Chủ động tiếp cận “luật chơi” quốc tế để nâng cao năng lực hội nhập
Vấn đề quan trọng nhất để hội nhập quốc tế thành công là phải nâng cao và thống nhất nhận thức của toàn thể các đơn vị thuộc Bộ Tài chính từ Trung ương đến địa phương về các yêu cầu, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, chủ động tiếp cận “luật chơi” quốc tế để nâng cao năng lực hội nhập.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết tại Hội nghị công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế năm 2016, do Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính tổ chức ngày 29/3/2016 tại TP. Hải Phòng.
Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức
Thứ trưởng Trương Chí Trung cho biết, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của ngành Tài chính, mà nó còn liên quan đến mọi mặt đời sống xã hội, cả về kinh tế, chính trị của đất nước. Nhận thức được vai trò này, Bộ Tài chính đã chủ động, phối hợp với các bộ, ngành khác tham gia đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung phát biểu tại Hội nghị, ngày 29/3/2016.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết 10 FTA song phương và đa phương, tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Các cam kết đã và đang có hiệu lực thi hành, cho nên cần nâng cao nhận thức rõ đâu là cơ hội, thách thức để tranh thủ hội nhập sâu rộng quốc tế và nâng cao năng lực tổng thể quốc gia.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Chỉ thị 02/CT-BTC ngày 18/2/2016 về việc hội nhập trong lĩnh vực tài chính năm 2016, Thứ trưởng Trương Chí Trung cho rằng, các cán bộ ngành Tài chính phải quán triệt rất rõ nội dung của chỉ thị này trong thực thi nhiệm vụ của mình để hội nhập quốc tế thành công.
Mặc dù việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương trong thời gian qua đạt được kết quả rất tốt, nhưng đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Quan trọng hơn, trong thời gian tới, nhiệm vụ cần triển khai thực hiện quyết liệt các cam kết quốc tế liên quan tới tất cả các lĩnh vực tài chính.
Năm 2016 và các năm tiếp theo, với việc ký kết hàng loạt các hiệp định, việc hội nhập quốc tế sẽ ngày càng sâu rộng hơn, do đó trách nhiệm của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính rất nặng nề.
“Từ nhận thức rõ về cơ hội, thách thức hội nhập quốc tế thấy được cơ hội để tranh thủ điều kiện xây dựng kế hoạch hành động thế nào, nâng cao hiệu quả hội nhập, đặc biệt nắm bắt được cơ hội hội nhập mang lại, giảm thiểu những khó khăn, thách thức để hội nhập quốc tế thành công”, Thứ trưởng Trương Chí Trung, nói.
Chủ động tiếp cận “luật chơi” quốc tế
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 và các năm tiếp theo là hoàn thiện thể chế tài chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc giam doanh nghiệp sản phẩm, tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Toàn cảnh Hội nghị.
Để hội nhập quốc tế thành công, Thứ trưởng Trương Chí Trung cho rằng, việc đổi mới phương pháp quản lý theo chuẩn mực quốc tế là yếu tố quan trọng nhất. Hầu hết các FTA song phương và đa phương đều đòi hỏi phải đổi mới theo chuẩn mực quốc tế thì mới có thể hội nhập thành công. Do vậy, cần phải chủ động tiếp cận “luật chơi” quốc tế để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.
Tại Hội nghị, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, nhiều lĩnh vực thuộc ngành Tài chính đã đưa vào cam kết và phải được triển khai thực hiện nghiêm túc như: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuận lợi hóa thương mại và hải quan, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ kế toán kiểm toán, tư vấn thuế.
Trong thời gian qua, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đã có những chuyển biến tích cực khi đã ký kết thành công nhiều hiệp định FTA mới.
Phổ biến Chỉ thị 02/CT-BTC cho các cán bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính và các đại biểu đến từ các bộ, ngành khác, ông Thăng lưu ý 6 nội dung quy định tại chỉ thị này bao gồm: (1) tiếp tục nâng cao và thống nhất nhận thức của toàn thể các đơn vị thuộc Bộ từ Trung ương đến địa phương về các yêu cầu, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế; (2) Xây dựng lộ trình thực thi nghiêm túc các cam kết trong lĩnh vực tài chính; (3) Tăng cường theo dõi và đánh giá tác động hội nhập để kịp thời đề xuất cơ chế chính sách; (4) Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 7/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 7/1/2016; (5) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hội nhập tài chính; (6) Đẩy mạnh công tác đào tạo, tăng cường năng lực cán bộ.
Ông Thăng đề xuất, để nâng cao nhận thức về những cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Vụ Hợp tác Quốc tế và các bộ ngnafh khác liên quan trong việc xây dựng, đàm phán các hiệp định trong thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao… đã trình bày tham luận đánh giá về những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế năm 2016./.