Hợp tác phát triển các dự án hướng tới tăng trưởng xanh
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng là một nền kinh tế đang phát triển và có độ mở cao, Việt Nam đang hứng chịu không ít tác động trực tiếp và gián tiếp từ biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tại Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác Nhật Bản – Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh sau dịch bệnh COVID-19” vừa được CIEM phối hợp với Trường Chính sách công–Đại học Tokyo (GraSPP) tổ chức, TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa, trong khi còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống sang cách tiếp cận đa chiều, hiện đại, kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.
Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp, khó lường và hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đã buộc các nền kinh tế phải hành động nhanh và quyết liệt hơn, hướng tới chuyển đổi xanh, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.
Đặc biệt, các nền kinh tế đã nhìn nhận yêu cầu phải nỗ lực nhiều hơn và gia tăng hợp tác quốc tế về các nội dung gắn với kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Trước thực tế đó, Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc tích cực hợp tác với các nước, bởi thích ứng và giảm nhẹ hệ lụy của biến đổi khí hậu không phải là trách nhiệm của riêng quốc gia nào.
Theo đó, CIEM cũng đã chủ động nghiên cứu và đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo với Chính phủ về việc xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam từ năm 2020. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ hợp tác với các đối tác nhằm phát triển các dự án cụ thể hướng tới tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đi vào thực hiện, hay Khung khổ Kinh tế Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương (IPEF) đang trong quá trình đàm phán, cùng có những nội dung hợp tác liên quan đến tăng trưởng xanh.
Đặc biệt, hợp tác với Nhật Bản nói chung và hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực tăng trưởng xanh nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Hiện Việt Nam và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác, thảo luận các định hướng và khuyến nghị để cùng hướng tới tăng trưởng xanh, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Cũng theo TS. Trần Thị Hồng Minh, trong những năm qua, Nhật Bản giữ vững vị trí là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác kinh tế song phương ngày càng đi vào chiều sâu, có những bước phát triển thực chất và ngày càng được tăng cường, mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đối với lĩnh vực tăng trưởng xanh, năm 2021, Nhật Bản và Việt Nam đã ký kết hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp giai đoạn 2021-2030.
Hiện Nhật Bản cũng đang tiến hành hỗ trợ toàn diện quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam thông qua “Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI)”.