Chờ động lực từ mùa báo cáo bán niên
Tâm điểm của thị trường chứng khoán kể từ đầu tháng 7 tới nay là mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên với sự tăng trưởng và suy giảm đan xen khiến xảy ra sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu.
Đáng chú ý nhất là nhóm ngân hàng với cổ phiếu VCB của Vietcombank liên tiếp lập đỉnh một năm do nhận hiệu ứng kết quả kinh doanh với lợi nhuận hợp nhất 11.280 tỷ đồng, tăng 40,7% và hoàn thành 55% kế hoạch năm chỉ sau 6 tháng.
Phân hóa rõ nét
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/7, VCB quay đầu điều chỉnh về mức 76.200 đồng/cp, giảm hơn 1% so với mức đỉnh được thiết lập phiên trước đó (77.200 đồng/ cp). Tuy nhiên, tại mức giá này, VCB vẫn ghi nhận mức tăng 42,4% so với đầu năm.
Các mã CTG (VietinBank), TCB (Techcombank), BID (BIDV), VIB (VIB)… cũng ghi nhận mức tăng khả quan.
Tính từ đầu tháng 7, CTG chỉ có 3 phiên giảm giá, còn lại là tăng, thậm chí còn có 1 phiên tăng trần (1/7). Hiện, CTG đang giao dịch tại mức giá 21.900 đồng/cp, tăng 12,3% so với phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6.
Cổ phiếu VIB cũng tăng vọt từ 15.800 đồng/ cp (phiên 28/6) lên 18.500 đồng/cp (phiên 16/7) tương đương tổng mức tăng 17%. Tương tự, BID tăng gần 9% lên 34.550 đồng/cp; TCB tăng 4,2% từ 20.350 đồng lên 21.200 đồng/cp…
Tại nhóm bất động sản (BĐS), các doanh nghiệp (DN) phân khúc BĐS khu công nghiệp vẫn duy trì được mức lợi nhuận tốt trong quý II và nửa đầu năm 2019.
Đầu tiên phải kể đến CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã: NTC) đã hoàn thành kế hoạch cả năm chỉ sau 6 tháng với lợi nhuận sau thuế 130,53 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ, trong khi kế hoạch lợi nhuận cả năm là 130,2 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kể từ phiên giao dịch ngày 25/6 tới nay, NTC miệt mài tăng giá với 14/17 phiên đóng cửa trong sắc xanh. NTC đang có thị giá 178.400 đồng/cp, tăng 38,3% chỉ sau 17 phiên giao dịch.
Cổ phiếu của các DN khu công nghiệp khác như CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã: D2D), CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (mã: TIP)… đều giao dịch tích cực trong thời gian qua.
Ở chiều ngược lại, nhóm ngành thép đã có một số DN báo lỗ trong 6 tháng đầu năm như CTCP Thép Việt Ý (mã: VIS), CTCP Thép Pomina (mã: POM)… Song song với diễn biến này là giá cổ phiếu đều ghi nhận giảm.
Đáng chú ý nhất là VIS với nhiều phiên giảm sàn liên tiếp đã giảm hơn một nửa thị giá từ mức 25.000 đồng/cp (phiên 28/6) xuống còn 17.100 đồng/cp (phiên 17/7).
Cổ phiếu PPC của CTCP Nhiệt điện Phả Lại cũng có 2 phiên giao dịch tiêu cực với tổng mức giảm gần 13% từ 31.250 đồng/cp xuống 27.200 đồng/cp sau khi công bố lợi nhuận sụt giảm trong nửa đầu năm 2019.
Cổ phiếu ngành chứng khoán dự kiến cũng sẽ gặp khó khăn khi 6 tháng đầu năm có giá trị giao dịch giảm sút và thị trường đi ngang dường như không có sóng.
Tiến tới mốc 1.000 điểm?
Theo ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, hiện kết quả kinh doanh bán niên vẫn chưa xuất hiện nhiều, dẫn đến việc dòng tiền có xu hướng luân chuyển sang những nhóm ngành công bố kết quả kinh doanh sớm như ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, dòng tiền lớn vẫn còn có sự do dự mặc cho những thông tin tốt trong thời gian qua có thể là để chờ đợi báo cáo kết quả kinh doanh, vì vậy nhiều khả năng đây vẫn sẽ là một con sóng lớn.
Thực tế, nhiều DN vốn hóa lớn như nhóm Vingroup, PV Gas, Masan, Sabeco… là những cái tên "gánh vác" thị trường bên cạnh nhóm ngân hàng. Ngoài ra, nhóm dầu khí cũng hứa hẹn sẽ có những mức lợi nhuận tăng trưởng với sự trợ giúp của giá dầu.
Kết quả kinh doanh chỉ là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu nhưng đây vẫn là mấu chốt từ đó đi đến quyết định đầu tư.
DN kinh doanh tốt sẽ hấp dẫn nhà đầu tư, đồng nghĩa với việc thu hút được dòng tiền trong và ngoài nước sẽ là đòn bẩy để các chỉ số của thị trường bứt phá. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các thông tin vĩ mô như tăng trưởng kinh tế ở mức cao, Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư với EU (EVFTA và IPA) được ký kết, nợ xấu ngành ngân hàng giảm xuống dưới 2%…
Theo nhận định của công ty chứng khoán MB (MBS), xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn là tăng điểm, các nhịp rung lắc hoặc tăng/giảm vẫn có thể xảy ra đan xen do Vn-Index vừa thoát khỏi vùng tích lũy với phía trước là đỉnh ngắn hạn tháng 5, khu vực gần đó là vùng tâm lý 1.000 – 1.014 điểm.
Thậm chí, nếu tâm lý lạc quan của bên mua được duy trì, chỉ số Vn- Index sẽ dễ dàng tiến tới mốc 1.000 điểm trong tháng 7, trùng với thời điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm diễn ra.
Bên cạnh những cái nhìn lạc quan cũng có nhiều ý kiến cho rằng tháng 7 năm ngoái, thị trường tạo đáy và phục hồi sau nhịp giảm khá mạnh, mức P/E bình quân vào khoảng 15 lần, dòng tiền dồi dào và tác động từ bên ngoài chưa rõ nét nhưng vẫn không chinh phục được mức 1.000 điểm.
Trong khi đó, diễn biến của thị trường năm nay cho thấy dòng tiền có phần thận trọng và khá nhạy cảm với những thông tin bên ngoài. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại là thị trường đã trải qua khoảng thời gian lình xình khá dài trong quý II, đủ để tạo ra một bước tăng mới xuất hiện, đặc biệt là nhiều cổ phiếu đã có mức giảm khá sâu chính là cơ hội cho các nhà đầu tư.