Chính sách thuế, kế toán đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam
Hiện nay, việc hình thành và mở rộng các quỹ xã hội, từ thiện là xu thế tất yếu để giúp Chính phủ cung cấp hàng hóa công cộng và phúc lợi cho các đối tượng yếu thế, góp phần giảm chênh lệch khoảng cách giàu, nghèo. Thông qua phân tích, đánh giá một số chính sách thuế, kế toán hiện đang áp dụng đối với các quỹ xã hội, từ thiện ở Việt Nam, bài viết chỉ ra những hạn chế, khoảng trống trong các quy định này và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách thuế, kế toán đối với các quỹ xã hội, từ thiện, giúp cho việc thực hiện nghĩa vụ của các quỹ này thuận tiện, minh bạch.
Cơ sở pháp lý về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện ở Việt Nam
Hiện nay, các tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện ở Việt Nam hoạt động dựa trên căn cứ pháp lý sau: Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện và Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ).
Theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, quỹ là tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện góp một phần tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua di chúc, hiến, tặng tài sản thành lập quỹ, có mục đích tổ chức, hoạt động theo quy định, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Các quỹ này được hoạt động trên nguyên tắc - Không vì mục tiêu lợi nhuận, theo đó “Lợi nhuận có được trong quá trình hoạt động không để phân chia mà chỉ dùng cho các hoạt động theo điều lệ của quỹ đã được công nhận” (Điều 4).
Nghị định số 93/2019/NĐ-CP quy định một số nội dung liên quan đến nghĩa vụ tài chính của các quỹ xã hội, từ thiện, cụ thể:
Về quyền hạn và nghĩa vụ của quỹ xã hội, từ thiện, một số khoản tại Điều 8 quy định như sau:
- Lưu trữ và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, các chứng từ, tài liệu về tài sản, tài chính của quỹ, nghị quyết, biên bản về các hoạt động của quỹ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (điểm d).
- Sử dụng tài sản, tài chính tiết kiệm và hiệu quả theo đúng mục đích của quỹ; nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định của pháp luật; phải đăng ký mã số thuế và kê khai thuế theo quy định của pháp luật về thuế (điểm đ).
- Hàng năm, quỹ phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động và tài chính với cơ quan cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực hoạt động của quỹ và báo cáo với UBND cấp tỉnh nơi quỹ đặt trụ sở trước ngày 31/12 (điểm i).
- Thực hiện các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến tổ chức, hoạt động của quỹ và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và điều lệ quỹ (điểm l).
Về việc các cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ, Điều 12 Nghị định này quy định: Cá nhân, tổ chức nước ngoài được góp tài sản cùng công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ ở Việt Nam với điều kiện là phải có cam kết nộp thuế và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản đóng góp.
Về tổ chức của quỹ, theo Điều 26,27,28,29,30, tổ chức của quỹ gồm: Hội đồng quản lý quỹ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ; Giám đốc quỹ; Phụ trách kế toán của quỹ; Ban Kiểm soát quỹ.
Theo Điều 31, quỹ phải thực hiện công tác kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định tại Điều 31, đó là:
- Phải tổ chức công tác kế toán, thống kê theo đúng quy định của Luật Kế toán, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thực hiện như: (a) Chấp hành các quy định về chứng từ kế toán; hạch toán kế toán và các nghiệp vụ kinh tế, tài chính có liên quan đến quỹ; (b) Mở sổ kế toán ghi chép và lưu trữ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính có liên quan đến quỹ; (c) Lập và gửi đầy đủ, đúng hạn các báo cáo tài chính (BCTC) và quyết toán năm cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ và cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ, hoặc cơ quan tài chính của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ.
- Chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về việc thu, chi, quản lý và sử dụng quỹ của cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ, hoặc cơ quan tài chính của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ và cơ quan kiểm toán có thẩm quyền. Cung cấp các thông tin cần thiết cho các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, bao gồm: Việc tiếp nhận, quản lý nguồn đóng góp tự nguyện; Phân phối, sử dụng nguồn đóng góp; Các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện; Kinh phí thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; Công khai các đóng góp tự nguyện....
Cụ thể, Điều 13 Nghị định này quy định, các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức bộ máy độc lập đều phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập BCTC đầy đủ, minh bạch. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện không tổ chức bộ máy độc lập (được giao kiêm nhiệm quản lý) thì được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị.
Chính sách thuế và quy định về chế độ kế toán áp dụng đối với các quỹ xã hội, từ thiện ở Việt Nam
Nhìn chung, dù thành lập dưới dạng tư nhân hay do Nhà nước thành lập thì các quỹ xã hội, từ thiện đều phải tuân thủ các quy định về chính sách pháp luật, bao gồm cả các nghĩa vụ về thuế và thực hiện chế độ kế toán hóa đơn chứng từ. Chính sách thuế, kế toán áp dụng đối với các quỹ xã hội, từ thiện được quy định cụ thể như sau:
Chính sách thuế
Thứ nhất, đối với quỹ xã hội, từ thiện với vai trò là một tổ chức nhận tài trợ: Theo Khoản 7, Điều 04, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) số 14/2008/QH12, khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam thuộc đối tượng được miễn thuế TNDN. Như vậy, nếu các DN nhận được các khoản thu nhập mà dùng cho mục đích từ thiện thì sẽ được miễn thuế TNDN.
Thứ hai, quỹ xã hội, từ thiện với vai trò là một tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập: Điều 04 Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 quy định các khoản thu nhập miễn thuế như sau: Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội; Phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác; Phần thu nhập hình thành tài sản không chia của hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã.
Thứ ba, quỹ xã hội, từ thiện với vai trò là tổ chức làm từ thiện, tài trợ: Theo Điều 9 - Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12, việc tài trợ chỉ được tính là chi phí được trừ khi ủng hộ cho 1 trong 7 trường hợp, trong đó có tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai, chi tài trợ cho các đối tượng chính sách.
Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Như vậy, khoản tài trợ cho các bệnh viện (mua máy thở, quần áo bảo hộ, khẩu trang...) hoặc tài trợ cho các trường học, bệnh viện, cơ sở cách ly... được xác định là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Tuy nhiên, với các khoản tài trợ cho các cá nhân gặp khó khăn trong dịch bệnh COVID-19 sẽ không được coi là chi phí được trừ, nếu khoản chi đó không đúng đối tượng hoặc không thông qua các đơn vị được phép nhận ủng hộ, tài trợ theo quy định.
Các quy định về chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ
Trên giác độ khung pháp lý về kế toán, từ trước khi có Nghị định số 93/2021/NĐ-CP đến nay, chưa có một văn bản cụ thể nào hướng dẫn nguyên tắc và phương pháp ghi nhận và trình bày báo cáo về hoạt động của các quỹ từ thiện của các tổ chức và cá nhân. Do vậy, trên thực tế thực hiện công tác kế toán của các quỹ từ thiện nói chung và quỹ từ thiện của các tổ chức nói riêng hiện nay còn lúng túng, công bố thông tin thiếu hệ thống, thiếu khoa học dẫn đến thông tin báo cáo của người dân, cũng như các bên liên quan còn hạn chế.
Đứng trên giác độ bản chất của hoạt động từ thiện, kế toán quỹ từ thiện (kế toán bên nhận và thực hiện hoạt động thiện nguyện trên cơ sở ủy quyền của bên góp tiền vào quỹ) là một phương thức kế toán nhấn mạnh trách nhiệm giải trình đối với công chúng quyên góp và các bên liên quan, đóng góp nguồn lực cho hoạt động của quỹ. Vì vậy, cần sớm có các quy định, hướng dẫn cụ thể đối với những vấn đề trên.
Một số khuyến nghị, đề xuất
Trên cơ sở phân tích, đánh giá một số chính sách thuế, quy định về chế độ kế toán hiện đang áp dụng đối với các quỹ xã hội, từ thiện hiện nay; đồng thời, chỉ ra những hạn chế và những khoảng trống trong các quy định này, tác giả đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị sau:
Đối với chính sách thuế
Có thể thấy, các quy định về nghĩa vụ thuế của các quỹ xã hội, từ thiện mặc dù đã được quy định rải rác trong các văn bản Luật nhưng chưa thực sự rõ ràng, cụ thể. Các quy định này cũng chỉ tập trung ưu đãi cho thu nhập nhận được từ các nguồn tài trợ và các khoản chi cho tài trợ một số đối tượng, chưa đề cập đến trường hợp một số quỹ xã hội, từ thiện có hoạt động hoạt động cung cấp dịch vụ hoặc các hoạt động khác theo quy định của pháp luật (Điều 35, Nghị định số 193/2019/NĐ-CP). Vì vậy, để khuyến khích việc thành lập các quỹ xã hội, từ thiện và hoạt động của các quỹ xã hội, từ thiện được thuận tiện và dễ dàng hơn, cần xem xét một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần quy định rõ ràng hơn về việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân khi thành lập quỹ xã hội, từ thiện: Phân tích cho thấy, hiện nay các văn bản pháp luật, kể cả Nghị định hướng dẫn liên quan cũng chưa quy định rõ ràng về việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân khi thành lập quỹ xã hội, từ thiện.
Thứ hai, áp dụng ưu đãi thuế cho các quỹ xã hội, từ thiện nếu có thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, trên thế giới có 3 hình thức chủ yếu nhằm kêu gọi thành lập các quỹ xã hội, từ thiện, bao gồm:
(i) Cá nhân nổi tiếng đứng ra kêu gọi gây quỹ cho một tổ chức thiện nguyện nào đó. Các tổ chức này hoạt động dưới dạng kiểu như dự án hoặc doanh nghiệp.
(ii) Cá nhân tự thành lâp quỹ từ thiện (có thể mang tên cá nhân) nhưng thuê một bộ máy quản lý vận hành.
(iii) Cá nhân thành lập các công ty tín thác để hoạt động sản xuất kinh doanh và dùng lợi nhuận cho các hoạt động từ thiện.
Các quỹ xã hội, từ thiện được thành lập dưới dạng quỹ tư nhân hay Nhà nước đều phải tuân thủ các quy định về thuế và kế toán, cũng như thực hiện các chế độ kế toán hóa đơn chứng từ như các doanh nghiệp thông thường khác. Tuy nhiên, thu nhập của các quỹ này (nếu có) từ các hoạt động sản xuất kinh doanh có thể được hưởng các ưu đãi thuế như: Miễn thuế hoặc thuế suất thấp để hỗ trợ và khuyến khích việc thành lập cũng như hoạt động của các quỹ này.
Thứ ba, đối với các cá nhân ủng hộ từ thiện qua các quỹ xã hội, từ thiện: Ở hầu hết các nước, các khoản chi từ thiện thường được giảm thuế thông qua 03 hình thức sau: (i) Giảm thu nhập chịu thuế; (ii) Giảm thuế phải nộp; (iii) Người nộp thuế khi muốn đóng góp một số tiền nào đó cho quỹ từ thiện sẽ phải chuyển trực tiếp một phần tiền cho quỹ và Chính phủ sẽ chuyển một phần tương ứng cho quỹ đó thay vì giảm thuế cho người nộp thuế và hình thức mà Việt Nam đang áp dụng là giảm thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Shusaku Sasaki, Hirofumi Kurokawa và Fumio Antake (2021), hình thức thứ 3 - Chính phủ chuyển một phần tương ứng cho quỹ từ thiện khi một cá nhân đóng góp một số tiền nhất định thay vì giảm thuế cho người nộp thuế lại có tác dụng tốt nhất đối với người nộp thuế. Vì vậy, Việt Nam có thể nghiên cứu để ban hành các quy định theo cách thức này.
Đối với kế toán
Từ thực tiễn hoạt động của các quỹ từ thiện tại Việt Nam cho thấy, kết hợp các kiến thức về lý thuyết kế toán, kế toán quỹ từ thiện tại Việt Nam có thể thực hiện hướng dẫn trên một số nguyên tắc sau:
Thứ nhất, các tổ chức từ thiện hoạt động một cách chuyên nghiệp do Nhà nước thành lập (hoặc dưới sự bảo trợ của Nhà nước), hoặc do doanh nghiệp thành lập, hoặc do một (hoặc một số nhà hảo tâm sáng lập) như: Quỹ trò nghèo vùng cao, làng trẻ em SOS Việt Nam… thường có quy mô lớn, hoạt động thiện nguyện trên cơ sở số tiền ban đầu của tổ chức, doanh nghiệp, các nhận đóng góp ban đầu và sau đó huy động của các tổ chức, cá nhân khác. Các quỹ này thường có bộ máy tổ chức đầy đủ, chặt chẽ từ ban quản lý quỹ, bộ phận kế toán, bộ phận thực hiên các hoạt động từ thiện như: Huy động từ thiện và phân bổ, tài trợ cho các hoàn cảnh khó khăn hoặc các hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao năng lực học tập, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh…..
Vì vậy, đối với các quỹ chuyên nghiệp này, cần hướng dẫn một cách đầy đủ hệ thống kế toán từ chứng từ, tài khoản, quy trình ghi sổ và lập các BCTC về tình hình hoạt động của quỹ và yêu cầu giải trình thông tin đầy đủ trong thuyết minh BCTC. Các quỹ này cũng cần được thực hiện kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng của Nhà nước, hoặc các công ty dịch vụ kiểm toán độc lập đảm bảo quỹ hoạt động đúng điều lệ hoạt động của quỹ.
Thứ hai, đối với các quỹ từ thiện hoạt động mang tính chất vụ việc tài trợ trong một số trường hợp liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, hoặc quỹ từ thiện tài trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, người cơ nhỡ trong các bệnh viện, thì các tổ chức đứng ra huy động và nhận các nguồn lực tài trợ sẽ được ghi nhận trong sổ kế toán như là một khoản nợ phải trả và khi thực hiện hoạt động thiện nguyện thì ghi nhận giảm nợ phải trả. Trong BCTC của đơn vị, tổ chức vào cuối mỗi năm tài chính cần được trình bày và cung cấp thông tin về tình hình nhận các nguồn lực tài trợ và chi cho hoạt động từ thiện và số tiền tồm quỹ như thế nào.
Thứ ba, đối với trường hợp các cá nhân dựa trên uy tín và ảnh hưởng của mình tự đúng ra huy động nguồn lực thiện nguyện và tổ chức các hoạt động thiện nguyện thì cần hướng dẫn cụ thể hơn cách thức mở tài khoản ngân hàng nhận tiền đóng góp của cộng đồng và lập báo cáo đầy đủ số liệu về số tiền huy động, hàng hóa huy động được và số tiền, hàng hóa đã thực hiện chi cho hoạt động thiện nguyện kèm theo các chứng từ minh chứng.
Các báo cáo thống kê về hoạt động nhận và thực hiện hoạt động thiện nguyện cần phải được lập định kỳ theo từng vụ việc hoặc theo thời gian cụ thể (từng tháng, hay từng quý…) và có những mẫu biểu đơn giản, sẵn có, hoặc các phần mềm để việc thực hiện của các cá nhân được thuận tiện và hiệu quả nhất, đảm bảo tính chính xác, cũng như có giá trị trong việc đảm bảo tính minh bạch, giải trình sau này.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2019), Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện;
2. Chính phủ (2019), Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2011 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
3. Phan Hoàng Lan, Vũ Hoàng Anh (2019), Quỹ phi lợi nhuận, nguồn vốn cho khởi nghiệp chưa được khai phá, Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam- số tháng 7/2019;
4. British Council, Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương và Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2016), Các điển hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam;
5. Shusaku Sasaki, Hirofumi Kurokawa và Fumio Antake (2021), An experimental comparison of rebate and matching in charitable giving: The case of Japan; Economic Review of Japan;
6. James Andreoni, (1997), Toward a theory of charitable fundraising, University Wisconsin Madison.
* PGS.,TS. Lý Phương Duyên, TS. Bùi Thị Thu Hương - Học viện Tài chính
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021