Chưa đánh thuế nhà thứ hai trong năm 2017
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài Chính đưa ra tại Hội thảo "Triển vọng thị trường bất động sản 2017 - Tác động chính sách" tại Hà Nội.
Ông Phụng cho biết, quan tâm nhất hiện nay đối với người mua nhà là nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc sở hữu tài sản, trong đó đặc biệt quan tâm tới nghĩa vụ tài chính khi sở hữu bất động sản thứ hai.
"Thực tế, đây là ý tưởng trung hạn, không phải đến bây giờ mới đưa ra ý tưởng, mà đã nghiên cứu từ cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, đánh như thế nào và khi nào áp dụng thì thực tế về nguyên tắc sẽ cần thời gian để làm rõ", ông Phụng nói và cho biết, việc điều tiết thuế là rất quan trọng, nhưng với cơ chế quản lý thông tin đất đai chưa có hệ thống đăng ký liên thông như hiện nay, thì việc đánh thuế không dễ.
Cũng theo ông Phụng, dưới quan điểm quản lý nhà nước, thì việc đánh thuế chỉ căn cứ vào thu nhập và tài sản của từng người, chứ không thể đánh thuế đồng bộ, như thế mới đảm bảo công bằng, minh bạch.
Trước đó, phát biểu tại hội thảo thường niên thị trường bất động sản 2016-2017 tuần trước, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến lúc này Việt Nam mới tính đánh thuế tài sản đối với nhà là quá muộn.
Theo ông Võ, Việt Nam không đánh thuế vào tài sản trên đất mà chỉ đánh vào đất với tỷ suất khá thấp là 0,03% theo bảng giá đất của Nhà nước. Trong khi đó, tại nước ngoài, họ đánh thuế cả đất và nhà trên nguyên tắc từ 1-1,5% giá trị thị trường. Ngoài lý do nhằm chống đầu cơ, thì nguồn thu từ đánh thuế tài sản căn nhà thứ hai trở đi sẽ mang tới nguồn lực phát triển hạ tầng và nâng cấp đô thị rất lớn, giải quyết phần nào được bài toán vốn phát triển hạ tầng vốn đã chật vật trong suốt nhiều năm vừa qua.
"Rất nhiều người nghĩ rằng, nhà đất là tài sản mang tính tích cóp được mà có, do đó, không nên và không hợp lý khi đánh vào tài sản tích lũy này. Tuy nhiên, họ quên mất rằng, khi mua một mảnh đất, một căn hộ, khi về sinh sống, người mua nhà chắc chắn phải sử dụng thêm các cái tiện ích công cộng, đường xá hạ tầng xung quanh hoặc liên quan đến dự án. Những thứ đó họ cũng phải trả phí vì Nhà nước phải đầu tư bằng nguồn ngân sách để phục nhu cầu sống tối thiểu của họ. Chính vì vậy, nên hiểu đánh thuế thứ hai không phải là đánh vào tài sản của họ, mà là thu khoản "phí" khi họ sử dụng các hạ tầng, tiện ích công cộng liên quan đến dự án", ông Võ lý giải.
Tuy nhiên, theo ông Võ, khi đánh thuế tài sản, không thể đánh đồng tất cả, vì mỗi nơi mỗi khác và mỗi sản phẩm cũng có giá trị khác nhau, dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau. Chính vì vậy, cần nghiên cứu kỹ để mang lại tính công bằng cho người mua nhà.
Còn ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Jones Lang Lasalle, một đơn vị tư vấn bất động sản toàn cầu thì cho rằng: "Chúng tôi thấy rằng việc đánh thuế lên ngôi nhà thứ hai trở đi khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc áp dụng luật này tại Việt Nam sẽ khá là phức tạp và cần phải xem xét nhiều khía cạnh".
"Hiện tại, thách thức lớn nhất đối với chúng ta khi áp dụng điều luật này tại Việt Nam là có thể xây dựng một hệ thống để nhận biết và quản lý người mua bất động sản. Ở các nước khác, điều luật này đã góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách của chính phủ, nhưng cũng sẽ tác động đến số lượng giao dịch các bất động sản trên thị trường. Nhìn chung, việc đánh thuế vào người mua bất động sản ở các nước trên thế giới và cả Việt Nam sẽ có tác động tích cực lên thị trường khi có một hệ thống thuế thích hợp được áp dụng. Kiến nghị ban đầu này khá ổn, tuy nhiên để hiện thực hóa điều này sẽ còn cần nhiều bước", ông Stephen cho biết thêm.