Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc làm việc về tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

PV. (t/h)

Tại cuộc làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ về một số vấn đề tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Thường trực Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ lưỡng, toàn diện dự thảo Luật; Các cơ quan tập trung cao độ cho việc hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng và các yêu cầu, mục tiêu đã đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Đất đai...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 21/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ về một số vấn đề tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham dự cuộc làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Về phía Chính phủ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Cùng dự có: Thường trực Ủy ban Kinh tế; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan. 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, do tính chất quan trọng và phức tạp của dự án Luật này nên vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã triển khai khối lượng công việc vô cùng lớn để xây dựng, hoàn thiện dự án Luật, tổ chức lấy ý kiến nhân dân với trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý về dự thảo Luật. 

Ông Đặng Quốc Khánh - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Ông Đặng Quốc Khánh - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tại 3 kỳ họp. Tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, Quốc hội đã tiếp tục cân nhắc thận trọng nhiều mặt, quyết định xem xét, thông qua dự luật tại Kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của luật sau khi được ban hành. 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu còn tới 27 nội dung, nhóm nội dung có ý kiến khác nhau hoặc trình nhiều phương án khác nhau. Tuy nhiên, theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế, đến nay chỉ còn 3 nội dung có ý kiến khác nhau, 3 nội dung đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn, có ý kiến chính thức và thiết kế phương án cụ thể. 

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Tại cuộc làm việc, Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã tập trung thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Thường trực Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ lưỡng, toàn diện dự thảo Luật; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban liên quan tiếp tục rà soát các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách theo đúng nhiệm vụ đã được phân công... Các cơ quan tập trung cao độ cho việc hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng và các yêu cầu, mục tiêu đã đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Đất đai.

 

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, với 453/459 đại biểu có mặt đồng ý, Quốc hội thống nhất điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp 6 sang kỳ họp gần nhất. Việc Quốc hội điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp gần nhất giúp các cơ quan có thể tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.