Chủ động nguồn cung vật liệu thi công đường cao tốc
Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh đang khẩn trương khảo sát, thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi thải, để chủ động nguồn vật liệu xây dựng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Sớm tính toán nguồn cung cấp cát
Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành 3.000km đường cao tốc, đến năm 2030 hoàn thành 5.000km đường cao tốc. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 18, xác định Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia phải được hoàn thành và cần ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện.
Bên cạnh cân đối nguồn lực đầu tư, các bộ, ngành đang dốc sức chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng phục vụ thi công. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến ngày 15-6, cơ bản UBND các tỉnh đã thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu xây dựng. Riêng địa bàn tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, thống nhất và đang trình UBND tỉnh.
Về công tác xây dựng, công bố giá các loại vật liệu xây dựng cho các dự án thành phần theo Nghị quyết số 18, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị các địa phương xây dựng và công bố giá vật liệu xây dựng cho các dự án thành phần. Đến ngày 15-6, mới có tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình công bố giá vật liệu xây dựng đến chân công trình.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh và có văn bản hướng dẫn các Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn khảo sát, điều tra kỹ lưỡng về chất lượng, trữ lượng các mỏ vật liệu, bãi đổ thải bảo đảm đáp ứng yêu cầu của dự án. Đồng thời, làm việc với các Sở Tài nguyên và Môi trường thỏa thuận vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi đổ thải. Đến ngày 15-6, có 4/12 tỉnh có văn bản thỏa thuận về vị trí, trữ lượng bãi đổ thải. Các tỉnh còn lại chưa có văn bản thống nhất.
Đối với 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, Bộ Giao thông Vận tải đã trực tiếp làm việc với UBND tỉnh An Giang và Đồng Tháp về nguồn cát đắp cho dự án. Tuy nhiên, tính đến ngày 15-6, hai tỉnh chưa cam kết cấp đủ khối lượng theo nhu cầu của dự án. Cụ thể, UBND tỉnh An Giang đã cam kết hỗ trợ 1,1 triệu m3 (từ việc tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác), đồng thời đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị tiến hành khảo sát đánh giá mỏ cát Xuân Tô (trữ lượng khoảng 4,5 triệu m3) để cấp riêng cho dự án. UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát việc tăng công suất, cấp mới mỏ, báo cáo lại UBND tỉnh trong tháng 6-2022 để có ý kiến với Bộ Giao thông Vận tải.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nghiên cứu việc sử dụng cát biển cho các dự án giao thông.
Tuy nhiên, để có thể áp dụng vào thực tế, cần phải thi công thí điểm và quan trắc các ảnh hưởng đến môi trường, ban hành tiêu chuẩn, quy trình thi công, định mức đơn giá… Nếu kết quả nghiên cứu thí điểm thành công thì đến cuối năm 2023 mới có thể áp dụng. Như vậy, trong giai đoạn xây dựng (năm 2023 và năm 2024), các dự án vẫn sử dụng nguồn cát sông là chủ yếu. Nếu không bố trí đủ nguồn cung cấp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành.
Không để bị động khi thi công
Với dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nguồn cát đắp bảo đảm chất lượng chủ yếu tập trung ở tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến năm 2023, hai dự án này cần khoảng 10 triệu m3 cát đắp, 6 tháng đầu năm 2024 cần 8 triệu m3 cát đắp. Nếu không bố trí đủ nguồn cung cấp sẽ có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với các tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phối hợp với các Ban quản lý dự án, tư vấn thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi đổ thải, công bố giá vật liệu cũng như triển khai các thủ tục liên quan nhằm sớm khai thác vật liệu phục vụ cho dự án, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp cát tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp sử dụng cát biển để thay thế nếu bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và môi trường.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa qua Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với tỉnh về tình hình cung ứng nguồn cát sông cho các dự án. Trên tinh thần đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ rà soát lại trữ lượng của các thời kỳ quy hoạch tới để xem xét hỗ trợ các dự án cao tốc đi qua đồng bằng sông Cửu Long.
Trong buổi giao ban mới đây về tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Bộ hết sức quan tâm đến vấn đề bãi thải khi dự án thi công, đề nghị các Ban quản lý dự án, địa phương có sự bố trí không để bị động. Ngoài ra, phải rà soát kỹ các mỏ vật liệu xây dựng, nơi nào chưa có mỏ vật liệu phải bổ sung, đưa vào quy hoạch.
Tất cả hồ sơ đến ngày 30/6 phê duyệt phải có kèm hồ sơ về mỏ vật liệu xây dựng. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tỉnh An Giang, Đồng Tháp rà soát lại toàn bộ trữ lượng, quy hoạch cát sông, đồng thời có chỉ đạo quyết liệt để cung ứng vật liệu cát dành cho các dự án cao tốc trọng điểm.