Chú trọng năng lực quản trị trong doanh nghiệp nhà nước

Theo Sông Trà/nhandan.vn

Trong điều kiện hiện tại, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các nước trong và ngoài khối OECD, nhất là ở các quốc gia đang phát triển. Ở Việt Nam, DNNN phổ biến trong một số ngành, lĩnh vực, có ý nghĩa với xã hội như quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, bảo đảm hàng hải, phát triển mạng lưới viễn thông và ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế phát triển… Vì vậy, quản trị doanh nghiệp cần được đặc biệt chú trọng nhằm bảo đảm đóng góp tích cực vào hiệu quả kinh tế chung của DNNN trong nền kinh tế quốc gia.

Dịch vụ VNPT Cloud của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Dịch vụ VNPT Cloud của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Theo Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), quản trị DN một mặt khuyến khích việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, mặt khác đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm giải trình trong việc quản lý và kiểm soát các nguồn lực này. Mục tiêu của quản trị là đạt được sự hài hòa tối đa giữa lợi ích của cá nhân, của DN và của xã hội.

Ðộng cơ để các DN và những người sở hữu hay quản lý các DN đó áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế được công nhận bởi những chuẩn mực này sẽ giúp họ đạt được các mục tiêu và thu hút đầu tư. Như vậy, đây là hệ thống các thiết chế, chính sách, quy định và quy trình được xây dựng nhằm định hướng, điều hành và kiểm soát DN.

Xương sống của quá trình tái cơ cấu DNNN

Quản trị DN không chỉ dừng lại ở các mối quan hệ nội bộ mà còn bao gồm cả những mối quan hệ bên ngoài có liên quan và tác động đến hiệu quả hoạt động của DN, đó là các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác kinh doanh-khách hàng, cộng đồng xã hội và nhất là môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của một quốc gia.

Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, những hạn chế về vai trò của DNNN đã được nhìn nhận cụ thể.

Theo đó, nhìn chung, hiệu quả sản xuất-kinh doanh và đóng góp của nhiều DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư; nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn. Cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế.

Vì vậy, việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế là để nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại DN. Và một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đưa ra là đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các DNNN, nhất là đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ðây cũng là quá trình tạo tiền đề để thị trường chứng khoán phát triển.

Cần sự hoàn thiện và đồng bộ

Cục Tài chính DN cũng cho biết, hiện nay tại Việt Nam, khung pháp lý về quản trị trong DNNN đã được hình thành và đang từng bước hoàn thiện. Khuôn khổ pháp lý và quy định về quản trị DN phát triển với tốc độ nhanh trong thập kỷ vừa qua.

Các luật chính điều chỉnh hoạt động quản trị công ty ở Việt Nam là Luật DN năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019 đặt ra các yêu cầu quản trị công ty áp dụng cho công ty niêm yết và công ty đại chúng. Luật Kế toán năm 2015 và Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 đặt ra khuôn khổ pháp lý về báo cáo tài chính, kế toán và kiểm toán trong khu vực DN ở Việt Nam.

Ngoài ra, các luật khác (Luật Ðầu tư năm 2005, Luật Cạnh tranh năm 2018, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010) giúp củng cố hơn nữa khuôn khổ quản trị công ty. Các DNNN cũng phải tuân thủ luật chống tham nhũng, phá sản, thương mại, cạnh tranh, xây dựng, lao động, đấu thầu và thuế.

Ðối với những DN có sở hữu vốn nhà nước, mặc dù đã tham gia "sân chơi chung" của Luật DN, tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu quản lý nhà nước, hiện còn có Luật điều chỉnh về vấn đề quản trị DN cho đối tượng này là Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật 69/2014/QH13).

Trong đó, Luật DN năm 2020 có vai trò trung tâm, chi phối hầu hết vấn đề quản trị công ty cho các DN đang hoạt động tại Việt Nam nói chung và DNNN nói riêng.

Luật DN năm 2020 đã sửa đổi nhiều quy định về DN có sở hữu nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực quản trị, trong đó đặc biệt tăng mức độ kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa trong hoạt động của DNNN.

Nhìn chung, Luật DN năm 2020 đã đưa các thông lệ kinh doanh ở Việt Nam gần hơn với các thông lệ tốt của quốc tế. Ðối với những DN có sở hữu vốn nhà nước, mặc dù đã tham gia "sân chơi chung" của Luật DN, tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu quản lý nhà nước, hiện còn có Luật điều chỉnh về vấn đề quản trị DN cho đối tượng này là Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật 69/2014/QH13).

Luật số 69/2014/QH13 quy định cụ thể về các chức năng sở hữu nhà nước khác và các nghĩa vụ quan trọng của chủ sở hữu DN như chức năng báo cáo và công bố thông tin, chuyên nghiệp hóa các thông lệ của hội đồng quản trị theo cách thức phân tán.

Ðối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chức năng đại diện chủ sở hữu vẫn chưa được tách bạch với chức năng quản trị hoạt động của DN; chủ sở hữu nhà nước vẫn đang can thiệp quá mức vào công tác quản trị cũng như hoạt động của DN.

Ðối với DNNN là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, việc yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước trong hội đồng quản trị, hội đồng thành viên xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi ra quyết định dẫn đến chi phí giao dịch cao và phát sinh trách nhiệm giải trình đối với hiệu quả của người đại diện.

Sẽ thuê nhân lực chất lượng cao

Bộ Tài chính cũng cho biết, với mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty trong DNNN tiệm cận với thông lệ quốc tế theo định hướng và quan điểm chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước, việc sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 trong thời gian tới đang là cơ hội sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về quản trị DN.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước hướng tới áp dụng thông lệ quốc tế về quản trị DN trong điều kiện thực tế ở Việt Nam; cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư; tăng cường bảo vệ lợi ích của các chủ sở hữu, nhà đầu tư và bên có liên quan; đồng thời vẫn phải bảo đảm việc quản trị DNNN được thực hiện một cách minh bạch và có trách nhiệm với mức độ chuyên nghiệp và hiệu quả cao.

Cục Tài chính DN đang trình Chính phủ bốn nhóm chính sách về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN, bao gồm: Chính sách về đầu tư vốn và cơ cấu lại vốn nhà nước vào DN; chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN và chính sách về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Ðiều đáng lưu ý là bên cạnh việc cho phép DNNN có quyền tự chủ hoàn toàn trong hoạt động để đạt được các mục tiêu đã xác định và hạn chế sự can thiệp vào hoạt động điều hành DN, Bộ Tài chính còn trình cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất-kinh doanh, cho phép DN tự quyết định theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với điều kiện sản xuất-kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động để tuyển dụng hoặc thuê nhân lực chất lượng cao.

Rõ ràng, một sự thống nhất và đồng bộ cần thiết là yếu tố quan trọng để bảo đảm tính thực thi cao sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh của DNNN.

Cục Tài chính DN đang trình Chính phủ bốn nhóm chính sách về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN, bao gồm: Chính sách về đầu tư vốn và cơ cấu lại vốn nhà nước vào DN; chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN và chính sách về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu.