để phục vụ các nhóm khách đến từ những nền văn hóa, miền đất khác nhau.

Nguồn nhân lực du lịch Lâm Đồng có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, với 60% tổng số lao động trực tiếp phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch có độ tuổi từ 18 - 35. Toàn Tỉnh có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng có chuyên ngành đào tạo du lịch, với chương trình giảng dạy đáp ứng được yêu cầu thực tiễn theo hướng chuẩn hóa và hiện đại, đã đào tạo, bồi dưỡng cho trên 4.000 sinh viên, học viên; hỗ trợ công tác tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực du lịch phù hợp với mục tiêu phát triển địa phương…

Lâm Đồng hiện có 2.532 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó 457 khách sạn từ 1-5 sao (39 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao); 49 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch (34 doanh nghiệp lữ hành quốc tế); 36 khu, điểm tham quan du lịch, 33 điểm du lịch canh nông và 3 sân golf 18 lỗ được đầu tư, khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan khác.

Trong những năm qua, nguồn nhân lực ngành Du lịch của Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và tăng dần về chất lượng. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lao động du lịch Tây Nguyên vẫn còn kém so với các khu vực Duyên hải miền Trung, miền Nam, miền Bắc, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch tại tỉnh Lâm Đồng

Để đào tạo thực sự là công cụ đắc lực tạo ra nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển, ngành Du lịch Lâm Đồng cần tập trung vào giải quyết một số vấn đề như sau:

Một là, xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng, số lượng. Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ lao động ngành Dịch vụ du lịch; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và hội nhập quốc tế.

Hai là, vận động, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ của ngành Du lịch.

Ba là, chủ động hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín, thương hiệu trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế trong việc thực hiện chiến lược xây dựng Lâm Đồng trở thành một trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, trong đó có nguồn nhân lực ngành Dịch vụ du lịch.

Bốn là, đổi mới chương trình đào tạo, phát triển chương trình chất lượng cao. Các trường được tự chủ trong xây dựng chương trình đào tạo, chủ động lựa chọn hệ thống giáo trình phục vụ giảng dạy và áp dụng các tiêu chuẩn về đào tạo du lịch của Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn quốc tế vào trong các chương trình đào tạo.

Ngoài ra, việc xây dựng các chương trình đào tạo cần phải gắn liền với thực hành và thực tế, tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp du lịch có quy mô lớn đóng trên địa bàn, cũng như tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp du lịch khác và trong nước để chương trình đào tạo đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy du lịch qua việc tổ chức sắp xếp lại đội ngũ cán bộ giảng dạy cho phù hợp với chuyên môn và trình độ của mỗi giảng viên tại các cơ sở đào tạo; Thường xuyên tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm và chuyên môn giữa các giảng viên trong cơ sở đào tạo cũng như giữa các cơ sở đào tạo với nhau nhằm nâng cao trình độ chuyên môn; Kết hợp với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Tỉnh và khu vực để mời các chuyên gia, lãnh đạo hoặc các nhân viên có tay nghề cao ở doanh nghiệp du lịch có quy mô lớn như các nhà hàng, khách sạn từ 4-5 sao tham gia vào công tác giảng dạy; Kiểm tra đánh giá chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên, xây dựng phương pháp giảng dạy mới phù hợp với ngành nghề; đồng thời, thực hiện chế độ chính sách, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên thực hiện tốt công tác giảng dạy.

Sáu là, điều tra và tổ chức sắp xếp lại nhân lực tại các cấp quản lý nhà nước về du lịch, cắt giảm các vị trí thừa lao động đồng thời bổ sung lao động các vị trí còn thiếu và bảo đảm nguồn lao động làm việc đúng chuyên môn và phù hợp với trình độ đào tạo.

Bảy là, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ lao động trong khối hành chính sự nghiệp. Trong quá trình nâng cao trình độ của lao động cần ưu tiên nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý tại các đơn vị quản lý cao nhất về du lịch ở địa phương, đối với lao động nghiệp vụ thì tổ chức đào tạo tại chỗ thông qua mời các chuyên gia trong nước đến trực tiếp tại đơn vị để đào tạo. Trong quá trình đào tạo phải chú trọng nâng cao trình độ quản lý, trình độ ngoại ngữ đối với lao động quản lý, cũng như các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và thái độ làm việc của đội ngũ chuyên viên và các lao động khác.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển du lịch. Cụ thể, các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác tham mưu, quản lý tình hình đầu tư, hoạt động của các dự án trên địa bàn. Các cấp, các ngành quan tâm đến công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông” nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; Thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, đối thoại để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và hoạt động kinh doanh, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Tỉnh.

Các cơ quan ban ngành của Lâm Đồng thường xuyên cập nhật, ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn (trong đó có lĩnh vực du lịch); hướng dẫn về trình tự, thủ tục, quản lý dự án đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách; Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước; Tập trung chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng (giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông, xử lý nước thải, rác thải...) đến các khu vực quy hoạch du lịch; đặc biệt là tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Khu du lịch Đankia - Suối Vàng và các dự án du lịch trọng điểm của Tỉnh.

Chính quyền địa phương cần tổ chức rà soát, khảo sát điều tra chất lượng nguồn nhân lực du lịch của TP. Đà Lạt để làm cơ sở cho việc thống kê, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhân lực du lịch dài hạn, theo lộ trình từng thời kỳ, giai đoạn phát triển, trong đó cần ưu tiên bồi dưỡng các kỹ năng về chuyên môn, văn hoá ứng xử và ngoại ngữ; Thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn Thành phố mang tính đồng bộ và hệ thống; Đa dạng hóa các hình thức và ngành nghề đào tạo sát với nhu cầu của thực tiễn. Doanh nghiệp phải là một phần của quá trình đào tạo, phải tranh thủ mối quan hệ liên kết và đưa các cơ sở thực tế của các doanh nghiệp thành nơi đào tạo kỹ năng, thực hành cho học viên.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch bằng việc thu hút nhân lực quản lý chất lượng cao và thực hiện chính sách chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ địa phương để từng bước tiếp quản công tác quản lý kinh doanh du lịch. Trong đó, đào tạo tại chỗ là giải pháp hiệu quả để sớm bổ sung nguồn nhân lực trực tiếp cho các doanh nghiệp trên cơ sở phát huy kinh nghiệm, kỹ năng sẵn có của cán bộ, công nhân viên và cơ sở vật chất của doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng sát nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp.

Về hợp tác quốc tế, cần tăng cường hợp tác, liên kết trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch; Tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch và cơ sở nghiên cứu du lịch của địa phương, mở rộng liên kết hợp tác với trung tâm đào tạo, nghiên cứu trong nước, nước ngoài, nhất là những nơi có điều kiện tương đồng, nhằm nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu về phát triển nhân lực du lịch.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết Đại hội Đại hiểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025;

2. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (2020), các văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025;

3. Niên Giám thống kê 2019, Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng

4. Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng “Về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”;

5. Hoàng Ngọc Diệu Ái (2018), Thu ht khch du lch quốc tếđến tnh Lâm Đồng thông qua loi hnh du lch mo hiểm, Luận văn, Trường Đại học Ngoại thương;

6. Lê Đức Thọ (2020), Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia, ISBN 978-604- 991-617-5, NXB. Hồng Đức, tr.333-338, Năm 2020;

7.Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh (2008), Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội;

8. Stivastava M.P (2017), Human resource planing: Approach needs assessments and priorities in manpower planing, Manak New Delhi.

(*) Trần Quốc Đạt - Trường Đại học Ngoại thương.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021.