Cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài đối với địa phương ra sao?

PV.

Có hiệu lực từ ngày 15/6/2017, Nghị định 52/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định rõ về điều kiện để được vay lại, cũng như tỷ lệ vay lại vốn vay ODA, vốn ưu đãi.

Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70% áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 20% vốn vay ODA. Nguồn: internet
Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70% áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 20% vốn vay ODA. Nguồn: internet
5 điều kiện để được vay lại từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi
Theo quy định tại Nghị định 52/2017/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh được vay lại từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi khi đáp ứng các điều kiện:
Thứ nhất, có dự án được cấp có thẩm quyền cho phép huy động vốn vay để thực hiện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội hoặc dự án có phần vốn góp của ngân sách địa phương theo phương thức hợp tác công tư, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Luật Đầu tư công.
Thứ hai, dự án được bố trí vốn đối ứng để thực hiện phù hợp với quy định hiện hành.
Thứ ba, tổng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại thời điểm thẩm định chủ trương đầu tư chương trình, dự án không vượt quá hạn mức dư nợ của ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Thứ tư, không có nợ vay lại của Chính phủ quá hạn trên 180 ngày.
Thứ năm, nghĩa vụ trả nợ hàng năm của UBND cấp tỉnh đối với các khoản vay lại vốn ODA, vay ưu đãi không vượt quá 10% nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp tại thời điểm xem xét khoản vay lại.
Tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA và vốn ưu đãi ra sao?
Nghị định 52/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi.
Theo đó, tỷ lệ cho vay lại nguồn vốn vay ODA cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương do UBND cấp tỉnh đề xuất.
Cụ thể, địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 10% vốn vay ODA; Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70% áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 20% vốn vay ODA.
Ngoài ra, địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50% áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA.
Theo Nghị định 52/2017/NĐ-CP, trừ TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA. Riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vay lại 80% vốn ODA.
Trong khi đó, tỷ lệ cho vay lại vốn vay ưu đãi cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương do UBND cấp tỉnh đề xuất. 
Cụ thể, các địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, thuộc danh mục các địa phương có huyện nằm trong danh sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/2/2008 của Chính phủ, áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ưu đãi.
Đồng thời địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương ngoài các địa phương nêu trên áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 70% vốn vay ưu đãi. Địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 100% vốn vay ưu đãi.
Bên cạnh đó, Nghị định 52/2017/NĐ-CP cũng quy định tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng làm phần đóng góp của địa phương trong các dự án hợp tác công tư (PPP) là 70%.