Chính sách thuế, phí, lệ phí chưa trung lập

Theo baodautu.vn

Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, Việt Nam ban hành 3 luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế. “Điều này cũng bình thường, chính sách không cứng nhắc, mà phải uyển chuyển cho phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ”, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) giải thích.

Phóng viên: Trong mấy năm gần đây, các luật thuế được sửa đổi, bổ sung liên tục, khiến doanh nghiệp cảm thấy bất an, thưa ông?

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)<="" td="" height="140" width="250">
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)
Ông Phạm Đình Thi: Để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, việc sửa đổi các luật thuế cũng là bình thường. Đúng là mấy năm gần đây, việc sửa đổi các luật thuế có nhiều hơn, do chúng ta đang trong quá trình thực hiện 11 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, cần phải sửa đổi các luật thuế cho phù hợp.

Cũng như các nước trên thế giới, thực hiện các cam kết quốc tế, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm thì phải điều chỉnh chính sách thu trong nước để bảo đảm nguồn thu. Cụ thể, khi phải cắt giảm thuế nhập khẩu, thì thuế tiêu thụ đặc biệt đánh trên giá trị nhập khẩu hàng hóa cộng với thuế nhập khẩu cũng giảm theo. Thuế giá trị gia tăng đánh trên giá trị hàng hóa nhập khẩu, cộng thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng giảm theo. 

Lần này, nếu không sửa đổi, bổ sung các luật thuế thì khó có thể thực hiện được mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng thu nội địa khoảng 84 - 85%, thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14 - 16% tổng thu ngân sách theo tinh thần Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Tăng tỷ trọng thu trong nước, giảm tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng Bộ Tài chính dự kiến tiếp tục mở rộng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này dường như bất nhất?

Tăng tỷ trọng thu trong nước không đồng nghĩa với tăng thuế suất, thu hẹp đối tượng, lĩnh vực, ngành  nghề, địa bàn ưu đãi. Thực tế cho thấy, giảm thuế suất, mở rộng ưu tiên, ưu đãi lại tăng thu ngân sách.

Kể từ năm 2014, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 22%, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp thuế suất 20%. Nhưng kể từ năm 2016, không phân biệt lớn nhỏ, các doanh nghiệp đều được áp mức thuế suất 20%, tức là chúng ta không còn ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như các nước trên thế giới đã và đang thực hiện.

Hơn nữa, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018 quy định đối tượng này được hưởng chính sách ưu đãi về thuế. Vì vậy, chúng tôi dự kiến giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp siêu nhỏ xuống còn 15% (có doanh thu dưới 3 tỷ đồng) và doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa là 17%. Các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế khác vẫn được giữ nguyên.

Nếu không ưu đãi thuế cho đối tượng này, thì Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm ý nghĩa, không thực hiện được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, không khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp và như vậy, thu nội địa khó có thể bảo đảm tỷ trọng 84 - 85% tổng thu ngân sách.

Nhưng nhìn tổng thể mấy năm gần đây, lần nào sửa thuế cũng mở rộng ưu tiên, ưu đãi. Như vậy, ưu tiên, ưu đãi về thuế liệu có trở thành đại trà, thiếu tập trung, mất ý nghĩa?

Để thu hút đầu tư nước ngoài, các nước trên thế giới có xu hướng giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, mở rộng ưu tiên, ưu đãi và nhiều nền kinh tế đã trở thành “thiên đường thuế”. Việt Nam giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông để thu hút đầu tư nước ngoài cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Còn việc mở rộng ưu tiên, ưu đãi, như tôi nói, phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Ví dụ, nhân loại đang bước vào nền công nghiệp 4.0, nền kinh tế tri thức, cạnh tranh không phải bằng nhân công giá rẻ, mà phải bằng công nghệ cao.

Vì vậy, kể từ năm 2014, bên cạnh ưu đãi về thuế theo địa bàn, lĩnh vực, chúng ta ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm) cho cả doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm; sản xuất sản phẩm phần mềm; phát triển công nghệ sinh học… Tôi cho rằng, các chính sách ưu đãi thuế này là có trọng tâm, trọng điểm vì cụ thể đối tượng và thời gian ưu đãi.

Dường như sửa đổi các luật thuế là chạy theo các luật khác, khi luật nào đó có quy định ưu đãi về thuế thì buộc phải sửa luật thuế?

Nhận định này không hoàn toàn chính xác, vì các văn bản pháp luật đều thể chế, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, trong nhiều quy định thì có quy định về ưu đãi thuế, như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chẳng hạn. Trên cơ sở này, các luật thuế được sửa đổi sẽ quy định cụ thể về miễn, giảm thuế, nhưng không phải chạy theo các luật khác.

Nhưng đúng là chính sách thuế, phí, lệ phí hiện tại chưa trung lập, do phải thực hiện quá nhiều mục tiêu, “cõng” quá nhiều chính sách an sinh xã hội, nhiều khoản phí, lệ phí không đáng bao nhiêu vẫn quy định miễn giảm cho các đối tượng khác nhau. Lĩnh vực nào, thậm chí cả doanh nghiệp cứ khó khăn là đề nghị giảm thuế.

Thực ra, nếu có giảm thuế, doanh nghiệp cũng không bớt được khó khăn tài chính bao nhiêu vì khó khăn không phải do thuế, mà do doanh nghiệp sử dụng vốn vay quá lớn, chi phí tài chính quá nhiều, cộng với sử dụng công nghệ lạc hậu lại được quản lý yếu kém… Vì vậy, cần xử lý khó khăn trước mắt bằng các chính sách khác, chứ nếu ưu đãi miễn, giảm thuế, doanh nghiệp vẫn không hết khó khăn, mà lại phá vỡ chính sách thuế.