Chính thức mở cửa thị trường mua sắm công

Theo Trung Hiếu/baodauthau.vn

Khép lại năm 2018, một trong những sự kiện được xem là nổi bật nhất năm đó là sự kiện Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, 100% đại biểu có mặt tại hội trường đã cùng nhấn nút phê chuẩn CPTPP, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam về một thị trường kinh doanh rộng lớn. Nguồn: internet
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, 100% đại biểu có mặt tại hội trường đã cùng nhấn nút phê chuẩn CPTPP, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam về một thị trường kinh doanh rộng lớn. Nguồn: internet

Đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay và dự kiến sẽ có tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đất nước. Tham gia CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm chính phủ (MSCP).

Bước ngoặt với hoạt động mua sắm chính phủ

Tại Kỳ họp thứ 6,  Quốc hội khóa XIV, 100% đại biểu có mặt tại hội trường đã cùng nhấn nút phê chuẩn CPTPP, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam về một thị trường kinh doanh rộng lớn. Sự kiện này càng đặc biệt hơn với thị trường mua sắm công của Việt Nam, bởi lẽ, CPTPP đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, đó là lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm công.

Các nước thành viên CPTPP nằm trên 3 châu lục và định vị trong Vành đai Thái Bình Dương, có tổng dân số 500 triệu người, chiếm khoảng 13,5% GDP, 14% tổng thương mại toàn cầu.

CPTPP được hình thành trên cơ sở Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP. Trong khuôn khổ Hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC, vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng (Việt Nam), 11 nền kinh tế, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy ký kết Hiệp định CPTPP.

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP, trong đó có Chương 15 MSCP. Theo quy định tại Chương 15 MSCP, các quy tắc, quy trình lựa chọn nhà thầu ở mức độ, yêu cầu cao hơn về tính công bằng, công khai, minh bạch. CPTPP đưa ra các nguyên tắc cơ bản nhất của MSCP là không phân biệt đối xử, không được sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa, nhà thầu trong nước cũng như bất kỳ biện pháp nào để gia tăng hàm lượng nội địa hoặc đưa ra các yêu cầu về chuyển giao công nghệ.

Tại Chương MSCP, Việt Nam thông báo tới các nước thành viên Danh sách các cơ quan mua sắm, ngưỡng giá gói thầu "mở cửa", danh mục hàng hóa, dịch vụ (kể cả dịch vụ xây dựng)…

Theo cơ quan quản lý về đấu thầu, điều quan trọng là gần như tất cả các quy định trong Luật Đấu thầu của Việt Nam đã tiệm cận với quy định trong Chương này. “Như vậy, chúng ta không quá lo lắng về sự khác biệt trong quy định chính sách giữa Chương 15 của CPTPP và Luật Đấu thầu của Việt Nam. Chỉ có điều khác biệt là để làm được điều này chúng ta phải đạt được 3 điều kiện là khách quan, minh bạch và trình độ chuyên gia phải được nâng lên một nấc thang cao hơn”, một chuyên gia đấu thầu nhận xét. 

Cơ hội từ “cuộc chơi” sòng phẳng

Như vậy, một mặt, CPTPP mở ra cơ hội cho nhà thầu về một thị trường MSCP rộng lớn, nhưng mặt khác, thách thức cũng gấp bội nếu chúng ta không tận dụng tốt các quy định của Chương MSCP trong CPTPP. Đối với cơ quan thực hiện mua sắm công, nếu không thực hiện đúng các nguyên tắc của Chương MSCP là đảm bảo công khai, minh bạch sẽ bị các nước thành viên khác khiếu nại.

Theo những quy định tại Chương 15 - MSCP trong CPTPP, các nhà thầu Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia lựa chọn nhà thầu tại các quốc gia nội khối. Thị trường sẽ rộng mở với quy mô 10 quốc gia khác tại 3 châu lục, thay vì chỉ bó hẹp ở Việt Nam. Danh sách 11 thành viên CPTPP có nhiều quốc gia có trình độ phát triển cao như: Nhật Bản, Canada… Đây là cơ hội để các nhà thầu Việt Nam học hỏi, nâng cao sức cạnh tranh. Hơn nữa, với những nguyên tắc đưa ra, CPTPP sẽ có một luật chơi công bằng.

Ngược lại, với các cơ quan mua sắm chính phủ sẽ có thêm cơ hội lựa chọn nhà cung cấp để mua được hàng hóa với chất lượng tốt hơn và giá cả hợp lý.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, trong quy định của CPTPP thì nội dung MSCP được mở rộng, không còn bị giới hạn như trong các hiệp định thương mại tự do trước đây. Trong đấu thầu, chúng ta cung cấp hàng hóa, thiết bị cho mua sắm công ở phạm vi rộng hơn, không giới hạn phạm vi trong nước mà là quốc tế. Điều này là thách thức lớn đối với DN trong nước, bởi hiện nay, trong MSCP của Việt Nam, chúng ta đang áp dụng chính sách khuyến khích dùng các sản phẩm, hàng hóa trong nước sản xuất được trong đấu thầu. Khi thực hiện đầy đủ cam kết của CPTPP thì các DN sản xuất hàng hóa, thiết bị trong nước sẽ không còn lợi thế đó nữa, phải cạnh tranh với các nhà sản xuất quốc tế.

Như vậy, một mặt, CPTPP mở ra cơ hội cho nhà thầu về một thị trường MSCP rộng lớn, nhưng mặt khác, thách thức cũng gấp bội nếu chúng ta không tận dụng tốt các quy định của Chương MSCP trong CPTPP. Đối với cơ quan thực hiện mua sắm công, nếu không thực hiện đúng các nguyên tắc của Chương MSCP là đảm bảo công khai, minh bạch sẽ bị các nước thành viên khác khiếu nại.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, MSCP là lĩnh vực mà Việt Nam chưa từng có cam kết quốc tế nào ràng buộc trước đó. Các thành viên của CPTPP đều có những quy định rất khắt khe đối với các gói thầu mua sắm bằng tiền ngân sách nhà nước, vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam với năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế, nếu không chuẩn bị từ bây giờ thì nguy cơ tuột mất các gói thầu này là rất lớn.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) vẫn lạc quan cho rằng: “CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp chủ động xây dựng, điều chỉnh chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, chú trọng đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực quản trị doanh nghiệp, tận dụng tối đa hỗ trợ của Nhà nước. Kết quả này chỉ có được khi doanh nghiệp thay đổi tư duy kinh doanh, coi sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển”.

Đặc biệt, trong cam kết tham gia CPTPP, Việt Nam có lộ trình thực hiện mở cửa thị trường MSCP. Đây là lộ trình để các nhà thầu có thời gian tìm hiểu, chuẩn bị năng lực tốt hơn trong quá trình tham gia đấu thầu nội khối.