Chính sách ưu đãi đầu tư không nên “gánh” quá nhiều trách nhiệm

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) “Chính sách ưu đãi đầu tư nên có sự chuyên biệt hóa, chứ không nên gánh trên mình quá nhiều trách nhiệm, trong đó có cả trách nhiệm xã hội”.

Ưu đãi đầu tư không phải là điều cốt lõi, duy nhất và thay thế cho các yếu tố khác. Nguồn: internet
Ưu đãi đầu tư không phải là điều cốt lõi, duy nhất và thay thế cho các yếu tố khác. Nguồn: internet

Ông Đặng Xuân Quang, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo “Ưu đãi đầu tư với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp: Nghiên cứu từ Điều tra công nghiệp Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội ngày 26/6.

Nhìn nhận lại vai trò của ưu đãi đầu tư

Ông Đặng Xuân Quang nhận định, hệ thống ưu đãi đầu tư của Việt Nam đã có sự phát triển ngày càng phù hợp với hội nhập, phát triển theo hướng bình đẳng giữa trong nước và nước ngoài. Hệ thống ưu đãi đầu tư phá triển theo hướng được giám sát nhiều hơn, hạn chế ban hành ưu đãi đầu tư các tỉnh, tránh tình trạng dùng ưu đãi đầu tư để cạnh tranh không lành mạnh. Tính đồng bộ của hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư cũng được nâng lên.

Bên cạnh chính sách ưu đãi tài chính, còn có chính sách ưu đãi về tín dụng, hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp tại địa phương như giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính…

Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận, Việt Nam đã không thành công trên 3 lĩnh vực trong thu hút FDI, đó là thu hút FDI vào địa bàn kinh tế khó khăn; công nghệ cao và lĩnh vực nông nghiệp.

Điều đáng lưu ý, theo ông Quang, đây đều là những lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam ưu đãi nhiều nhất. Trong khi đó, khuynh hướng đầu tư vào bất động sản tăng rất nhanh mặc dù lĩnh vực này không có nhiều ưu đãi.

Vì vậy, ông Quang cũng khẳng định, ưu đãi đầu tư không phải là điều cốt lõi, duy nhất và thay thế cho các yếu tố khác.

Khẳng định trên phù hợp với kết quả nghiên cứu của UNIDO về chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Brian Portelli, chuyên gia của UNIDO dẫn kết quả Báo cáo Điều tra công nghiệp Việt Nam dựa trên bộ dữ liệu gồm hơn 500 biến số thu thập từ gần 1.500 doanh nghiệp năm 2011 đánh giá, các doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều lao động và xuất khẩu nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam nhưng hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực trả lương thấp và sử dụng lao động kỹ năng thấp.

“Một điều được cho là khá bất ngờ khi qua kết quả khảo sát, tại tỉnh Bình Dương: Các doanh nghiệp không được ưu đãi lại có nhiều kế hoạch xây dựng đầu tư hơn trong tương lai”, ông Brian Portelli cho biết .

Khi phân tích về động cơ đầu tư vào Việt Nam, ông Brian Portelli cho hay: Các công ty nước ngoài dường như đầu tư vào Việt Nam để tìm thị trường là chính (44%). Đặc biệt là phần lớn các công ty nước ngoài được khảo sát cho biết rằng các động cơ chính của họ là tiếp cận thị trường Việt Nam và giảm chi phí sản xuất.

“Các công ty nước ngoài quyết định đầu tư trước hết là vì nước chủ nhà có nền tảng kinh tế vững chắc, rồi sau đó mới đến khung ưu đãi. Vì thế, sự ổn định kinh tế và chính trị, chi phí lao động, thuế, khung pháp lý của nước sở tại và chất lượng của cơ sở hạ tầng... là những nhân tố mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến”, vị chuyên gia này chỉ rõ.

Sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng nào?

Ông cũng Brian Portelli lưu ý, thu hút FDI nhằm xây dựng nền kinh tế chứ không phải để đầu tư trong nước thoái lui. Nếu điều đó xảy ra, thì nó là hệ lụy xấu nhất đối với việc thu hút FDI.

Vì vậy, “cần tạo sự gắn kết để hỗ trợ sự liên kết này. Nếu ưu đãi làm nên sự khác biệt giữ đầu tư FDI và trong nước thì cần cân nhắc và tính toán, bởi sự phân biệt dễ làm "thui chột" đầu tư các doanh nghiệp trong nước. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp nhận ưu đãi nhưng lại không mang lại lợi ích phát triển thực sự cho nền kinh tế. Đã đến lúc chúng ta cần phải cân nhắc đến việc tính toán các chi phí ưu đãi bỏ ra với kết quả mang lại”, chuyên gia UNIDO nói.

Từ đó, ông khuyến nghị, cần cải cách quy trình cấp ưu đãi, rà soát chuỗi liên kết của ưu đãi. Nếu FDI có những lợi ích vô hình như chuyển giao công nghệ chẳng hạn, thì cần phải có bằng chứng lợi ích sau khi cấp ưu đãi.  

“Có kiểm tra giám sát sau khi đạt mục tiêu, không nên cấp ưu đãi trước khi đạt mục tiêu vì điều đó chẳng khác gì “thả gà ra đuổi”. Vì thế, có lẽ ưu đãi lên đi sau tác động thì sẽ hiệu quả hơn”, ông Brian Portelli chỉ rõ.

Đồng tình với kết quả nghiên cứu của UNIDO, ông Đặng Xuân Quang cũng chỉ rõ: “Chính sách ưu đãi đầu tư nên có sự chuyên biệt hóa, chứ không nên gánh trên mình quá nhiều trách nhiệm, trong đó có cả trách nhiệm xã hội”.

Vì thế, cơ quan quản lý đang có hướng sửa đổi các chính sách ưu đãi đầu tư. Cụ thể: Ưu đãi đầu tư phải gắn liền với những dự án cụ thể, cấp ưu đãi trên cơ sở đàm phán đặc biệt với các tập đoàn, dự án lớn; Giám sát ưu đãi chặt chẽ hơn; mục tiêu cấp ưu đãi sẽ rõ ràng, mạch lạc hơn.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam thẳng thắn: "Từ bức tranh kinh tế Việt Nam những năm qua, có thể rút ra được đáng nhẽ phải sớm nỗ lực nhiều hơn để cải thiện đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mà không cần ưu đãi nhiều như thế", ông Doanh nhấn mạnh.

"Nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội địa than phiền là sao nhiều doanh nghiệp FDI thuê được nhiều miếng đất đẹp như thế. Cần hướng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn, chứ ưu đãi nhiều sẽ dẫn đến một nền kinh tế méo mó", ông Doanh nói.

Ông Doanh khuyến nghị, Việt Nam cần có những ưu đãi cụ thể riêng với từng dự án và Chính phủ nên có tăng cường giám sát đánh giá hiệu quả các ưu đãi này đối với từng doanh nghiệp.

Ngoài ra, nên có những chính sách mở rộng môi trường đầu tư, cải cách hành chính. “Quy chế hành chính Việt Nam hiện quá phức tạp, gây cản trở lớn cho các doanh nghiệp”, ông nói.

Ông lưu ý, mặc dù các doanh nghiệp FDI hoạt động có hiệu quả hơn doanh nghiệp nội địa, nhưng năm 2011, lãi suất mà doanh nghiệp Việt Nam chịu đựng lên tới 21%.

“Ưu đãi đầu tư phải khuyến khích đầu tư trong nước, xin lưu ý về ưu đãi đất đai mà doanh nghiệp nội không có được, điển hình như chuỗi siêu thị của doanh nghiệp nội. Nên có một môi trường đầu tư cạnh tranh bình đẳng hơn, đừng để ưu đãi đầu tư làm méo mó môi trường đầu tư”, ông Doanh chia sẻ.

Theo ông Doanh, nên tích cực cải cách kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thì tốt hơn nhiều so với việc chỉ “chăm chăm vào ưu đãi đầu tư”.

 Bổ sung thêm ý kiến của TS. Lê Đăng Doanh, ông Brian Portelli cho biết: “Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta chuyển từ một giai đoạn phát triển sang giai đoạn tiếp theo. Chi phí lao động giá rẻ không phải là yếu tố bền vững, then chốt”.

Chi phí cơ hội, ở một thời điểm nào đó cần tính toán lại, liệu lợi ích có lớn hơn chi phí không? “Vì thế, thay vì đầu tư ưu đãi tài chính, chúng ta chuyển sang đầu tư cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực”, ông khuyến nghị thêm.