Chưa hết áp lực lên tỷ giá
Từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá 8,6%, dự báo áp lực lên tỷ giá trong 2 tháng cuối năm vẫn chưa dừng lại, VND có thể chịu áp lực mất giá thêm. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam phải tính đến việc điều chỉnh lãi suất và không loại trừ cả tỷ giá.
Vì sao Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá mà lại không phá giá tiền đồng? Mối nguy hiểm mới đối với tỷ giá
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: Trong ngắn hạn, phải đánh đổi giữa các mục tiêu như để ổn định thị trường ngoại hối phải chấp nhận tỷ giá tăng cao và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khi lãi suất tăng cao nhưng ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối...
Tỷ giá tăng kỷ lục
Áp lực lên tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong tháng 10 và NHNN liên tục có những biện pháp điều hành để ổn định thị trường ngoại hối.
Từ giữa tháng 10, cơ quan quản lý tiền tệ cũng nới biên độ tỷ giá thêm 2%, từ 3% lên 5%. Theo đó, tỷ giá bán tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đã được điều chỉnh tăng khá mạnh sau khi nới biên độ giao dịch. Tuy nhiên, áp lực vẫn chưa thể hạ nhiệt sớm và tỷ giá bán tại các NHTM vẫn được niêm yết quanh mức trần giao dịch mới.
Cụ thể, ngày 31/10, Vietcombank niêm yết USD ở mức 24.597 - 24.877 VND/USD. BIDV tăng nhẹ 2 đồng ở mỗi chiều mua bán so với cuối tuần trước, lên 24.599 - 24.879 VND/USD. VietinBank giảm 4 đồng ở chiều mua và tăng 2 đồng chiều bán, ở ngưỡng 24.602 - 24.880 VND/USD. ACB tăng 4 đồng chiều mua, trong khi Eximbank không điều chỉnh tỷ giá, niêm yết USD ở mức lần lượt 24.695 – 24.879 VND/USD và 24.700 - 24.875 VND/USD.
Theo các chuyên gia, dù NHNN đã tăng lãi suất điều hành thêm 1% nhưng sức nóng của tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt. Công ty chứng khoán VNDirect dự báo, tỷ giá hối đoái trong nước sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm do đồng USD neo cao khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lộ trình tăng lãi suất trong tháng 11 và tháng 12, kết hợp với yếu tố nội tại khi nguồn cung ngoại tệ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý IV (xuất khẩu yếu đi, kiều hối chậm lại).
Ước tính, dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống còn khoảng 3 tháng nhập khẩu (xấp xỉ 89 tỷ USD) so với mức 3,9 tháng vào cuối năm 2021. Do đó, VNDirect cho rằng NHNN có ít dư địa để hỗ trợ tỷ giá hối đoái hơn so với trước đây trong trường hợp đồng USD tiếp tục mạnh lên trong những tháng cuối năm.
Các chuyên gia từ SSI Research nhận định, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực khi tâm lý gom giữ USD vẫn ở mức cao. Tỷ giá niêm yết tại các NHTM gần như đã ở mức kịch trần biên độ mới 5% so với tỷ giá trung tâm, quanh mốc 24.870 đồng (tương đương mất giá 8,5% so với cuối năm ngoái).
Tỷ giá liên ngân hàng cũng nhanh chóng tăng vượt mốc giá bán tại Sở Giao dịch NHNN (24.380 đồng) và nhà điều hành đã phải tiếp tục can thiệp thông qua việc bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối.
Sẽ đánh đổi một số mục tiêu để ổn định tỷ giá
Giải trình trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với tỷ giá, NHNN đã theo dõi sát và điều hành linh hoạt ở mức độ phù hợp để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Đặc biệt, trên thị trường tiền tệ, thanh khoản ngân hàng thậm chí có dư thừa trong 9 tháng, mặt bằng lãi suất chỉ tăng 0,3-0,4% so với cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, sang tháng 10, thị trường tiền tệ, ngoại hối biến động mạnh do tác động bởi tâm lý kỳ vọng, đặc biệt là các thông tin không đúng sự thật ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như thị trường ngoại tệ.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với NHNN để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng khả năng chi trả cho các tổ chức tín dụng. Về ngoại hối, NHNN đã chủ động điều hành tỷ giá linh hoạt hơn.
“NHNN xác định trọng tâm của chính sách tiền tệ thời điểm này là phải đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, cho phép tỷ giá linh hoạt hơn và tăng lãi suất. Thị trường ngoại hối ổn định là vô cùng quan trọng, tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đưa ra thông điệp rõ ràng về việc xử lý nghiêm với thông tin sai sự thật về kinh tế, tiền tệ”, Thống đốc nói.
Từ thực tế điều hành, người đứng đầu NHNN khẳng định, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở sâu, tác động của thị trường tài chính thế giới tới trong nước là tất yếu, nên luôn sẵn sàng tâm thế ứng phó.
“Quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ là phải xác định được mục tiêu trọng tâm của giai đoạn đó là gì, nhưng trên tinh thần xuyên suốt là phải kiểm soát được lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô. Còn trong ngắn hạn sẽ phải đánh đổi các mục tiêu. Ví dụ để ổn định tỷ giá thì chấp nhận lãi suất phải tăng, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, đến doanh nghiệp, đến tăng trưởng GDP. Tuy vậy, sau khi ổn định, chúng ta sẽ tăng tốc sau”, Thống đốc cho biết.