Hoàn thiện chính sách tài chính nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường ở Việt Nam

PV.

Bảo vệ môi trường (BVMT) và thúc đẩy tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn được xác định trong nhiều chiến lược, kế hoạch phát triển trung và dài hạn của Việt Nam. Để thực hiện được các mục tiêu về BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần hoàn thiện chính sách tài chính nhằm thúc đẩy BVMT ở Việt Nam.

Để thực hiện được các mục tiêu về BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh đòi hỏi phải có sự kết hợp hiệu quả của nhiều chính sách khác nhau.
Để thực hiện được các mục tiêu về BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh đòi hỏi phải có sự kết hợp hiệu quả của nhiều chính sách khác nhau.

Ở Việt Nam, thúc đẩy BVMT được xác định là một trong những trụ cột quan trọng nhằm hướng đến các mục tiêu về phát triển bền vững. Cùng chung sức với cộng đồng quốc tế, tháng 12/2015, Việt Nam đã tham gia ký kết Thỏa thuận Paris về khí hậu (COP21). Tiếp đến, năm 2021, Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các cam kết trong khung khổ COP26, đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để thực hiện các mục tiêu, định hướng đề ra trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước cũng như để thực hiện các cam kết quốc tế về BVMT, Việt Nam đã xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều nhóm giải pháp khác nhau, trong đó những giải pháp về chính sách tài chính.

Theo ông Trương Bá Tuấn - Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), các chính sách tài chính nhằm BVMT ở Việt Nam đến nay đã được ban hành khá đầy đủ, đóng góp tích cực trong quá trình thực hiện các mục tiêu về BVMT, thúc đẩy phát triển bền vững của đất nước. 

Cụ thể, về chính sách thuế, trong giai đoạn 10 năm qua, chính sách thuế BVMT, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế TTĐB và chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, hạn chế việc tiêu thụ các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường có mức phát thải lớn.

Bên cạnh đó, chính sách chi NSNN được chú trọng theo hướng ưu tiên cho các chương trình, dự án liên quan đến BVMT. NSNN bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi NSNN hàng năm.

Tại Việt Nam, cũng đã triển khai một số cơ chế chính sách về tín dụng ưu đãi đối với các dự án liên quan đến BVMT, tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo thông qua Quỹ BVMT Việt Nam, Ngân hàng phát triển Việt Nam và các quỹ đầu tư phát triển địa phương. Cùng với đó, các cơ chế chính sách để đa dạng hóa nguồn lực, thúc đẩy sự tham gia của tư nhân vào các dự án BVMT cũng đã được xây dựng và tổ chức thực hiện.

Ông Trương Bá Tuấn cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu về BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh đòi hỏi phải có sự kết hợp hiệu quả của nhiều chính sách khác nhau, trong đó không thể thiếu chính sách tài chính. Trong thời gian tới, để khắc phục được những vấn đề trên, việc tiếp tục cải cách hệ thống các công cụ chính sách tài chính vì mục tiêu BVMT phải được xem là một trong những định hướng cần ưu tiên.

Trong đó, cần tập trung rà soát tổng thể các chính sách thuế liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu về BVMT, nhất là chính sách thuế BVMT, thuế TTĐB; rà soát tổng thể hệ thống các chính sách ưu đãi về thuế, thu hẹp các chính sách ưu đãi không hiệu quả để dành sự ưu tiên lớn hơn cho các dự án về BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh; nghiên cứu để sớm triển khai chính sách thu phí BVMT đối với khí thải; nghiên cứu để điều chỉnh tăng khung thuế suất thuế tài nguyên đối với một số loại tài nguyên không tái tạo; tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực từ NSNN cho công tác BVMT...

Chuyên gia này khẳng định, để phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống chính sách tài chính trong việc BVMT, Việt Nam cần xây dựng một lộ trình cụ thể để sửa đổi, bổ sung các chính sách tài chính có liên quan để, hình thành cho được các “động cơ”, “động lực” đủ mạnh để thay đổi hành vi sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân trong việc hướng đến các mục tiêu BVMT đề ra.