Những rủi ro bị bỏ quên của kinh tế thế giới

Theo vnexpress.net

Brazil, Nga, Malaysia hay Indonesia có thể là ngòi nổ tiếp theo cho những cuộc khủng hoảng của kinh tế thế giới theo nhận định của chuyên gia HSBC.

Ảnh minh họa. Nguồn: kelownachamber.org
Ảnh minh họa. Nguồn: kelownachamber.org

"Giới dự báo thi thoảng quá tập trung vào khả năng tăng trưởng mà bỏ quên những rủi ro đang hình thành. Và khi thị trường toàn cầu có vẻ đang ổn định sau một mùa hè đầy bão táp, số nguy cơ tiềm tàng có vẻ cũng không ít", James Pomeroy - chuyên gia kinh tế của ngân hàng HSBC cho biết. Bloombergtrích đăng những xu hướng lớn Pomeroy đang theo dõi.

1. Sự yếu đi của châu Á

Giá hàng hóa giảm và dòng vốn rút ra đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều nền kinh tế châu Á, nếu không muốn nói là hạ thấp triển vọng tăng trưởng của họ.

Đặc biệt, HSBC gần đây còn lo ngại về Malaysia và Indonesia, do các nước này khá thân cận với Trung Quốc – cả về vị trí địa lý lẫn thương mại.

Pomeroy cho biết: "Các số liệu kinh tế Trung Quốc đang khiến niềm tin giảm sút. Tiền tệ châu Á yếu đi, chi phí đi vay tăng lên đang khiến khối doanh nghiệp gặp khó khăn".

2. Bong bóng tại các nước phát triển

Tại Thụy Điển và Na Uy, nợ hộ gia đình đang lên cao, giá nhà tăng, còn ngân hàng trung ương đã đẩy lãi suất xuống thấp kỷ lục. Việc này khiến họ dễ chịu tác động từ bất ổn tài chính, có thể kéo nền kinh tế rơi vào suy thoái, hoặc phải tăng lãi suất sau này.

3. Giá hàng hóa tiếp tục giảm

Năng lượng vẫn là chủ đề lớn với cả thế giới nói chung và các nước mới nổi nói riêng, khi Ảrập Xêút và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) nhận thấy nước mình sắp chịu ảnh hưởng mạnh. HSBC cũng lo ngại về kinh tế vĩ mô tại Brazil, Nga, Colombia và Chile – những nền kinh tế có xuất khẩu dựa chủ yếu vào hàng hóa.

 Những rủi ro bị bỏ quên của kinh tế thế giới - Ảnh 1

Dánh sách các nước cần chú ý và những rủi ro họ gặp phải. Nguồn: HSBC

Từ các lo ngại này, HSBC đã đưa ra bản "chẩn đoán" các nước có thể chịu ảnh hưởng từ những yếu tố trên và một số tác động vĩ mô khác. Ngoài những nước đã được đề cập ở trên, gồm Malaysia, Indonesia, Thụy Điển và Na Uy, New Zealand cũng lọt danh sách này do có liên quan đến Trung Quốc, giá tài sản cũng đang tăng và giá sữa biến động. "Dù rủi ro thấp, New Zealand cũng là đối tượng cần theo dõi", Pomeroy cho biết.

Hai nền kinh tế trước đây cũng đáng ngại, nhưng giờ đang bình ổn là Nhật Bản và Philippines. Theo HSBC, tăng trưởng tại Nhật Bản có thể không mạnh trong ngắn hạn, nhưng họ cũng không có nhiều cơ sở để tin rằng nước này sẽ suy thoái sâu.

Còn với Philippines, HSBC cho biết đây là nước mới nổi hiếm hoi ít chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và giá hàng hóa giảm. Đây là điểm khiến Philippines khác biệt so với các nước mới nổi còn lại.