Chú trọng xúc tiến thương mại với các thị trường xuất khẩu chủ lực

Trần Huyền

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thời gian tới, ngành Công Thương sẽ đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số nhằm đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Trong đó, chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại số đối với các thị trường xuất khẩu chủ lực, thị trường có FTA với Việt Nam cùng các thị trường tiềm năng.

Hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục được ngành Công Thương triển khai. Ảnh: internet
Hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục được ngành Công Thương triển khai. Ảnh: internet

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã tăng cường xúc tiến thương mại khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương đã hỗ trợ khoảng 2.000 đơn vị là các tổ chức xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đạt được các thỏa thuận ban đầu với đối tác nhập khẩu, ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, các biên bản ghi nhớ có giá trị thông qua việc tham gia Hội chợ, kết nối B2B quốc tế.

Công tác xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu của các Vùng kinh tế cũng được Bộ Công Thương chú trọng triển khai. Bộ Công Thương đã phối hợp với các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng chủ trì tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc (tại Lào Cai), vùng Tây Nguyên (tại Đắk Lắk), vùng Đồng bằng sông Hồng (tại Hà Nội), vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (tại Đà Nẵng)...

Nhằm hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhập khẩu dây truyền công nghệ nhất là công nghệ nguồn của các nước phát triển như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn  Quốc..., Bộ Công Thương cũng triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, 06 Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã được thực hiện theo chuyên đề tổng hợp hoặc chuyên sâu theo nhóm thị trường và nhóm ngành hàng xuất khẩu.

Các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại tại Việt Nam đã cung cấp chi tiết gần 180 báo cáo về cập nhật thông tin sở tại, cung cấp hơn 25 nội dung tham luận đánh giá thuận lợi, cơ hội, nhận định về những thách thức, rủi ro đối với hoạt động xuất-nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, cập nhật thông tin về những quy định, tình hình cung ứng, biến động thị trường, định hướng xuất khẩu, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực, hữu ích góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, xuất khẩu của Việt Nam.

Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu

Trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục lại gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chú trọng các nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm organic, có yếu tố chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững… Sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác xúc tiến thương mại. 

Chính vì vậy, để bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương đối với các nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay, ứng phó với những diễn biến phát sinh, đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, việc hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển thị trường, cải thiện tình hình xuất nhập khẩu hiệu quả trong thời gian tới là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Công Thương.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, trong thời gian tới, ngành Công Thương sẽ linh hoạt, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số nhằm đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Trong đó, chú trọng vào các hoạt động xúc tiến thương mại số đối với các thị trường xuất khẩu chủ lực, thị trường có FTA với Việt Nam cùng các thị trường tiềm năng; Chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Ngành Công Thương sẽ tăng cường truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng xuất khẩu, các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông, tại các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư và các sự kiện ngoại giao, văn hóa lớn ở trong nước và nước ngoài. Thực hiện tốt kỳ xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 năm 2024, tổ chức Lễ Công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2024 dự kiến vào quý IV/2024.

Ngoài ra, công tác đào tạo, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử cũng sẽ được chú trọng. Cùng với đó là tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu hướng thị trường hiện nay.