Chính sách thuế xanh nhằm phát triển bền vững

Nguyễn Thị Hải Bình - Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia

Mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam hướng tới là tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước tập trung thúc đẩy kinh tế xanh. Theo đó, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh đã trở thành đường lối, quan điểm và chính sách xuyên suốt của Nhà nước và thuế xanh đã, đang trở thành một trong những công cụ quan trọng cho phát triển kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững.

Tổng quan chính sách thuế xanh ở Việt Nam

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, yêu cầu “xanh hóa” hệ thống chính sách thuế theo hướng gắn với việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh đã trở thành một nội dung xuyên suốt. Nhiều chính sách thuế, phí để liên quan đến bảo vệ môi trường (BVMT), phát triển nền kinh tế xanh đã được xây dựng và liên tục hoàn thiện trong giai đoạn qua.

Giai đoạn trước năm 2010, Việt Nam chưa có một sắc thuế riêng về môi trường để thu vào sản phẩm khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng hàng hóa loại này. Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành và thực thi nhiều biện pháp tài chính nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia trực tiếp các hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên. Các biện pháp này được thực hiện trong các chính sách thuế như: thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế nhập khẩu,…

Sự ra đời của Luật thuế BVMT số 57/2010/QH12 (hiệu lực từ 1/01/2012), đánh dấu sự thay đổi căn bản trong cách thức tiếp cận về sử dụng các công cụ kinh tế cho mục tiêu BVMT, với mục tiêu đánh thuế vào các đối tượng gây ô nhiễm môi trường, góp phần thay đổi nhận thức của con người đối với môi trường, huy động thêm nguồn lực cho NSNN để khôi phục môi trường sinh thái; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm bớt các tác động tiêu cực của sản xuất, tiêu dùng đến môi trường.

Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến thúc đẩy sản xuất xanh và tiêu dùng xanh cũng đã được xây dựng và tổ chức thực hiện, thông qua như:

- Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2016): Theo quy định của Luật Thuế TTĐB, sản phẩm ít gây hại đến môi trường như xe ô tô chạy bằng năng lượng điện, năng lượng sinh học được ưu đãi thuế TTĐB với thuế suất chỉ bằng 50% và 70% mức thuế suất của xe ô tô cùng chủng loại nhưng chạy bằng xăng. Các quy định ưu đãi này nhằm khuyến khích đầu tư, sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm sử dụng năng lượng tiết kiệm, thân thiên với môi trường. Luật Thuế TTĐB cũng quy định thuế suất cao hơn đối với xe chở người có dung tích xi lanh lớn nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng các loại xe tiêu hao ít năng lượng.

- Pháp luật về thuế TNDN hiện hành quy định ưu đãi thuế suất 10% cho suốt đời dự án đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường; miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 cũng có quy định về miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật liệu sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Có thể thấy, quá trình “xanh hóa” hệ thống chính sách thuế của Việt Nam giai đoạn vừa qua đã góp phần hình thành các khung khổ khá đồng bộ, phát huy được vai trò của từng chính sách thuế, phí trong việc thực hiện các mục tiêu liên quan đến kinh tế xanh.

Kết quả thực hiện chính sách thuế xanh nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam

Chính sách thuế xanh liên quan đến BVMT hướng tới phát triển bền vững (PTBV) đã được ban hành, bao quát cả 3 khía cạnh cơ bản: (i) Thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; (ii) Tạo động lực để thúc đẩy sản xuất xanh và tiêu dùng xanh (qua các chính sách ưu đãi về thuế); (iii) Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào các dự án BVMT sinh thái, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Các chính sách phí liên quan đến BVMT cũng đã được thay đổi theo hướng thị trường, buộc các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải trong quá trình sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm nộp phí, giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; đảm bảo nguyên tắc “người sử dụng phải trả tiền”.

Các chính sách ưu đãi về thuế đã được hoàn thiện, bổ sung theo hướng khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch và các sản phẩm thân thiện môi trường. Cùng với các chính sách khác, chính sách thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã góp phần vào sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam trong thời gian qua. Tính đến cuối năm 2021, các nguồn NLTT có tổng công suất lắp đặt là 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (76.620 MW); tổng sản lượng điện từ nguồn NLTT đạt 31.508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng toàn hệ thống (Lê Khánh Lâm, 2022).

Các chính sách ưu đãi về thuế TNDN đối với lĩnh vực công nghệ, các dự án khai thác, sản xuất NLTT, cùng với các ưu đãi về miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu... nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được đã góp phần quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào nguồn năng lượng mới này. Trong thời gian qua, các chính sách trên đã thu được một số kết quả ban đầu.

Theo đó, Việt Nam cũng đã xây dựng các nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời hiện đại; Đáp ứng tiềm năng sẵn có và nhu cầu sử dụng năng lượng mặt trời ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, một số nhà máy đi đầu trong ngành công nghệ sản xuất pin mặt trời có thể kể đến như: Dự án HT Solar tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, An Dương, Hải Phòng được cấp phép đầu tư tháng 7/2016 với tổng số vốn đầu tư lên đến 22 triệu USD; dự án Vina Solar ở Lào Cai, thành lập đầu năm 2018 có số vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD và diện tích xây dựng là 228 ha; dự án Trina Solar ở Bắc Giang được thành lập từ 2017 với tổng số vốn đầu tư lên tới 100 triệu USD, diện tích mặt xưởng là 42.000 m2, sản xuất loại pin đơn tinh thể và đa tinh thể.

Ngoài ra, một số khu công nghiệp sinh thái sử dụng các công nghệ mới, các sản phẩm sinh học tự phân hủy… đang hình thành. Tại một số tỉnh thành hiện nay đang thí điểm chuyển đổi một số khu công nghiệp sang khu công nghiệp sinh thái, như Hải Phòng có 02 khu công nghiệp phát triển theo hướng này là Khu công nghiệp DEEP C (540 ha) và Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (gần 270 ha). Đồng thời, Việt Nam cũng đã xây dựng các nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời hiện đại, đáp ứng tiềm năng sẵn có và nhu cầu sử dụng năng lượng mặt trời hiện nay.

Một số vấn đề đặt ra

Mặc dù, đạt được một số kết quả tích cực nói trên nhưng thực tiễn triển khai áp dụng chính sách thuế, phí liên quan đến tăng trưởng xanh ở Việt Nam cũng đang bộc lộ một số hạn chế. Hệ thống công cụ kinh tế nói chung, chính sách thuế nói riêng cho mục tiêu BVMT còn thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh để điều tiết hiệu quả hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế để hướng đến sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Mức thu của một số loại hàng hóa gây ô nhiểm môi trường còn thấp, thậm chí là không đáng kể. Cùng với đó, các chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính còn chưa được cụ thể hóa, chưa đủ sức hấp dẫn. Cụ thể:

- Về thuế BVMT: Nhiều sản phẩm, hàng hoá mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhưng lại chưa được đưa vào diện điều chỉnh của chính sách thuế BVMT. Ví dụ: thuế BVMT hiện nay mới thu vào 8 nhóm mặt hàng chịu thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, còn những sản phẩm như các chất tẩy rửa trong công nghiệp, ắc quy, lốp xe, hóa chất tẩy rửa, sản xuất giấy, chế biến thực phẩm, phân bón hóa học… gây ô nhiễm môi trường cần đưa vào đối tượng chịu thuế BVMT. Mức thuế áp dụng đối với hàng hóa chịu thuế BVMT phải góp phần điều chỉnh được hành vi tiêu dùng, hạn chế sử dụng những hàng hóa gây ô nhiễm, chuyển dịch sản xuất theo hướng sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thực tế cũng chưa có các đánh giá cụ thể về mức độ tác động, qua đó phản ánh đầy đủ cơ chế “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Tiếp cận từ góc độ quản lý nhà nước, có thể thấy rằng, số thu tuyệt đối từ thuế BVMT ngày càng tăng qua các năm trong giai đoạn 2012-2021 (tăng từ 11.458 tỷ đồng năm 2012 lên 59.544 tỷ đồng năm 2021), tỷ trọng thu từ thuế BVMT so với tổng thu NSNN trong cùng giai đoạn cũng tăng dần (tăng từ 1,1% năm 2012 lên 3,8% năm 2021). Điều này phản ánh rằng sự tăng lên của số thu thuế BVMT có thể bù đắp NSNN nhưng phản ánh thực tiễn hàng hóa gây ô nhiễm môi trường vẫn được tiêu dùng với khối lượng lớn. Vì vậy, mục tiêu áp dụng thuế BVMT để hạn chế tiêu dùng các hàng hóa có ảnh hưởng xấu tới môi trường chưa thực sự đạt được. Khung tính thuế và mức thuế tuyệt đối vẫn được giữ nguyên trong nhiều năm, trong khi cần phải thay đổi linh hoạt để phù hợp với thực tiễn và dựa trên mức độ thiệt hại do việc tiêu thụ các hàng hóa gây ra đối với môi trường.

Đối với mặt hàng túi ni lông thuộc diện chịu thuế BVMT, số thu từ thuế BVMT áp dụng cho túi ni lông được rất ít (trung bình khoảng 174,7 tỷ đồng trong giai đoạn 2012-2020) với trung bình khoảng 3,5 triệu kg túi ni lông bị đánh thuế. Trong khi đó, nếu tính Ở Việt Nam, trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng một kg túi nylon mỗi tháng và hơn 80% bị thải bỏ sau khi dùng một lần (Nguyễn Ngọc Hùng, 2021) thì ước tính số lượng túi ni lông được tiêu thụ năm 2019 là 26,9 triệu kg túi ni lông mỗi tháng và cả năm tiêu thụ khoảng 322,8 triệu kg túi ni lông, gấp hơn 92 lần số kg túi ni lông bị thu thuế. Như vậy, có thể đánh giá, lượng tiêu thụ túi ni lông rất lớn trong khi số thu BVMT từ túi ni lông quá nhỏ. Điều này cho thấy, việc áp dụng thuế BVMT không có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn tiêu dùng mặt hàng túi ni long (phù hợp với kết quả đánh giá trong nghiên cứu của Tong & Duong, 2020).

- Về thuế tài nguyên: Thuế suất thuế tài nguyên hiện hành chưa bảo đảm việc khai thác hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, chưa tạo động lực cân đối lại việc khai thác tài nguyên tái tạo và tài nguyên không tái tạo. Cách thức phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan liên quan trong quản lý, kiểm tra các hoạt động khai thác tài nguyên còn nhiều bất cập.

Định hướng và khuyến nghị chính sách

Với thực tế nêu trên, bài viết đề xuất một số định hướng hoàn thiện chính sách thuế xanh trong thời gian tới nhằm hướng đến PTBV gồm:

Một là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế BVMT nhằm bao phủ được các nguồn gây tổn hại cho môi trường, phải hướng đến các chủ thể gây ô nhiễm, các hành vi ô nhiễm chính xác nhất, bao quát được các nguồn gốc ô nhiễm.

- Đối với thuế BVMT: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế BVMT, hướng đến các chủ thể gây ô nhiễm, các hành vi ô nhiễm chính xác nhất, bao quát được các nguồn gốc ô nhiễm. Trên thực tế còn có nhiều sản phẩm, hàng hoá có mức độ gây ô nhiễm trên diện rộng nhưng lại chưa được quy định thuộc đối tượng chịu thuế, ví dụ như: (i) Phân bón hóa học, chất tẩy rửa; (ii) Khí than, khí tự nhiên; (iii) Pin, ắc quy.

Bảng 1: Số lượng đơn vị hàng hóa chịu thuế BVMT thuộc nhóm xăng dầu được tiêu thụ trong giai đoạn 2012-2021 (Triệu lít)

 

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Xăng (trừ etanol)

1.475

1.621

1.631

3.676

5.369

5.773

6.044

8.227

8.294

7.589

Dầu Diezel

1.828

1.864

2.001

4.686

8.281

8.374

8.758

11.638

11.258

11.792

Dầu hoả

13

23

7

13

10

11

9

22

16

23

Dầu mazut, dầu mỡ nhờn

113

135

142

330

655

446

520

914

661

735

Nhiên liệu bay

101

108

199

562

992

1.062

1.111

1.172

441

490

Nguồn: Tác giả tính toán theo căn cứ số thu thuế BVMT (Bộ Tài chính) và thuế suất thuế BVMT đối với nhóm xăng dầu (theo quy định của Luật thuế BVMT)

- Đối với thuế TTĐB: Mở rộng thêm cơ sở thuế TTĐB đối với một số đối tượng như khoáng sản, kim loại quý, dầu mỏ hay các hàng hoá khác mà trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thu thuế TTĐB.

- Đối với thuế tài nguyên: Bổ sung đối tượng chịu thuế phù hợp với xu hướng cải cách thuế tài nguyên của các nước. Một số loại tài nguyên trên thực tế hoạt động khai thác có giá trị kinh tế cao nhưng chưa được quản lý chặt chẽ, đồng thời khi khai thác gây tác động xấu đến môi trường, do đó đề xuất bổ sung đối tượng chịu thuế tài nguyên (như: đối với san hô đỏ hoặc yến sào do người dân xây nhà gọi yến). Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh khung thuế suất đối với một số nhóm tài nguyên, khoáng sản do mức thuế suất hiện hành đã tiệm cận mức trần thuế suất.

Hai là, xác định mức thuế suất phù hợp đối với các loại hàng hóa thuộc diện chịu thuế xanh, đảm bảo thực hiện hiệu quả nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” nhằm tác động đến hoạt động sản xuất và tiêu dùng theo hướng sản xuất và tiêu dùng xanh.

- Đối với thuế BVMT: Hiện hành, mức thuế đối với một số sản phẩm, hàng hóa chịu thuế BVMT chưa thực sự hợp lý, chưa đủ cao để tạo ra các động lực thúc đẩy sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Theo đó, đối với các mặt hàng hiện nay đã thuộc diện chịu thuế BVMT, như xăng dầu, than, túi ni lông, HCFC, cần thiết phải sửa đổi Biểu khung thuế cho phù hợp với thực tế. Việc tăng khung thuế BVMT phải có lộ trình, đánh giá tác động đầy đủ của việc điều chỉnh nhằm đảm bảo tính thuyết phục.

- Đối với thuế TTĐB: Điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB căn cứ vào mức xả thải ra môi trường của đối tượng chịu thuế để đảm bảo công bằng về trách nhiệm BVMT đối với tất cả các đối tượng chịu thuế.

- Đối với thuế tài nguyên: Nghiên cứu, mở rộng khung thuế suất thuế tài nguyên để có cơ sở điều chỉnh mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước đối với tài nguyên; góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên.

Bảng 2: Số lượng túi ni lông được tiêu thụ trong giai đoạn 2012-2020 (triệu kg)

 

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Túi ni lông

16540

3960

1880

2040

1680

1740

1080

1280

1240

Nguồn: Tác giả tính toán theo căn cứ số thu thuế BVMT (Bộ Tài chính) và thuế suất thuế BVMT đối với túi ni lông (theo quy định của Luật thuế BVMT)

Ba là, rà soát tổng thể các chính sách ưu đãi về thuế, dành sự ưu tiên lớn hơn cho các dự án tăng trưởng xanh, BVMT và ứng phó BĐKH. Đây là những lĩnh vực khi được đầu tư sẽ tạo ra các ngoại ứng tích cực cho nền kinh tế trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững. Chính sách ưu đãi thuế phải phù hợp với các nguyên tắc chung của thương mại và đầu tư quốc tế, tôn trọng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Các ưu đãi thuế cần đảm bảo duy trì không có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, giữa sản phẩm sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu, phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi tham gia vào quá trình đàm phán gia nhập các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế phải đảm bảo tính minh bạch, có tiêu chí rõ ràng, trên cơ sở “thưởng cho người làm tốt” và dựa theo nguyên tắc thị trường. Cùng với đó, việc ban hành các chính sách ưu đãi thuế mới và sửa đổi các chính sách ưu đãi đang áp dụng cho các mục tiêu môi trường và tăng trưởng xanh phải hình thành các cơ chế để đảm bảo các chính sách này có thể giám sát, có thể đánh giá được trong quá trình thực thi sau khi được ban hành.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Thị Quỳnh Giao (2022), Một số vấn đề về chính sách quản lý thuế bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện nay, https://kketoan.duytan.edu.vn/Home/ArticleDetail/vn/132/3797/bai-viet-ths-nguyen-thi-quynh-giao-mot-so-van-de-ve-chinh-sach-quan-ly-thue-bao-ve-moi-truong-tai-viet-nam-hien-nay;
  2. Nguyễn Ngọc Hùng (2021), Nỗ lực giảm thiểu rác nhựa, Nguồn: https://moit.gov.vn;
  3. Trương Bá Tuấn, Trương Huỳnh Thắng, Nguyễn Thị Hải Bình và các cộng sự (2020), “Chính sách thuế cho tăng trưởng xanh”, Sách chuyên khảo “Công cụ tài chính cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam, NXB Tài chính, tháng 11/2020, tr.113-150;
  4. Tong & Duong (2021), “The Impact of Environmental Protection Tax on Plastic Bag Use: A Case Study of Vietnam”, Journal of Asian Finance, Economics and Business, Vol. 8 No. 2, pp. 213-221.