Chống gian lận thuế: Phải hiện đại hóa công tác quản lý Thuế và Hải quan

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Bà Hương Vũ - Thành viên Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết: “Việc tăng thêm thủ tục, giấy tờ không thực sự ngăn cản được hành vi gian lận thuế.

Lãnh đạo Bộ Tài chính và Eurocham chủ trì một buổi đối thoại chính sách về thuế, hải quan.
Lãnh đạo Bộ Tài chính và Eurocham chủ trì một buổi đối thoại chính sách về thuế, hải quan.

Yếu tố quan trọng để ngăn chặn gian lận thuế là phải hiện đại hóa công tác quản lý Thuế và Hải quan”.

Thủ đoạn gian lận thuế ngày càng tinh vi

Theo bà Hương Vũ, thực trạng hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện nay vẫn còn nhiều bất cập: Doanh nghiệp (DN) thì kêu khổ khi hoàn thuế, còn cơ quan thuế kêu thất thu thuế do các thủ đoạn gian lận trong việc hoàn thuế. Việc hoàn thuế GTGT từ ngân sách nhà nước luôn là một lĩnh vực đòi hỏi phải có quy trình xử lý chặt chẽ, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước có chính sách hoàn thuế tiêu dùng.

Bà Hương Vũ cho biết: “Theo quan sát của chúng tôi, thực tế hiện nay đang tồn tại hai hình thức phổ biến gian lận thuế GTGT để xin hoàn thuế là ngụy tạo hồ sơ xuất khẩu và ngụy tạo hồ sơ nộp thuế GTGT đầu vào trong trường hợp có hàng hóa thực để xuất khẩu, nhưng không nộp thuế GTGT đầu vào. Cơ quan thuế luôn phải nâng cao tinh thần cảnh giác với các gian lận thuế nêu trên. Vì vậy, việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế luôn phải được tiến hành chặt chẽ và kỹ lưỡng”.

Rà soát, phân loại các DN rủi ro cao về thuế

Bà Hương Vũ cho rằng, việc tăng thêm thủ tục, giấy tờ không thực sự ngăn cản đươc hành vi gian lận thuế. Khi đã có ý đồ gian lận thì mọi tài liệu, giấy tờ đều có thể tạo ra được. Việc xác minh giấy tờ đó là giả mạo cũng là một công việc khó khăn và tốn kém.

Do đó, yếu tố quan trọng để ngăn chặn gian lận thuế là cần phải hiện đại hóa công tác quản lý Thuế và Hải quan. Khi các dữ liệu của cơ quan thuế và cơ quan hải quan được chia sẻ, hệ thống quản lý thuế và hải quan được liên kết chặt chẽ thì sẽ giảm thiểu những kẽ hở trong hồ sơ giấy tờ. Sẽ khó có cơ hội để DN làm giả hồ sơ xuất khẩu khi không có dữ liệu hàng hóa xuất khẩu trên hệ thống của hải quan. Mặt khác, khi hệ thống quản lý thuế được hoàn thiện, thông tin về giao dịch cũng như thông tin về người mua và người bán cùng khớp nhau trên hệ thống quản lý của cơ quan thuế thì việc kiểm tra số thuế đầu vào của người mua với số thuế đã nộp ở đầu ra của người bán sẽ dễ dàng hơn, việc hoàn thuế sẽ có cơ sở rõ ràng hơn và sẽ không có chuyện ngân sách phải hoàn khống cho số thuế chưa bao giờ được nộp.

Bà Hương Vũ - Thành viên Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam


Chúng tôi nhận thấy Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo ngành Thuế đều đặt mục tiêu và quyết tâm cao để giảm thủ tục thuế, giảm số giờ nộp thuế cho DN. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn là làm sao để quyết tâm và tinh thần đó xuyên suốt tới từng cán bộ thuế - những người tiếp xúc và làm việc trực tiếp với DN.


Tuy nhiên, để có được hệ thống quản lý thuế và hải quan hiện đại đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, ngành Thuế có thể sẽ phải mất một thời gian nhất định. Trong giai đoạn hiện nay, để khắc phục những bất cập, cơ quan thuế nên tập trung vào việc rà soát, phân loại các doanh nghiệp rủi ro cao về thuế. Tăng cường kiểm tra giám sát giao dịch của các đối tượng nhiều rủi ro và mặt khác nên tạo điều kiện thuận lợi cho các DN làm ăn chân chính.

Trong bối cảnh hội nhập, cơ quan thuế và cán bộ thuế cũng nên chú trọng và xem xét nhiều hơn đến thực tiễn hoạt động kinh doanh hơn là hồ sơ giấy tờ, đặc biệt đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài để những yêu cầu từ cơ quan thuế thực sự có ý nghĩa. Việc kiểm tra thực tế hoạt động kinh doanh tại trụ sở của DN cũng là một kênh thông tin thực tế làm cơ sở cho việc đánh giá và phân loại DN để có những phương thức quản lý phù hợp với từng đối tượng nộp thuế.