Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Các TTCK châu Á diễn biến trái chiều trong phiên ngày 29/8, trong bối cảnh giới đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng trước các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và quan ngại về nguy cơ suy thoái.
Hầu hết các thị trường chứng khoán ở châu Á mở phiên trong sắc đỏ, nhưng sau đó một số thị trường đã “lội ngược dòng”. Chỉ số Shanghai Composite tại Thương Hải và chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo đồng loạt giảm 0,1%. lần lượt xuống 2.890,92 điểm và 20.460,93 điểm. Các thị trường Seoul và Wellington đều để mất 0,4 percent, trong khi thị trường Mumbai giảm 1%.
Tuy nhiên, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 0,3% lên 25.703,50 điểm sau ba phiên giảm điểm trước đó, trong khi các thị trường Sydney, Singapore, Taipei và Manila cũng đều khép phiên trong vùng dương.
Tại thị trường Việt Nam, nhà đầu tư giao dịch cầm chừng khiến thanh khoản đạt thấp. Các chỉ số chìm trong sắc đỏ gần như suốt phiên giao dịch, chỉ đến những phút cuối VN – Index mới bứt lên khỏi mốc tham chiếu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/8, chỉ số VN - Index tăng 1,33 điểm lên 978,59 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 138,39 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 3.375,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 134 mã tăng giá, 72 mã đứng giá và 154 mã giảm giá.
HNX - Index giảm 0,38 điểm xuống 101,94 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 20,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 274 tỷ đồng. Toàn sàn có 52 mã tăng giá, 57 mã đứng giá và 81 mã giảm giá.
Tâm lý lo ngại vẫn chi phối thị trường sau các màn tấn công bằng thuế quan mang tính "ăn miếng trả miếng" của Mỹ và Trung Quốc hồi cuối tuần qua. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó cho biết các quan chức hàng đầu của hai nước đã có cuộc điện đàm và các cuộc đàm phán sẽ sớm được nối lại, nhưng Trung Quốc vẫn chưa xác nhận thông tin này.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại và chưa có sự rõ ràng trong kế hoạch cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Giới đầu tư dường như đang chuẩn bị cho một kịch bản suy thoái kinh tế. Lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn hai năm đã giảm xuống dưới lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, hiện tượng vẫn được xem là dấu hiệu của một đợt suy thoái đang đến gần.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 30 năm đã ghi nhận mức thấp kỷ lục khi giới đầu tư đánh cược vào khả năng kinh tế suy yếu trong dài hạn.