Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri là công nhân, viên chức, người lao động TP. Hải Phòng
Sáng 6/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri chuyên đề với gần 700 cử tri đại diện cho công nhân, viên chức, người lao động thành phố Cảng. Cuộc tiếp xúc cử tri có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra đúng vào thời điểm cả nước đang kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2024).
Cùng dự Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu.
Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Ủy viên Thường trực Ban Thư ký, Vụ trưởng Vụ Thư ký - Văn phòng Quốc hội Phan Thị Thùy Linh; Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền và đại diện Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ngành và Lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng.
Lắng nghe cử tri để hoàn thiện chính sách, pháp luật
Hội nghị do Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố Hải Phòng tổ chức. Đây là hội nghị tiếp xúc cử tri rất đặc biệt, được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2024) và cả hệ thống chính trị thành phố Hải Phòng vừa phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Lã Thanh Tân cho biết, từ tác động của đại dịch COVID-19 đến nay, nhiều vấn đề khó khăn, cấp bách đang đặt ra với nền kinh tế đất nước và thành phố Hải Phòng, trong đó nhiều vấn đề đã và đang tác động trực tiếp, sâu sắc đến đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân lao động, đòi hỏi phải được quan tâm, giải quyết kịp thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
"Chính vì vậy, hội nghị tiếp xúc cử tri lần này là dịp để các đại biểu Quốc hội được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của công nhân, viên chức, người lao động thành phố Hải Phòng - những người đang hằng ngày mang sức lực, trí tuệ của mình đóng góp cho sự nghiệp phát triển thành phố và đất nước, để từ đó có thêm cơ sở nghiên cứu, đưa ra Quốc hội bàn thảo, hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như tổ chức giám sát có hiệu quả việc thực thi chính sách pháp luật, giải quyết các vấn đề bức xúc của người lao động", Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Lã Thanh Tân nhấn mạnh.
Thông tin tới cử tri, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Lã Thanh Tân cũng nêu rõ, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, năm 2023, thực hiện Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Qua rà soát, đã tổng hợp, kiến nghị đề xuất với Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi 7 Luật, 5 Nghị định, 56 Thông tư và một số vấn đề khác còn vướng mắc, bất cập, nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, đồng thời đề xuất các giải pháp xử lý; trong đó có 2 Luật, 1 Nghị định, 3 Thông tư liên quan đến người lao động như: Luật Căn cước công dân 2014, Luật Cư trú năm 2020, Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân; Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch...
Bên cạnh đó, trước các Kỳ họp thứ Năm, thứ Sáu Quốc hội Khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan rà soát, kiến nghị những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế, để kịp thời tổng hợp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, sửa đổi.
Giám sát, thúc đẩy việc giải quyết hiệu quả kiến nghị của cử tri
Mặc dù công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã được quan tâm, song thực tế nhiều chính sách pháp luật còn có quy định còn chung chung, công tác thi hành có mặt còn bất cập, văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành kịp thời dẫn đến việc áp dụng và thực hiện thiếu thống nhất, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có đội ngũ công nhân lao động.
Với mong muốn tiếp thu được nhiều ý kiến từ thực tiễn, mang “hơi thở của cuộc sống”, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đề nghị cử tri đại diện cho công nhân, viên chức, người lao động thành phố phát huy tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, từ thực tiễn công tác, cuộc sống để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ những vấn đề đang nhận được sự quan tâm của đông đảo công nhân, người lao động, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của thành phố, nhất là những kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn như: các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chính sách về việc làm, đào tạo nghề, nhà ở, thu nhập, xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động hiệu quả, thực chất hơn; các ý kiến, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh…
Sau hội nghị này, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ và xây dựng báo cáo chung gửi đến Quốc hội, các cơ quan trung ương và địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời theo chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các bộ, ngành trung ương để thông tin kịp thời tới cử tri là công nhân lao động nói riêng cũng như cử tri và Nhân dân thành phố nói chung.