Cho phép điều chỉnh vốn dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt
Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp làm rõ cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định cho phép các bộ, cơ quan, địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn.
Đó là một trong những nội dung tại Văn bản số 6547/VPCP-KTTH vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Văn bản nêu rõ, trên cơ sở một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư công, Văn phòng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong giải ngân đầu tư công năm 2021 tại các nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021.
Để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm 2021, văn bản cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thành việc phân bổ, bố trí, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 cho các dự án dự kiến khởi công và các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tập trung hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao và yêu cầu thực tế, đảm bảo về thời hạn, chất lượng, khả thi.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Các bộ, cơ quan, địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò tiên quyết, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ và hạn chế vướng mắc trong quá trình thực hiện; chủ động bố trí một phần vốn trong kế hoạch đầu tư công năm 2021 để chuẩn bị đầu tư đối với các dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên dự án khởi công mới năm 2022.
Chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công, như công tác thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ theo quy định.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo chức năng nhiệm vụ được giao tập trung quyết liệt kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời nắm bắt, xử lý những khó khăn, vương mắc trong việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp theo quy định...