Chính sách thuế thuốc lá đóng góp 50% mức giảm tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam
Ngày 11/6, hội thảo quốc tế về chính sách thuế thuốc lá tại Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo là sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn thường niên các nhà kinh tế Việt Nam do Đại học Ngoại thương, Trung tâm nghiên cứu Chính sách và phát triển (DEPOCEN) và Trung tâm nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS) phối hợp tổ chức.
Tại phiên thảo luận về chính sách Thuế thuốc lá, các chuyên gia và diễn giả cùng chung quan điểm, việc tăng thuế đối với thuốc lá là chính sách quan trọng và hiệu quả để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá tại Việt Nam và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Trên cơ sở tình trạng hút thuốc lá ngày càng tăng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân và để đạt được mục tiêu quốc gia, các chuyên gia khẳng định, chính sách quan trọng, hiệu quả nhất để kiểm soát việc hút thuốc lá chính là tăng thuế đối với thuốc lá.
Mục tiêu quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 của Việt Nam là giảm tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên độ tuổi 15-24 từ 26% năm 2012 còn 18% năm 2020; Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới từ 47,4% năm 2011 giảm còn 39% vào năm 2020; Tỷ lệ hút thuốc ở nữ giới dưới 1,4% vào năm 2020.
Theo Bộ Y tế và Tổ chức y tế Thế giới (WHO), tăng thuế thuốc lá đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt để ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc. Không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe, tăng thuế thuốc lá còn giúp tăng nguồn thu từ thuế thuốc lá cho ngân sách. Vào năm 2008, sau khi áp dụng mức thuế mới 65% (tăng 10% so với năm 2007), doanh thu từ thuế thuốc lá đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2007 mặc dù tiêu dùng trong năm 2008 giảm khoảng 8%.
Tuy nhiên, việc tăng thuế chỉ trong 1 năm duy nhất không có nhiều tác dụng, tiêu dùng lại có xu hướng tăng trở lại. Năm 2009 tiêu thụ tăng 10% so với năm 2008 và tiếp tục tăng vào các năm sau đó. Đến năm 2016, sau khi áp dụng mức thuế mới 70% (tăng 5% so với với 65% năm 2015), thu thuế thuốc lá năm 2016 ước tính tăng khoảng 1.250 tỷ đồng so với năm 2015.
Trước thực tiễn trên, việc tăng thuế đối với thuốc lá là yêu cầu cấp thiết nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc, đồng thời giúp tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế thuốc lá theo 2 phương án:
Phương án 1: Áp dụng thu thuế theo phương pháp hỗn hợp (thu theo thuế suất tỷ lệ như hiện nay và thuế suất tuyệt đối) từ năm 2010. Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng mỗi bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng một điếu xì gà.
Phương án 2: Tăng thuế suất thuế theo lộ trình, năm 2020 tăng từ 75% lên 80%, năm 2021 tăng lên mức 85%.
Theo tính toán của WHO, với phương án tăng thuế như trên thì vào năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới sẽ giảm được khoảng 1,5% so với tỷ lên hiện tại là 45,3%. Về mặt thu thuế của Nhà nước, ước tính mức tăng thuế như trên sẽ giúp cho nguồn thu từ thuế thuốc lá tăng thêm 3.900 tỷ đồng mỗi năm.
Đồng thuận với quan điểm trên, Chuyên gia Đào Thế Sơn - Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, nên áp dụng mức thuế cụ thể từ 2.000 đồng - 5.000 đồng/bao. Tăng Thuế thuốc lá tuyệt đối có thể giảm đáng kể số người hút thuốc có thu nhập thấp và ngăn chặn được nhiều thanh niên hút thuốc hơn, đồng thời giảm được việc chuyển giá, trốn thuế.