Tăng cường đấu tranh với hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa


Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đề nghị thực hiện nghiêm các giải pháp, lĩnh vực nghiệp vụ để đấu tranh với hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, gian lận xuất xứ diễn biến phức tạp

Theo Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, tình trạng nhiều nhóm hàng giả, mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước có dấu hiệu gia tăng do diễn biến căng thẳng về thương mại giữa các cường quốc trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, cử tri TP. Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp, lĩnh vực nghiệp vụ để đấu tranh với hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa. Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, thời gian gần đây tình hình hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ, mã số, mã vạch có nhiều diễn biến phức tạp về hình thức, tính chất, phương thức thủ đoạn và cả mức độ vi phạm.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như: thu thập, phân tích thông tin trong nước và ngoài nước để xác định mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để áp dụng các biện pháp kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm.

Đồng thời, chủ động rà soát xác định những giao dịch, công ty xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập thông tin, kiểm tra, xác minh điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau thông quan các doanh nghiệp có độ rủi ro cao hoặc đã được cảnh báo theo chuyên đề, theo nhóm hàng với lượng kim ngạch tăng đột biến và đối với lĩnh vực xuất xứ hàng hóa để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ động sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan, cơ quan điều tra các nước để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đánh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng; Hợp tác với cơ quan phòng chống gian lận châu Âu để phối hợp điều tra, xác minh các hành vi gian lận liên quan đến xuất xứ đối với một số hàng trọng điểm.

Quyết liệt áp dụng các biện pháp nghiệp vụ xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ đối với các trường hợp gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm. 

Trong năm 2020, toàn ngành Hải quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm, mặt hàng nhạy cảm thông qua việc ban hành các kế hoạch gồm: Kế hoạch triển khai công tác kiểm soát Hải quan năm 2020; kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2020... Ngành Hải quan cũng siết chặt công tác kiểm tra xuất xứ từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến khâu kiểm tra sau thông quan; Xây dựng mạng lưới nghiệp vụ để kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...

Qua đó, toàn ngành Hải quan đã tiến hành kiểm tra hơn 100 doanh nghiệp có nghi vấn; phát hiện 43 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; Phối hợp với Bộ Công an điều tra 01 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ. 

Đồng thời, kiểm tra, phát hiện 71 vụ việc, bắt giữ 36 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và hàng giả, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 700 tỷ đồng; khởi tố 02 vụ liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ; cung cấp hồ sơ cho cơ quan An ninh điều tra 01 vụ, tịch thu 3,590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4,000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp... Qua xử lý hành chính và bán tang vật tịch thu ngành Hải quan thu về ngân sách nhà nước hơn 77 tỷ đồng...