Chính sách thuế trong ngăn chặn suy giảm kinh tế

TS. Hoàng Văn Bằng - Học viện Tài chính

TCTC - Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm phá sản hàng loạt mục tiêu, kế hoạch phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới, để lại nhiều hệ lụy xấu. Mặc dù không nằm trong "tâm xoáy" của cuộc khủng hoảng, nhưng những tác động xấu mà cuộc khủng hoảng đối với kinh tế - xã hội Việt Nam là không thể phủ nhận. Để ứng phó và giảm thiểu rủi ro từ khủng hoảng, Chính phủ đã triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó, đặc biệt phải kể đến các chính sách thuế được sử dụng như một công cụ kích cầu nền kinh tế nhằm thúc đẩy đầu tư, tạo công ăn việc làm. Sau một thời gian triển khai thực hiện, các chính sách này đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề nảy sinh cần đánh giá lại và rút kinh nghiệm...

Sử dụng chính sách thuế kích thích kinh tế

Về lý thuyết, thuế có thể được sử dụng để kích cầu trên 2 phương diện:

- Để tránh sự suy giảm của tiêu dùng hiệu quả (còn có thể được coi là tăng cường sản xuất), Chính phủ có thể miễn, giảm thuế (thuế trực thu và thuế gián thu) hoặc tăng thu nhập cho những người có thu nhập thấp trong xã hội.

- Khuyến khích các doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh, bằng việc cho phép khấu trừ toàn bộ khoản lỗ kinh doanh trong năm hiện tại thông qua chuyển lỗ qua các năm (có thể chuyển lỗ ngược về các năm trước hoặc chuyển sang các năm tiếp theo).

Việc hạ thấp mức thuế suất (giảm mức thuế suất hiện hành) hoặc miễn thuế phải được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định và được cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân hoặc các loại hàng hóa, dịch vụ nhất định. Tuy nhiên, trong từng trường hợp và tùy theo từng loại thuế nên có những cách thức khuyến khích khác nhau, cụ thể:

1. Việc miễn thuế hoặc giãn thời hạn nộp thuế của thu nhập doanh nghiệp sẽ trực tiếp làm tăng vốn cho doanh nghiệp thúc đẩy doanh nghiệp tăng đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính điều này cũng kéo theo cầu về các yếu tố đầu vào tăng lên (cầu về lao động, nguyên vật liệu,..) sẽ kích thích nền kinh tế hồi phục.

Mặt khác, việc miễn, giãn thuế, giảm thuế thu nhập cá nhân có thể gây ra những ảnh hưởng khác nhau. Tác động của việc giãn, giảm hoặc miễn thuế thu nhập cá nhân tùy trường hợp có thể làm tăng thời gian nghỉ ngơi của người lao động mà không khuyến khích tăng thời gian làm việc hoặc ngược lại có thể thúc đẩy tăng thời gian làm việc (mà không tăng thời gian nghỉ ngơi). Chính điều này đã gợi mở ra các vấn đề như: chỉ thực hiện giảm, giãn thuế hoặc miễn thuế cho những người có mức thu nhập trung bình trở xuống; lựa chọn những thu nhập từ các hoạt động sử dụng phần lớn thời gian của người lao động. 

2. Trên giác độ khuyến khích của thuế tiêu dùng, những khuyến khích này về cơ bản có tác động đến giá bán của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hoặc làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp (nếu giá bán vẫn được giữ nguyên hoặc giảm không đáng kể). Những tác động này cũng có thể làm tăng cầu về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hoặc tăng cầu về hàng hóa đầu tư. Do đó, những doanh nghiệp mới cần phải dự báo chính xác nhu cầu về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để tránh được những mang đến rủi ro khi thời gian khuyến khích chấm dứt. Đặc biệt, trong thời gian nền kinh tế suy thoái, cần cân nhắc chỉ nên có những chính sách khuyến khích thuế cho những mặt hàng mang tính chất thiết yếu, làm yếu tố đầu vào cho sản xuất các mặt hàng, dịch vụ phục vụ cho phát triển kinh tế, đồng thời hạn chế cung cấp khuyến khích cho các mặt hàng tiêu dùng chưa cần thiết.

3. Trong điều kiện thị trường vốn còn nhiều bất ổn, các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại chủ yếu tăng năng lực sản xuất kinh doanh của mình bằng lợi nhuận chưa phân phối, vì vậy cần cân nhắc miễn thuế hoặc giảm thuế hoặc giãn thuế cho lợi nhuận không phân phối và cân nhắc đánh thuế vào lợi nhuận phân phối để đảm bảo lợi nhuận được hưởng ưu đãi thuế được sử dụng trực tiếp cho phát triển kinh tế.

Mỗi hình thức ưu đãi thuế cung cấp cho doanh nghiệp, cá nhân cần phải được cân nhắc và phải hướng trực tiếp vào mục tiêu phục hồi sự tăng trưởng kinh tế và có tính đến thời hạn nhằm giảm thiểu rủi ro đối với doanh nghiệp và cá nhân.

Đánh giá việc sử dụng công cụ thuế trong khủng hoảng

Trong thời gian qua, đặc biệt từ khi sự suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra và có ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước ta. Việt Nam đã và đang thực hiện những ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và cho cá nhân, đặc biệt nó trùng hợp với các luật thuế quan trọng (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) có hiệu lực thi hành. Ngoài những sự thay đổi có lợi cho doanh nghiệp từ việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, những thay đổi có thể bất lợi đối với doanh nghiệp là thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa là yếu tố đầu vào được tăng từ 5% lên 10%.

Để đối phó với sự suy giảm kinh tế, Việt Nam đã triển khai thực hiện hàng loạt biện pháp về thuế như: giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu; giảm lệ phí trước bạ; giãn thuế thu nhập cá nhân,…

Về giảm mức thuế suất thuế giá trị gia tăng: Phần lớn những mặt hàng có mức thuế suất là 10% đã được giảm xuống 5% trước ngày 01/01/2009. Hiện nay, việc giảm mức thuế suất này vẫn chưa gây ra những hiệu ứng rõ rệt (giảm giá bán). Tuy nhiên, ở đây chủ yếu là những mặt hàng dùng cho sản xuất kinh doanh (xi măng, gạch ngói, giấy các loại, vải các loại, sợi, sản phẩm ngành may, da các loại) nên việc giảm thuế là hoàn toàn phù hợp với cơ sở lý thuyết và có khả năng ảnh hưởng đến các ngành sử dụng các yếu tố đầu vào này.

Về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu: Chính sách khuyến khích này cần được cân nhắc và chỉ nên cung cấp cho những mặt hàng là yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh hoặc tạo tài sản cố định cho doanh nghiệp. Việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp là một chủ trương khuyến khích thuế đúng đắn.

Nhưng để đảm bảo khuyến khích đúng đối tượng, cần quy định rõ hơn về các đối tượng nhập khẩu trực tiếp sử dụng hoặc người sử dụng những hàng hóa này nhập khẩu thông qua ủy thác, nếu không nhà nhập khẩu thương mại được hưởng ưu đãi mà nhà sử dụng lại không được hưởng ưu đãi đã phải ứng vốn để thanh toán thuế khi mua của nhà nhập khẩu.

Về giảm và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Chính phủ đã thực hiện giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của quý IV/2008 và số thuế TNDN phải nộp của năm 2009 cho DNNVV; giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của quý IV/2008 đối với thu nhập của doanh nghiệp từ các hoạt động sản xuất, gia công sợi, dệt, nhuộm, may và sản xuất các mặt hàng da, giầy đã được Chính phủ cung cấp kịp thời...

Những khuyến khích này được cung cấp trực tiếp cho DNNVV hoặc doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động sản xuất, gia công sợi, dệt, nhuộm, may và sản xuất các mặt hàng da, giầy. Đặc biệt những DNNVV còn được giãn số thuế phải nộp với thời gian gia hạn nộp thuế là 9 tháng kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật quản lý thuế. Tuy nhiên, có thể do việc quy định điều kiện hưởng ưu đãi vẫn còn những điểm chưa cụ thể để hướng thu nhập được ưu đãi này phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Hơn nữa trong điều kiện thị trường vốn nước ta chưa hoàn hảo, có thể luồng tiền này sẽ được doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư vào chứng khoán khoán mà không đưa vào sản xuất kinh doanh do đó sẽ giảm đi hiệu quả của chính sách khuyến khích thuế.

Về giảm lệ phí trước bạ: Lệ phí trước bạ chỉ được giảm đối với ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở xuống, điều này là không cần thiết vì làm như vậy chỉ khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân trong điều kiện hệ thống giao thông Việt Nam còn nhiều bất cập sẽ xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông. Nên chăng, giảm lệ phí trước bạ cho xe phục vụ cho sản xuất kinh doanh (xe tải, xe chở người trên 24 chỗ ngồi) có thể làm tăng sự tiết kiệm của nền kinh tế và có thể thúc đẩy tăng đầu tư.
Về giãn thuế thu nhập cá nhân hoặc có thêm miễn thuế:

Trong thực tế việc thiết kế thuế thu nhập cá nhân với mức thu nhập chịu thuế ở nước ta lớn hơn thu nhập bình quân đầu người bình quân khoảng trên 3 lần. Như vậy về mặt lý thuyết chỉ những người có thu nhập cao mới phải nộp thuế và tác động của việc giãn hoặc miễn thuế này có thể gây ảnh hưởng xấu đến thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Những tác động này là có thể làm giảm thời gian làm việc, tăng thời gian nghỉ ngơi đồng thời làm giảm đi tính công bằng của thuế thu nhập cá nhân.           

Kết luận

Các công cụ thuế được sử dụng kích cầu nhằm phục hồi nền kinh tế ở nước ta hiện nay đã được cung cấp kịp thời và cho từng nhóm đối tượng thụ hưởng cũng như hoạt động kinh doanh hoặc mặt hàng chịu thuế. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu điều kiện để được hưởng khuyến khích nhằm hướng những khoản khuyến khích này tác động trực tiếp đến mục tiêu phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế và nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế. Các biện pháp khuyến khích thuế cần phải nghiên cứu thận trọng qua bốn bước: Thiết kế khuyến khích; Ban hành khuyến khích; Thi hành khuyến khích; Tiếp tục theo dõi các cơ sở kinh doanh (ngành nghề) được hưởng lợi từ những khuyến khích thuế này.

Nhìn chung, khuyến khích thuế trong giai đoạn này được thiết kế có mục đích rõ ràng nhằm thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Ngược lại, những kết quả không như dự định sẽ gây mất nguồn thu cho NSNN trong điều kiện bội chi ngân sách nhà nước đang tăng lên. Hệ thống khuyến khích thuế cần phải rõ ràng, dễ quản lý và nhà đầu tư dễ hiểu sẽ có tác dụng thực hiện khuyến khích hiệu quả hơn, tức là sẽ có tác dụng làm giảm đi sự gian lận thuế của các cơ sở kinh doanh và những khuyến khích này phải có điều kiện kèm theo nhằm đảm bảo khuyến khích được trúng những “mục tiêu”.