Chính sách tái cân bằng kinh tế của Trung Quốc: Đông Nam Á hưởng lợi

Theo daibieunhandan.vn

Việc Trung Quốc thay đổi chiến lược tăng trưởng kinh tế đã tác động lớn đến kinh tế toàn cầu trong thời gian gần đây. Giới phân tích đánh giá Đông Nam Á hưởng lợi từ chính sách tái cân bằng kinh tế của Bắc Kinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bắc Kinh hướng đến chuỗi giá trị

Theo chuyên gia kinh tế Noel Quinn của Ngân hàng HSBC, đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đang trải qua quá trình thay đổi mang tính bước ngoặt từ sản xuất sang dịch vụ, tác động lớn đến hiện trạng chuỗi cung ứng toàn cầu. Khu vực Đông Nam Á, với chi phí tương đối thấp, đã trở thành tâm điểm chú ý khi có thể là “nơi thay thế hấp dẫn” cho các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động.

Thực tế cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giá trị gia tăng như dịch vụ và sản xuất công nghệ cao đang có lợi thế hơn so với ngành sản xuất giá trị thấp. Điều này cũng phù hợp với những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc để duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Bắc Kinh gần đây đã phát động sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025), vạch ra kế hoạch 10 năm để phát triển chuỗi giá trị gia tăng. Kết quả là, Trung Quốc đã thu hút tổng cộng 85,34 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng năm nay, tăng 9,2% so với năm ngoái. Chỉ tính riêng tháng 8 vừa qua, FDI tăng 22% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 8,7 tỷ USD. Từ tháng 1 - 8.2015, vốn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ đã phát triển nhanh chóng, tăng 20,1%.

Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng sự tái cân bằng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chiến lược của nhà đầu tư cũng đã thay đổi rõ rệt. Chỉ một vài năm trước, họ xem Trung Quốc như thiên đường cho các lĩnh vực sản xuất chi phí thấp, nhưng giờ đây lại lựa chọn đầu tư nhằm xâm nhập thị trường tiêu dùng phong phú và ngày càng giàu có. Tầng lớp trung lưu Trung Quốc (với thu nhập tăng lên) đang có nhu cầu lớn đối với các ngành dịch vụ chất lượng cao. Điều này sẽ tiếp tục thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc trong những năm tới.

Lợi thế của Đông Nam Á

Sự thay đổi nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc và kết thúc mô hình “chi phí thấp” thông qua quá trình tăng lương, tăng giá nhân công, tăng giá đồng nhân dân tệ so với đồng nội tệ của các nước láng giềng cho thấy sự suy giảm cạnh tranh của nền kinh tế Trung Quốc cũng như Trung Quốc không còn là công xưởng của thế giới.

Dưới tác động đó, mức lương được áp dụng tại Bangladesh, Campuchia và Việt Nam trở nên hấp dẫn. Những thị trường này đang trở thành sự lựa chọn thay thế hấp dẫn cho các công ty nước ngoài vốn đang cân nhắc các khoản đầu tư vào những dự án sản xuất sử dụng nhiều lao động.

Lợi thế lớn nhất của Đông Nam Á đơn giản là chi phí lao động thấp và gần Trung Quốc. Các nhà sản xuất thiết lập hoạt động ở khu vực Đông Nam Á có thể giảm chi phí sản xuất, đồng thời tiếp tục tận dụng cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng tốt của Trung Quốc với 1,4 tỷ người tiêu dùng. Một lượng ngày càng tăng các công ty quốc tế đa dạng hóa dây chuyền sản xuất với mô hình cổ điển: linh kiện được sản xuất tại những nước có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao (như Việt Nam và Campuchia), sau đó lắp ráp tại Trung Quốc và bán sản phẩm hoàn thiện cho người tiêu dùng Trung Quốc hay các thị trường truyền thống ở châu Âu và Mỹ.

Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á cũng được đánh giá sẽ có mức tăng trưởng năng động và thu hút một lượng lớn FDI toàn cầu trong những năm tới. Về tổng thể, khu vực này dự kiến tăng trưởng 6,2% trong năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3.000 tỷ USD vào năm 2024. Trong khi đó, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Mỹ sẽ tăng 2,7% trong năm nay và khu vực châu Âu chỉ là 1,5%.

Đông Nam Á có khả năng phát triển để trở thành trung tâm sản xuất cao cấp. Với việc chỉ chiếm gần 4% sản xuất toàn cầu về giá trị gia tăng, khu vực này còn rất nhiều không gian cho tăng trưởng. Đông Nam Á sắp hội nhập kinh tế sâu rộng khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập vào cuối năm nay, thúc đẩy dòng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề cao. Sự hiệp lực và quy mô kinh tế có thể được thực hiện bởi AEC. Với thị trường tiêu dùng ngày càng lớn mạnh và giàu có sẽ mở ra cơ hội biến Đông Nam Á thành một “cường quốc kinh tế toàn cầu”.

Trong khi đó, với sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”, Bắc Kinh có kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng trải dài từ bờ biển Trung Quốc đến Trung Á, Trung Đông và châu Âu nhằm “tra dầu” vào các bánh xe thương mại. Khu vực Đông Nam Á cũng sẽ được hưởng lợi lớn. Cụ thể, mạng lưới đường sắt và đường bộ hiện đại sẽ liên kết tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến Ấn Độ Dương qua Thái Lan và Myanmar. Điều này sẽ cải thiện đáng kể năng lực hậu cần vận tải hàng hóa, tạo ra cơ hội đáng kể cho sự phát triển các cảng chính và khu thương mại tự do ở Thái Lan và Myanmar, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các nước này.

Chuyên gia Noel Quinn - Ngân hàng HSBC: Trung Quốc sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng khi Trung Quốc di chuyển lên chuỗi giá trị, khu vực Đông Nam Á có thể tận dụng lợi thế chi phí thấp, giống như Trung Quốc đã làm hai mươi, ba mươi năm trước.