Cho thuê tài chính mãi không chịu lớn

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực cho thuê tài chính (CTTC) đang rơi rụng dần về số lượng, nhiều nơi co hẹp về quy mô hoạt động. Tính đến 31/12/2013, Hiệp hội CTTC từ 9 thành viên ban đầu chỉ còn lại 8, sau khi BIDV sáp nhập 2 công ty CTTC. Sắp tới, thị trường dự kiến còn ghi nhận sự ra đi của một vài DN khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2013, dư nợ toàn hệ thống CTTC giảm 5,55% so với 2012, chỉ còn 14.678,559 tỷ đồng. Trên thực tế, trong số DN thuộc Hiệp hội CTTC, chỉ còn 5 công ty hoạt động bình thường với dư nợ hơn 5.453 tỷ đồng. Phần còn lại hơn 10.000 tỷ đồng thuộc 3 công ty hầu như không còn hoạt động kinh doanh, chủ yếu tập trung vào xử lý nợ quá hạn, chiếm từ 75% đến 99% tổng dư nợ.

Theo một chuyên gia trong ngành, bức tranh nợ xấu của các công ty CTTC cho thấy, những “điểm đen” chủ yếu rơi vào các DN thành lập từ những ngày đầu mô hình này ra đời tại Việt Nam. Ngoài những vi phạm, tham nhũng của các cá nhân, ban lãnh đạo một số công ty CTTC thì lý do còn vì đây là hệ quả của một chu kỳ kinh tế, khi các khoản rủi ro đến từ hoạt động cho vay tàu thuyền vận tải…

Những vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực kinh doanh này tạo nên dư luận không tốt, làm giảm uy tín vốn đã nhỏ bé của các DN hoạt động CTTC, làm khó thêm khả năng huy động vốn của họ. Dù đã tồn tại hơn 20 năm nay, song thị phần cung ứng vốn của các công ty CTTC vẫn chưa chiếm được 1% tổng dư nợ nền kinh tế (tính cả 3 công ty đang thua lỗ)…

Nhiều chuyên gia bình luận, cái sự quá nhỏ bé ấy khiến chính bản thân ngân hàng mẹ cũng không mấy quan tâm đến hoạt động CTTC của đứa con mình. Thậm chí, trong nhiều văn bản luật và dưới luật, CTTC không có những quy định phù hợp với đặc trưng ngành nghề. Để rồi khi đi vào cuộc sống, các công ty CTTC lại phải cùng hiệp hội tìm cách kiến nghị, gỡ khó cho mình.

Một chuyên gia trong ngành phân tích, nếu nói về lý thuyết, bối cảnh hiện nay là thời cơ vàng cho các công ty CTTC phát triển. Bởi khi các DN đã không còn tài sản thế chấp các TCTD để vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh thì hoạt động CTTC được xem là giải pháp khá hợp lý. Đặc biệt, với sản phẩm mua và cho thuê lại, DN có cơ hội giải phóng nguồn lực, tiếp tục tái đầu tư. Việc Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn với các Hiệp định thương mại như EU, TPP… cũng đòi hỏi các DN trong nước tăng năng suất lao động bằng hiện đại hóa công nghệ. Và trong bối cảnh năng lực tài chính của các DNNVV hữu hạn, con đường đến với giải pháp của các công ty CTTC là phù hợp.

Thế nhưng, trao đổi với đại diện các công ty CTTC, họ không mấy mặn mà với hướng phát triển này. Những DN còn tài sản thế chấp đương nhiên tìm đến ngân hàng, nhất là khi lãi suất đang trở nên rẻ và có xu hướng giảm. Nhưng, ngay cả các DN đã hết tài sản thế chấp, nếu vẫn hoạt động tốt thì các công ty CTTC cũng chẳng đến lượt hợp tác. Ông Phạm Ngọc Long, Giám đốc VietinBank Leasing giải thích: “Các công ty tốt thì ngân hàng sẽ tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho họ, để cung ứng các dịch vụ nhằm giữ chân DN”. Trong khi đó, ở giai đoạn khó khăn hiện nay, DN tìm đến công ty CTTC đa phần đang nợ ngân hàng, thậm chí đã quá hạn.

Với những khách hàng mới, một rào cản đối với hợp tác giữa DN và công ty CTTC là niềm tin chưa được xác lập vững chắc. Đặc biệt khi tài sản của công ty CTTC được giao khách hàng sử dụng và bảo quản thì chỉ có sự tin tưởng vững chắc mới khiến các công ty mạnh dạn đầu tư và thực hiện hợp đồng cho thuê. Thêm một lý do khác là kỳ vọng vào nền kinh tế hiện nay còn bấp bênh. Chính vì vậy, việc mở rộng hoạt động CTTC chủ yếu là từ chính sự kiếm tìm khách hàng của công ty CTTC, dù khá khó khăn.

Ông Long thừa nhận, cán bộ công ty CTTC trong quá trình tìm hiểu và tiếp cận khách hàng, có khi phải chầu chực 3-4 ngày mới gặp được mà họ cũng chỉ nói sẽ xem xét. Bởi vì, với đa số DN, công ty CTTC luôn là thứ 2. Trong khi các ngân hàng không chỉ cung cấp vốn mà còn hỗ trợ nhiều dịch vụ đi kèm, các công ty CTTC chỉ có một sản phẩm duy nhất là CTTC và lãi suất luôn cao hơn lãi suất ngân hàng (vì nguồn vốn phải vay qua một cầu là ngân hàng mẹ). “Đúng là VietinBank Leasing đang rất có lợi thế về vốn, khi ngân hàng mẹ cho hạn mức tín dụng lên tới 2.000 tỷ đồng. Nhưng, cái khó là tìm được khách hàng cho vay”, ông Long nói.

Trong khi đó, nhiều công ty CTTC không có được nguồn vốn lớn như VietinBank Leasing. Với đa số vốn điều lệ nhỏ bé trở thành một rào cản, khi chỉ đáp ứng được nhu cầu của các dự án quy mô vừa và nhỏ. Mức cho thuê lớn nhất hiện nay của công ty CTTC chỉ chiếm 25% vốn điều lệ, cho nên với DN lớn nhất như VietinBank Leasing cũng chỉ có thể cho thuê tối đa 1 dự án lên đến 200 tỷ đồng. Vì vậy, công ty CTTC không thể với tới việc chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất của các DN lớn...

“Trong tương lai, chắc quy mô của các công ty CTTC vẫn sẽ nhỏ vì vốn điều lệ dù có tăng thêm chăng nữa thì vẫn thấp, chủ yếu phục vụ các dự án quy mô vừa và nhỏ”, ông Long nói.