Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán: “Năm nay nhiều cơ hội”

EVN

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng cho rằng, thị trường chứng khoán năm 2011 sẽ có nhiều triển vọng tốt hơn, khi những tồn tại, hạn chế của năm 2010 đã được nhìn nhận và có hướng khắc phục.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán vừa được Quốc hội thông qua với nhiều điều mới.  Ông dự báo thế nào về diễn biến thị trường chứng khoán năm 2011 dưới tác động của Luật Chứng khoán mới?

Năm 2011 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2011-2015 và chiến lược 2011-2020 với một nhiệm kỳ lãnh đạo mới. Đó sẽ là những yếu tố tích cực cho sự phát triển kinh tế trong đó có thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, các tồn tại, hạn chế năm 2010 đã được nhìn nhận, đánh giá và sẽ có các giải pháp khắc phục tốt hơn trong năm tới từ vấn đề tăng trưởng, xử lý lạm phát, nhập siêu các chính sách tài chính, tiền tệ, tỷ giá...

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/7/2011 có điểm nổi bật nhất là tạo sự linh hoạt, chủ động cho cơ quan điều hành, với quyền quy định những vấn đề phát sinh để phát triển thị trường. Quốc hội cũng nhận thấy luật ra đời chỉ 3 năm nhưng thị trường chứng khoán phát triển rất nhanh, tính linh hoạt trên thị trường rất cao dẫn đến 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung, nên Quốc hội cũng mở hơn để tăng sự chủ động cho cơ quan điều hành.

Cùng với đó, Luật cũng đã quy định chặt chẽ hơn vấn đề công bố thông tin, quản trị công ty, bắt buộc doanh nghiệp phải đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường chứng khoán có tổ chức, mở ra hành lang pháp lý cho việc triển khai các loại chứng khoán mới sẽ tạo sự minh bạch hơn cho thị trường.

Năm 2010, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh tương đối nhiều, P/E đã hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Điều đó mang đến hy vọng năm 2011, thị trường chứng khoán sẽ không điều chỉnh sâu và sẽ có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.

Năm 2010 nổi bật với khá nhiều vụ thao túng giá, giao dịch nội gián bị phát hiện, nhưng mức độ xử phạt vẫn bị đánh giá là khá nhẹ. Điều này sẽ thay đổi ra sao trong năm 2011?

Năm 2010 hiện tượng vi phạm trên thị trường gia tăng, đặc biệt là hiện tượng thao túng, nội gián, vi phạm quy định giao dịch, các nghiệp vụ mới... Đối với Ủy ban Chứng khoán, năm 2010 chúng tôi tăng cường chỉ đạo thanh tra giám sát quyết liệt hơn, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, phân cấp thêm cho các sở giao dịch, rà soát lại quy trình giám sát. Ủy ban Chứng khoán cũng chủ động trình Chính phủ sửa đổi nghị định về thanh tra xử phạt.

Đây là vấn đề cấp bách phải làm ngay, trước đây cũng định chờ sửa Luật Chứng khoán rồi mới ban hành. Sau khi có nghị định xử phạt mới chúng tôi cũng trình Bộ Tài chính thông tư hướng dẫn, nổi bật nhất là có khoản tính thu lời bất chính. Đến thời điểm hiện nay Bộ Tài chính về căn bản là chấp thuận nguyên tắc với dự thảo này.

Riêng trong năm vừa qua, có 17 vụ xử lý vi phạm thao túng, 9 trường hợp vi phạm nội gián. Điển hình là vụ DVD có sự phối hợp hình sự với cơ quan điều tra. Tất nhiên còn nhiều việc phải rút kinh nghiệm để làm mạnh hơn trong năm 2011. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường xử phạt công ty chứng khoán, công bố ngay từ đầu năm những gì được phép làm, cái gì cấm đoán cũng phải rõ ràng, như các vấn đề về giao dịch, margin, sản phẩm mới...

2010 là một năm bội thu về phát hành chứng khoán (tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành đạt gần 109.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2009 và gần 4 lần so với năm 2008, chỉ sau năm 2007 với 127.000 tỷ đồng). Sự gia tăng về nguồn cung khiến sức cầu dường như bị thiếu hụt. Vậy năm 2011 có giải pháp nào để tăng cầu cho thị trường, đảm bảo cân bằng với lượng cung dồi dào hiện nay, thưa ông?

Huy động vốn nhiều hơn thường dẫn đến sự pha loãng. Dĩ nhiên mức độ pha loãng còn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn. Nếu sử dụng hiệu quả thì tạo ra tăng trưởng bước sau.

Liên quan đến sức cầu năm 2011, có thể thấy phụ thuộc vào hai kênh: cầu từ bên ngoài và cầu trong nước. Cầu trong nước phụ thuộc vào 3 yếu tố: chính sách tiền tệ và tài chính (nếu được nới lỏng thì cung tiền sẽ mạnh hơn), các giải pháp về thị trường (giải pháp tạo thanh khoản, nếu được ban hành cũng sẽ góp phần tạo cầu tốt hơn), sự cạnh tranh giữa các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ, bất động sản.

Đối với nguồn tiền nước ngoài. Chúng ta đều thấy năm 2008, nước ngoài rút ra khoảng 1,9 tỷ USD, năm 2009: rút ra khoảng 230 triệu USD, năm 2010: vào 900 triệu USD. Trong thời kỳ hậu khủng hoảng, kinh tế thế giới gặp khó khăn và thông thường tại những thị trường mới nổi, tiềm ẩn nhiều rủi ro thì dòng vốn ngoại có xu hướng co cụm và rút tiền, nhưng diễn biến năm 2010 tại Việt Nam lại tăng lên, điều đó cho thấy một tín hiệu khả quan về luồng vốn nước ngoài sẽ vào năm 2011.

Chúng tôi hy vọng năm nay vốn nước ngoài sẽ tiếp tục vào vì trong bối cảnh khó khăn 2010 mà Việt Nam vẫn tăng trưởng, cùng với xuất khẩu, nhập siêu cải thiện thì xu hướng sẽ tốt hơn thời gian tới.

Năm nay tiến trình cổ phần hóa được đẩy mạnh trở lại và việc bán cho đối tác chiến lược nếu có giải pháp xử lý sẽ hút vốn mạnh hơn. Theo tôi, đấu giá cổ phần cho đối tác chiến lược nắm giữ 2-3 năm thì đó là nguồn đầu tư trực tiếp, tính ổn định dài hạn tương đối cao và nên có ưu đãi hơn.