Nhận bảo hiểm xã hội một lần - đừng vì cái lợi trước mắt

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp đóng cửa, người lao động tạm thời mất việc làm, nguồn thu không có để trang trải cuộc sống đã khiến cho không ít người lao động đi đến quyết định đăng ký rút bảo hiểm xã hội một lần, nguy cơ đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, vừa qua, tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh số người đến đăng ký nhận BHXH một lần tăng đột biến. Đây hầu hết là những người lao động của Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong - đơn vị cắt giảm 10.000 lao động cách đây 1 năm. Cụ thể, từ ngày 26/2/2020 đến 2/3/2020, BHXH huyện Trà Cú đã tiếp nhận 1.088 hồ sơ hưởng BHXH một lần. BHXH huyện đã phối hợp với các ngành chức năng giải quyết 120 hồ sơ.

Người lao động cần cân nhắc khi quyết định rút BHXH lần vì khó khăn trước mắt
Người lao động cần cân nhắc khi quyết định rút BHXH lần vì khó khăn trước mắt
 

Nguyên nhân gia tăng đột biến hồ sơ hưởng BHXH, theo cơ quan BHXH huyện Trà Cú là do số lao động của Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong (bị cắt giảm hồi tháng 2/2019) đến nay đã đủ điều kiện 1 năm nghỉ việc để nhận BHXH một lần. Hiện số tiền nhận được bình quân của mỗi người ở đây chỉ khoảng 37 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này, người lao động cũng khó có thể đầu tư, cải thiện cuộc sống về lâu dài trong khi lại mất đi rất nhiều quyền lợi từ việc tham gia, bảo lưu quá trình đóng BHXH.

Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, gây đứt gãy nguồn thu nhập của người lao động trên diện rộng, không chỉ ở Trà Vinh mà tại nhiều địa phương khác cũng đang có dấu hiệu gia tăng đột biến người lao động đăng ký rút BHXH một lần. Tình trạng này đang dấy lên nhiều lo ngại, bởi hiện người lao động mới nhận thức được lợi ích trước mắt mà không tính đến việc sẽ mất đi nhiều quyền lợi lâu dài của chính sách BHXH.

Theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương cho 1 năm tham gia BHXH.

Như vậy, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích, quỹ BHXH không hề bị ảnh hưởng nhưng người lao động sẽ chịu thiệt thòi, mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm. Đồng thời, người lao động mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động. Mặt khác, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.

Ngoài ra, theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc rút BHXH một lần, người lao động sẽ không được cấp miễn phí thẻ BHYT, quyền lợi hưởng BHYT; người hưởng BHXH một lần khi chết, gia đình không được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân không được hưởng trợ cấp tuất theo quy định so với lựa chọn hình thức hưởng lương hưu. Khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là một của để dành, không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước.

Với những hệ lụy đó, ông Bùi Sỹ Lợi khuyến cáo, người lao động nên cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH một lần, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu - trợ cấp khi về già, cũng như được hưởng chế độ BHYT.

Theo Nghị quyết số 93/2015/QH13, trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần. Ngoài ra, một số đối tượng khác cũng được hưởng BHXH một lần theo quy định tại điều 60 Luật BHXH, như người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; ra nước ngoài để định cư, đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng; quân nhân, công an khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 cũng hỗ trợ trực tiếp cho nhiều nhóm lao động tạm thời bị mất việc, giãn việc.