Chứng khoán châu Á tăng phiên thứ 4 liên tiếp

Theo gafin.vn

(Tài chính) Chứng khoán châu Á tăng với chỉ số chuẩn của khu vực tăng 4 ngày liên tiếp do cổ phiếu tiêu dùng tăng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương tăng 0,8% lên 137,75 điểm. Cứ 3 cổ phiếu tăng giá thì có 1 cổ phiếu giảm giá. Chỉ số này giảm 0,1% trong tháng 3 và giảm 2,6% tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014 do giới đầu tư lo ngại về khủng hoảng tại Ukraine. Trong đó, cổ phiếu của tại Nhật Bản và Hồng Kông giảm mạnh nhất.

Ngày 31/3, chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen phát biểu tại Chicago rằng, Fed vẫn duy trì cam kết hỗ trợ đặc biệt để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ thông qua chương trình mua trái phiếu và giữ mức lãi suất cận 0. Trong khi đó, các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu bảng lương trong tuần này để đánh giá triển vọng lãi suất của Mỹ.

Masaru Hamasaki, chiến lược gia cao cấp tại quỹ Sumitomo Mitsui Asset Management, nhận xét: “Giá cổ phiếu đã tăng trở lại sau khi giảm cực thấp do căng thẳng tại Ukraine. Mọi việc đã không diễn biến xấu đi khiến thị trường thở phào nhẹ nhõm hơn”.

Tại Seoul, giá cổ phiếu của công ty Halla Visteon Climate Control – chuyên sản xuất các thiết bị điều hòa không khí tự động – tăng 7,1%, mức tăng cao nhất trong chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương theo dõi cổ phiếu tiêu dùng. Cổ phiếu Samsung tăng 6,6% sau tuyên bố sẽ mua công ty Cheil Industries với giá 3,3 tỷ USD.

Chỉ số Kospi tăng 0,2% trước bối cảnh căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên leo thang. Chỉ số S&P/ASX 200 và chỉ số Straits Times tăng 0,5%.

Chỉ số Topix của Nhật Bản tăng 1,4% do tuần trước, yên giảm giá so với USD. Số liệu cho thấy, sản xuất công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 2 bất ngờ giảm 2,3% so với tháng 1. Ngày 1/4, nước này bắt đầu đợt tăng thuế giá trị gia tăng lên 8%.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,4% trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 0,4%.

Theo khảo sát của Bloomberg, chỉ số sản xuất PMI của Trung Quốc ước tính sẽ giảm xuống 50,1 trong tháng 3 từ mức 50,2 của tháng 2. Ngày 1/4, HSBC và Markit Economics sẽ công bố chỉ số sản xuất PMI của Trung Quốc sau khi số liệu sơ bộ cho thấy, hoạt động sản xuất của nước này suy yếu tháng thứ 3 liên tiếp.

Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tung ra các chính sách hỗ trợ tăng trưởng cụ thể sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, chính phủ không thể bỏ qua những khó khăn và rủi ro từ áp lực giảm ngày càng tăng trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

Chính phủ Trung Quốc tiếp tục giữ mục tiêu tăng trưởng chính thức cho năm 2014 là 7,5% mặc dù các ngân hàng đầu tư bao gồm Goldman Sachs Group và UBS đã dự đoán tăng trưởng sẽ thấp hơn.