Chọn ngành nào để hút FDI?
Bên cạnh điều chỉnh chính sách ưu đãi, quy định chặt hơn về chuyển giao công nghệ, việc chọn ngành nghề nào để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang được đặt ra, trong đó nên hay không nên thu hút FDI ở các ngành nghề thâm dụng lao động gây nhiều tranh luận.
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt trong các ngành da giày, dệt may, thép… cho rằng không nên thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào những công đoạn mà họ có thể sản xuất.
Hết thời ngành thâm dụng lao động?
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện nay Trung Quốc đang tái cấu trúc ngành công nghiệp thép, tức là cắt giảm sản lượng sản xuất thép, đóng cửa cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu và không đảm bảo môi trường. Vì vậy, các DN thép Trung Quốc đang có chiều hướng đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
VSA cho rằng về cơ bản, sản xuất thép trong nước đã đáp ứng nhu cầu, vì vậy Nhà nước không nên khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành thép, có chăng chỉ thu hút đầu tư vào các loại thép cao cấp như thép hợp kim, không gỉ, thép chế tạo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, cho biết tính từ năm 2000 đến 2017, tổng vốn lũy kế FDI vào ngành dệt may Việt Nam đạt 18 tỷ USD nhưng chủ yếu vào phân khúc kéo sợi và may – những công đoạn mà DN trong nước hoàn toàn có thể đảm nhận.
Trong khi đó, lĩnh vực dệt nhuộm cần thu hút đầu tư lại khó thu hút FDI, nguyên nhân từ bất cập chính sách là lớn nhất. Theo phản ánh của một vài DN FDI lớn, còn có nhiều bất cập trong chính sách thu hút FDI tại cấp địa phương khiến DN gặp vướng mắc trong quá trình triển khai sản xuất thực tế.
Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam tích cực mở cửa thị trường, gia tăng hội nhập kinh tế quốc tế thông qua ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), mới đây là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTTPP), ông Tuấn cho rằng việc chuyển dịch khu vực sản xuất trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu về các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, một mặt tạo thêm sức hút mới với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mặt khác đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc bổ sung chính sách thu hút đầu tư một cách hiệu quả.
Trước thực tế trên, theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia công ty Tài chính quốc tế (IFC) khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia, chiến lược thu hút FDI thế hệ mới có hai trọng tâm khuyến nghị. Đó là chuyển từ việc tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp với những gì Việt Nam đang có sang xây dựng môi trường đầu tư và phát triển các yếu tố phù hợp cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần thu hút hơn nữa.
Cụ thể, các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn cần thiết để tăng cường gia tăng giá trị nội địa và năng lực như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ; nông nghiệp; du lịch. Ưu tiên trung hạn song song với việc mở cửa, phát triển kỹ năng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ.
Ưu tiên giá trị gia tăng cao
Tuy nhiên, ông Kyle Kelhofer nhấn mạnh đây không phải là những lĩnh vực duy nhất mà Việt Nam nên khuyến khích thu hút đầu tư FDI, mà là những ngành cần chủ động định hướng xúc tiến đầu tư để thu hút FDI vào những phân nhóm phù hợp căn cứ vào những phương án lựa chọn địa điểm mà nhà đầu tư có thể có và nguồn lực hữu hạn của cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài ở trung ương lẫn địa phương.
"Nói như vậy không có nghĩa là không hoan nghênh đầu tư FDI ở những lĩnh vực khác mà cần chào đón tất cả những nhà đầu tư có trách nhiệm và phục vụ nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp", ông Kyle Kelhofer nói.
Hơn nữa, Việt Nam cần chuyển trọng tâm sang thu hút đầu tư FDI có giá trị cao hơn, hàm lượng lao động có tay nghề cao hơn, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng, năng lực cạnh tranh nhưng cũng không thể bỏ qua đầu tư vào các ngành lắp ráp cơ bản và đầu tư dạng BPO (thuê ngoài đối tác cung cấp các dịch vụ quản lý, chăm sóc khách hàng… để giúp DN có nhiều thời gian hơn cho các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi).
Những đầu tư này sẽ vẫn là nền tảng để Việt Nam chuyển dịch lên trên chuỗi giá trị và vẫn đóng vai trò quan trọng về tạo việc làm cho những địa phương còn chưa phát triển trong những năm tới.
Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam đang là quốc gia được lựa chọn hàng đầu; trên thực tế có nhiều nhà máy đã được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, xu hướng này dự báo còn tiếp diễn.
Để làm căn cứ xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI, Việt Nam cần có chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2030, lựa chọn có cơ sở khoa học một số ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp tương lai phù hợp với tiềm lực quốc gia để tập trung đầu tư phát triển với tốc độ nhanh, quy mô lớn có vị thế trong khu vực và từng bước trên thị trường thế giới, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
Ông Mại cho rằng Việt Nam vẫn coi trọng thu hút FDI ở các ngành nghề thâm dụng lao động ở những địa phương còn kém phát triển, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, ít gây hiệu ứng nhà kính…
Ở góc độ cơ quan chuyên trách, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), khẳng định để thực hiện các mục tiêu phát triển và tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, vượt qua "bẫy chi phí lao động thấp", "bẫy giá trị thấp", "bẫy công nghệ thấp" và "bẫy thu nhập trung bình", định hướng thu hút và sử dụng FDI phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa DN FDI với DN trong nước.
Thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin và viễn thông; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp giá trị cao; thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh…
Đồng thời, tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày…, nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quốc gia IFC khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia
Việt Nam cần cải cách cơ chế hiện hành với các mục tiêu thu hút đầu tư FDI thế hệ mới với nhận thức rằng ưu đãi theo lợi nhuận sẽ ít phù hợp hơn trong việc khuyến khích phát triển nhà cung cấp, công nghệ xanh, gia tăng giá trị và đào tạo nguồn nhân lực so với ưu đãi năng lực hành vi. Việt Nam cũng cần đổi mới tư duy và thay đổi quan điểm phổ biến nhưng đã lạc hậu rằng chỉ có thể cạnh tranh dựa vào chi phí sang lối tư duy cạnh tranh dựa trên lợi thế so sánh và những giá trị riêng biệt.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam
Thời gian tới, cần nâng cao và phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội chuyên ngành trong việc góp ý chính sách, thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp chuyên ngành và thúc đẩy hợp tác, liên doanh, liên kết giữa DN trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Trong lĩnh vực sản xuất nên hạn chế thu hút FDI vào các ngành khai thác, các lĩnh vực nên ưu tiên thu hút FDI là công nghệ cao phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam, ngành sử dụng ít năng lượng, thân thiện môi trường; chế biến thực phẩm an toàn sử dụng nhiều đầu vào trong nước và công nghiệp hỗ trợ cho những ngành ưu tiên thu hút đầu tư.