Chờ thị trường qua "nốt trầm"
Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu giảm mạnh và không được cải thiện trong nhiều tháng vừa qua đã và đang ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tài chính liên quan đang được xem là “nốt trầm” của thị trường chứng khoán. Làm thế nào để giải quyết đang là vấn đề “đau đầu” của các nhà quản lý hiện nay.
Kể từ đầu năm 2019 đến nay, khối lượng giao dịch trung bình phiên trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã giảm khoảng 35% so với năm 2018. Các chuyên gia chứng khoán cho rằng trong thời gian tới, thậm chí sang năm 2020, TTCK vẫn sẽ đối mặt với việc thiếu thanh khoản và khó vượt mức kỳ vọng trên 1.000 điểm.
Dòng tiền vẫn chưa ủng hộ
Trên TTCK hiện nay đang diễn ra một nghịch lý là trong khi trái phiếu chính phủ (TPCP) tăng mạnh về thanh khoản thì thị trường cổ phiếu lại có xu hướng giảm mạnh. Tính đến hết tháng 11/2019, vốn hóa thị trường cổ phiếu bằng 85% GDP, trong khi quy mô thị trường TPCP chỉ đạt 25,1% GDP.
Tuy nhiên, giá trị giao dịch trên thị trường TPCP lại đang gấp 2 lần thị trường cổ phiếu. Hiện, lãi suất phát hành TPCP dao động quanh 4,5%, trong khi trên thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư (NĐT) phải căn từng đồng phí để kiếm lãi từ hoạt động giao dịch.
Trước đây, 80% chủ thể trên thị trường TPCP là các ngân hàng thì khối này hiện nay chỉ còn 45%, phần còn lại là dòng chảy vốn đầu tư của các NĐT tổ chức, đầu tư nước ngoài, các quỹ bảo hiểm, công ty chứng khoán…
Trung bình mỗi phiên có khoảng 9.000 tỷ đồng được chuyển nhượng qua thị trường TPCP, trong khi trên thị trường cổ phiếu, tổng cộng giá trị giao dịch của cả 3 sàn nhiều phiên không đạt 50% mức này.
Từ thực tế này, dòng tiền ưa thích công cụ đầu tư an toàn vẫn chưa thực sự ủng hộ thị trường cổ phiếu một cách đúng nghĩa.
Xét các cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn có tác động lớn tới thị trường, dễ dàng thấy sự phân hóa.
Ba cổ phiếu lớn là GAS (PV Gas), VNM (Vinamilk), SAB (Sabeco) chủ yếu là giao dịch tích cực thì MSN (Masan), TCB (Techcombank)… lại đang giao dịch ở hướng ngược lại.
Tuy nhiên, sự phân hóa hay đảo trụ trong nhóm cổ phiếu này gặp phải một khó khăn lớn đó là yếu tố thanh khoản. Dòng tiền đang “bỏ rơi” nhóm cổ phiếu này và có xu hướng chuyển sang đầu cơ, khiến nhiều người không khỏi lo lắng vào kịch bản thị trường khó có sự bứt phá và tiếp tục quá trình điều chỉnh trước đó.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho việc thanh khoản TTCK sụt giảm mạnh trong năm 2019. Trước tiên, bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, căng thẳng thương mại Mỹ- Trung đã ảnh hưởng sâu sắc tới các TTCK, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước chậm trễ, thị trường thiếu vắng những thương vụ bán vốn lớn khiến dòng vốn ngoại vào TTCK không còn dồi dào như 2 năm trước.
Chờ “cú huých”
Làm sao để cải thiện thanh khoản thị trường là câu hỏi khó có lời giải đáp. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đổi mới và giúp thị trường hưng phấn hơn trong năm 2020.
Tuy nhiên, thanh khoản luôn là yếu tố cốt lõi của TTCK, do đó về dài hạn cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán. Mới đây, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có những chia sẻ về gói thầu công nghệ mới cho TTCK Việt Nam do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc thực hiện sắp hoàn tất.
Theo đó, trên nền tảng công nghệ mới, kiến nghị nhiều năm của NĐT về việc giao dịch trong ngày (T+0) với cổ phiếu sẽ triển khai. Hiện, VSD đang nghiên cứu xây dựng các quy chế, quy trình hướng dẫn lập kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên thị trường.
Thực tế, để tạo động lực cho dòng tiền luân chuyển nhanh hơn, cần sớm áp dụng biện pháp rút ngắn chu kỳ giao dịch. Điều này sẽ giúp vòng quay của tiền nhanh hơn và khi đó đương nhiên sẽ tăng thanh khoản.
Dù thời điểm thực hiện được dự kiến phải đến cuối năm 2020 nhưng đây cũng là một điểm mới của thị trường trong thời gian tới.
Trong khi chờ đợi sản phẩm T+0 được áp dụng, còn nhiều giải pháp khác để thu hút dòng tiền, gia tăng thanh khoản cho TTCK như tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hoá, thoái vốn của các DN nhà nước gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch, điều này sẽ tạo thêm hàng hóa cho thị trường, thu hút dòng vốn; gỡ dần các nút thắt liên quan đến dòng vốn ngoại.
Ngoài ra, một điểm đáng chờ đợi khác của thị trường trong năm 2020 là việc quỹ hưu trí tự nguyện ra đời, loại quỹ được kỳ vọng sẽ thu hút các nguồn đóng góp ổn định, dài hạn từ các DN, người lao động trong DN… để đầu tư trên thị trường tài chính.
Khi có thêm các nguồn tiền nhàn rỗi từ quỹ hưu trí cũng như các quỹ ETF mới chảy vào đầu tư bên cạnh các dòng vốn quốc tế, sức cầu trên TTCK Việt Nam có cơ hội cải thiện.
Khi hệ thống giao dịch được làm mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đầu tư, phòng vệ rủi ro của các chủ thể, thanh khoản sẽ không còn là “nốt trầm” của thị trường trong thời gian tới.