Chính sách thuế thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn tại châu Âu
Để chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH), nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các chính sách khác nhau, đặc biệt là các chính sách thuế nhằm thúc đẩy KTTH.
Theo nghiên cứu của ThS. Lưu Ánh Nguyệt, TS. Ngô Anh Phương (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính), cải cách thuế sinh thái (Ecological Tax Reform) là xu hướng được nhiều quốc gia tại châu Âu áp dụng.
Thuế sinh thái là loại thuế đánh vào những hoạt động kinh tế có sử dụng tài nguyên thiên nhiên và có tác động tiêu cực đến môi trường. Khái niệm thuế sinh thái được khởi xướng tại Đức và hiện đang triển khai ở một số nước như Đan Mạch, Niudilan, Phần Lan... Thuế sinh thái góp phần chuyển đổi cơ cấu từ việc giảm đánh thuế thu nhập sang tăng đánh thuế ô nhiễm đối với doanh nghiệp và tư nhân...
Tại Đức, thuế sinh thái được áp dụng từ năm 1999, đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả và không khuyến khích tiêu thụ năng lượng, trong quá trình thực hiện Chiến lược chuyển đổi năng lượng sang phát triển năng lượng tái tạo. Cải cách thuế sinh thái của Đức bao gồm thuế nhiên liệu và thuế xe cộ.
Đánh thuế nhiên liệu là một phần của Cải cách thuế sinh thái của Đức, theo đó giá xăng và dầu diesel tăng 3,07 cent mỗi lít và mỗi năm (tổng cộng là tăng 15,34 cent/lít vào năm 2003) từ năm 1999 đến năm 2003, góp phần tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đến năm 2012, thuế năng lượng đối với nhiên liệu giao thông là 65,45 cent/lít xăng, 47,04 cent/lít dầu diesel và 18 cent/kg khí thiên nhiên (CNG) hoặc LNG.
Đối với thuế xe ô tô, kể từ tháng 01/2009, thuế xe cơ giới (thuế lưu hành hàng năm) được tính dựa trên lượng khí thải CO2 đối với các ô tô mới đăng ký. Mức thuế suất thấp hơn đối với các phương tiện có lượng khí thải đặc biệt thấp.
Ngoài việc đánh thuế dựa trên kích thước động cơ, việc đánh thuế CO2 chiếm 2 Euro cho mỗi gam CO2, cao hơn mức 110 gam trong năm 2012 - 2013 và trên 95 gam vào năm 2014. Việc thực hiện đánh thuế phương tiện cơ giới dựa trên CO, ước tính góp phần giảm khoảng 3 triệu tấn CO2 mỗi năm vào năm 2020.
Tại Áo, tháng 10/2022, Chính phủ tiến hành cải cách thuế hướng tới “xã hội sinh thái”. Áo áp thuế khí thải carbon dioxide từ giữa năm 2022 với mức thuế khí thải sẽ được áp dụng là 30 Euro/1 tấn khí thải và tới năm 2025 sẽ tăng lên 55 Euro. Để bù lại chi phí tăng do biện pháp thuế này, người đóng thuế sẽ nhận được một khoản “thưởng khí hậu”. Cụ thể, những người sử dụng ô tô ở khu vực nông thôn phải đóng thuế khí thải sẽ được thưởng 200 Euro/năm trong khi người ở thành thị được 100 Euro/năm. Một số biện pháp khác sẽ giảm nhẹ gánh nặng thuế cho những người Áo đang đi làm, bao gồm giảm thuế thu nhập và các đóng góp an ninh xã hội cũng như giảm thuế nhiều hơn cho các gia đình có trẻ nhỏ.
Theo nghiên cứu của ThS. Lưu Ánh Nguyệt, TS. Ngô Anh Phương, tại châu Âu, thuế và phí đối với hoạt động xử lý rác thải là phổ biến. Thụy Điển đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm thải rác, gây ô nhiễm như: Đánh thuế cao các loại thải (như năm 2000 ban hành thuế chôn lấp, tính phí xử lý chất thải và các thành phố tự quản cho việc chôn lấp chất thải thông thường), ưu đãi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh hoạt...
Để chống rác thải nhựa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang KTTH đối với nhựa, các chính sách thuế, phí khác nhau đã được các nước Liên minh châu Âu (EU) đề xuất (ví dụ: 450 Euro/tấn ở Ý) và gần đây là ở Anh (200 GBP/tấn). Tại Hội đồng châu Âu, tháng 7/2020, EU đã quyết định áp dụng mức thu đối với chất thải bao bì nhựa chưa đóng gói từ ngày 01/01/2021.
Thuế nhựa sẽ được chuyển vào ngân sách của EU và số tiền thu được sẽ được sử dụng chủ yếu để tài trợ cho viện trợ dịch COVID-19. Loại thuế này không áp trực tiếp đối với các nhà sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu thụ nhựa. Tuy nhiên, để tái cấp vốn cho thuế nhựa, việc áp dụng các loại phí mới dựa trên ngành đối với nhựa sử dụng một lần đã được thảo luận ở nhiều quốc gia thành viên khác nhau. Ví dụ, ở Ý, thuế mới đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2022.
Bên cạnh đó, tại châu Âu, việc giảm thuế giá trị gia tăng cho nội dung tái chế và sử dụng vật liệu thứ cấp đã được đề xuất với các nước thành viên và ở Anh, và một số quốc gia đã áp dụng như Thụy Điển (12%), Luxembourg (8%) đối với dịch vụ sửa chữa thông thường. Việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với các hoạt động sửa chữa cũng sẽ là một sự thay đổi đáng hoan nghênh về thuế có lợi cho KTTH.
Phí nhựa bao gồm một tỷ lệ gọi thống nhất là 0,8 Euro cho mỗi kg chất thải bao bì nhựa không tái chế. Chất thải bao bì nhựa chịu thuế được tính từ chênh lệch giữa chất thải bao bì nhựa được tạo ra ở một quốc gia thành viên trong một năm nhất định và chất thải bao bì nhựa được tái chế trong cùng một năm, theo Chỉ thị về Bao bì châu Âu.
Từ kinh nghiệm của các nước châu Âu, ThS. Lưu Ánh Nguyệt, TS. Ngô Anh Phương nhận định, chính sách thuế đóng vai trò quan trọng trong thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng theo mô hình KTTH. Theo đó, một số cải cách thuế xanh mà Việt Nam có thể cân nhắc như thuế sinh thái, chuyển gánh nặng thuế từ lao động sang tài nguyên (không thể tái tạo), chất thải và khí thải nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững hơn.