Chứng khoán - Chờ đợi sóng kết quả kinh doanh quý III?

Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua những ngày đầu tháng 9 khá ảm đạm, với khối lượng giao dịch suy yếu cho thấy dòng tiền lớn vẫn thận trọng đứng ngoài, bất chấp chứng khoán thế giới đang trải qua giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau khi Mỹ - Trung tuyên bố nối lại đàm phán.

Nếu kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi lên vững chắc. Nguồn: internet
Nếu kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi lên vững chắc. Nguồn: internet

Là quốc gia được đánh giá hưởng lợi lớn trong thương chiến Mỹ - Trung, nên việc căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn thế giới hạ nhiệt dường như không khiến các nhà đầu tư trên thị trường Việt quá hứng khởi. Thậm chí nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp lao dốc gần đây là minh chứng cho thấy thị trường phản ứng tiêu cực với thông tin các cuộc đàm phán thương mại được nối lại, khi có thể dẫn đến khả năng sự dịch chuyển của dòng vốn từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam sẽ chững lại.

Đối với tình hình trong nước, đây cũng là giai đoạn vùng trống thông tin, nên cũng thiếu chất xúc tác để hỗ trợ thị trường, trong khi diễn biến lãi suất và tỷ giá chịu nhiều áp lực gần đây lại thêm ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường, cũng như trước rủi ro cắt giảm tỷ lệ cho vay ký quỹ (margin) từ các công ty chứng khoán khi đối mặt với các cuộc thanh tra sắp tới.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng thị trường đang ở vào cuối chu kỳ điều chỉnh, thể hiện qua thanh khoản gần như cạn kiệt. Mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III được chờ đợi là chất xúc tác sẽ giúp dẫn dắt thị trường trong thời gian tới, khi mà kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của phần lớn các doanh nghiệp tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo thống kê kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm, cho thấy có gần 250 doanh nghiệp trên sàn đã đạt từ 50% tiên độ kế hoạch năm 2019 trở lên, trong đó hơn 30 doanh nghiệp thậm chí đã vượt kế hoạch  năm nay đề ra.  Còn nếu so với cùng kỳ năm 2018, cũng có gần 350 doanh nghiệp đánh dấu tăng trưởng lợi nhuận ròng.

Xét theo nhóm có lợi nhuận tuyệt đối từ 100 tỷ trở lên, thì những doanh nghiệp đạt tiến độ kế hoạch lợi nhuận cao đáng chú ý như QNS lãi 390 tỷ, đạt 261% kế hoạch; NBB lãi 232 tỷ, đạt 152% kế hoạch; PVS lãi 565 tỷ, đạt 135% kế hoạch; DCM lãi 298 tỷ, đạt 124% kế hoạch; FTS lãi 205 tỷ, đạt 124% kế hoạch; IDC lãi 183 tỷ, đạt 122% kế hoạch; BHN lãi 335 tỷ, đạt 108% kế hoạch; PPC lãi 583 tỷ, đạt 100% kế hoạch; SMB lãi 105 tỷ, đạt 94% kế hoạch và PVT lãi 371 tỷ, đạt 93% kế hoạch năm. Thực tế nhóm cổ phiếu này thời gian đã chứng kiến giá cổ phiếu nhiều lần nổi sóng và đi lên tích cực.

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại diễn ra suốt 1 năm qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng được thị phần hàng hóa Trung Quốc bỏ lại để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ, giúp kết quả kinh doanh cải thiện mạnh mẽ. Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ 8 tháng qua đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước.

Còn nếu xét theo lợi nhuận tuyệt đối, 10 ông lớn lợi nhuận cao nhất là VHM lãi 9,78 nghìn tỷ, VCB lãi hơn 9 nghìn tỷ, GAS lãi hơn 6 nghìn tỷ, VNM lãi gần 5,7 nghìn tỷ, TCB lãi 4,5 nghìn tỷ, Vietinbank lãi 4,3 nghìn tỷ, HPG lãi 3,8 nghìn tỷ, MBBank lãi 3,77 nghìn tỷ, BIDV lãi 3,73 nghìn tỷ, VPB lãi 3,47 nghìn tỷ. Có thể thấy trong nhóm 10 doanh nghiệp lãi lớn nhất trên sàn thì đã có 6 ngân hàng, cho thấy lợi nhuận của các nhà băng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Nếu kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp trên tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi lên vững chắc và tác động tích cực lan tỏa đến thị trường chung.