Chính sách tài chính và vấn đề phát triển kinh tế vùng
Ngày 14/12/2016, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi hội thảo “Phát triển kinh tế vùng: Những vấn đề đặt ra về cơ chế chính sách”. Tại buổi hội thảo, vấn đề nổi bật nhất được chuyên gia, các nhà khoa học bàn thảo sôi nổi xoay quanh vấn đề chính sách tài chính và việc phát triển kinh tế vùng.
Các chính sách tài chính ưu đãi theo tiêu chí
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, từ năm 2009, Việt Nam có 04 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, Miền Trung, Phía Nam và Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long), chiếm gần 27,5% diện tích (gần 90.770km2) và hơn 51% dân số cả nước (tương đương 44,5 triệu người), với 6 khu kinh tế ven biển và 8 khu kinh tế cửa khẩu.
Để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế vùng, từ Đại hội Đảng VIII (năm 1996) đến nay nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng đã được ban hành.
Trong lĩnh vực tài chính, dù cơ bản chưa có chính sách tài chính cụ thể cho vùng kinh tế nói chung và vùng kinh tế trọng điểm nói riêng do chính sách phát triển vùng chưa rõ ràng nhưng đã có nhiều chính sách tài chính ưu đãi theo khu, địa bàn, đối tượng… mà các tỉnh thuộc vùng hoặc vùng kinh tế trọng điểm đạt tiêu chí sẽ được hưởng các chính sách đó.
Có thể kể đến chính sách ưu tiên cấp ngân sách cho các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm. Chính sách này được thể hiện qua các nguyên tắc xây dựng các tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó, các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm là một đối tượng hưởng hệ số ưu tiên phân bổ ngân sách theo các tiêu chí dân số, trình độ phát triển, diện tích, đơn vị hành chính và các tiêu chí bổ sung, bao gồm: Tiêu chí thành phố đặc biệt (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh); Tiêu chí các thành phố trực thuộc Trung ương (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ); Tiêu chí tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm.
Chính sách riêng cũng được áp dụng cho các thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng. Hệ thống các cơ chế riêng cho từng địa phương tập trung vào mức bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, thưởng vượt thu, sử dụng ngân sách hỗ trợ một phần chi phí vay nợ của doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, ngân sách trung ương cũng hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quan trọng của khu kinh tế; công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cần thiết của khu kinh tế được sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng ưu đãi…
Trên cơ sở hệ thống chính sách chung, các địa phương cũng đã chủ động ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư cụ thể phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh và của vùng. Các chủ trương, cơ chế chính sách trên đã góp phần phát triển kinh tế vùng và vùng kinh tế trọng điểm và đạt được một số kết quả khả quan.
Các vùng kinh tế trọng điểm đã đóng góp đáng kể trong tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ trọng GDP của các vùng kinh tế trọng điểm so với cả nước tăng từ gần 51% năm 2003 lên khoảng 70% GDP giai đoạn 2010 – 2015.
Một số vấn đề đặt ra
Theo TS. Nguyễn Viết Lợi, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong thực hiện chủ trương, cơ chế chính sách phát triển kinh tế vùng, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề đặt ra. Nhìn chung, việc nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng chưa thực sự đầy đủ, dẫn đến việc chưa đảm bảo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng, chưa quan tâm đến chức năng từng vùng gắn với điều kiện kinh tế, xã hội của vùng và với tổng thể quốc gia…
Các chính sách tài chính áp dụng cho vùng kinh tế nói chung và vùng kinh tế trọng điểm nói riêng cơ bản xây dựng theo khuôn khổ các chính sách tài chính chung áp dụng trên phạm vi toàn quốc và chính sách cho các lãnh thổ đặc biệt.
Một số chính sách còn thiếu hợp lý, mang tính “dàn đều” hoặc chưa đủ mạnh để tạo lợi thế cạnh tranh cho vùng kinh tế…; Thiếu vắng một hệ thống chính sách riêng cho vùng kinh tế phần nào ảnh hưởng đến việc phát huy triệt để các lợi thế so sánh để phát triển, chưa tạo ra sức bật mạnh cho các vùng kinh tế…
Để góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc biệt là cơ chế chính sách tài chính nhằm khuyến khích phát triển có hiệu quả kinh tế vùng, Hội thảo “Phát triển kinh tế vùng: Những vấn đề đặt ra về cơ chế chính sách” đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế - tài chính đến từ các cơ quan, ban ngành trung ương và địa phương.
Vấn đề về cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách tài chính liên quan đến thuế, đầu tư công, chi ngân sách nhà nước và khuyến khích đầu tư tư nhân được rất nhiều đại biểu chia sẻ cho thấy tầm quan trọng của chính sách tài chính đối với vấn đề phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng.
Liên quan đến vấn đề này, theo TS. Cao Ngọc Lân, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong Chiến lược phát triển tài chính giai đoạn 2021 – 2030, cần có nội dung phát triển tài chính vùng, địa phương theo hướng bền vững, xây dựng các tiêu chí đánh giá và theo dõi, đánh giá được các tiêu chí này, đồng thời cần tập trung nguồn lực tài chính cho quy hoạch vùng.
Theo PGS., TS. Đặng Văn Thanh, cần xây dựng và vận hành hệ thống chính sách tài chính toàn diện thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế, tạo động lực lan tỏa giữa các địa phương trong vùng kinh tế. Các cơ chế, chính sách tài chính phải ổn định, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các vùng kinh tế khác của PGS., TS. Vũ Sỹ Cường và Bùi Trinh cho thấy, cần có những giải pháp mang tính cải cách cho phát triển kinh tế vùng này. Trong đó, cần xem xét cơ chế về điều tiết ngân sách của các tỉnh trọng điểm phía Nam để không làm mất động lực về phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách về dài hạn; xem xét cơ chế cho phép các địa phương có thể chủ động một số khoản thu…
Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho hay, các bài tham luận và một số ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã đóng góp được một số kiến nghị và giải pháp, đặc biệt là các giải pháp tài chính – ngân sách nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, góp phần thực hiện có hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới.