Chứng khoán phái sinh giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro

PV.

(Taichinh) - Đó là khẳng định của đại diện Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại buổi họp báo chuyên đề giới thiệu Nghị định số 42/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 4/6.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Buổi họp báo nhằm cung cấp thêm thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà đầu tư về những quy định của thị trường chứng khoán phái sinh tại Nghị định số 42/2015/NĐ-CP - được kỳ vọng sẽ mở đường cho thị trường chứng khoán phái sinh phát triển trong thời gian tới.

Tại cuộc họp báo, đại diện Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: Sau 15 năm phát triển, thị trường chứng khoán đã trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả bên cạnh hệ thống ngân hàng.

Nhằm đảm bảo vai trò của thị trường chứng khoán, củng cố niềm tin và thu hút thêm nhà đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh để tạo cơ sở hỗ trợ thị trường chứng khoán phái sinh phát triển và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015.

Trước đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dù phát triển thị trường phái sinh đòi hỏi những điều kiện về công nghệ, cơ sở pháp lý, quy mô thị trường… rất cao, song Việt Nam hiện đã hội đủ các yếu tố để đưa thị trường này vào vận hành.

Theo đại diện Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bên cạnh các sản phẩm tạo lợi nhuận trên thị trường, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ cung cấp thêm công cụ bảo đảm lợi nhuận để các nhà đầu tư yên tâm gửi gắm đồng vốn.

Về lâu dài, thị trường này sẽ tạo ra một công cụ, không chỉ giúp đảm bảo lợi nhuận còn giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro cũng như hiệu quả của công cụ chứng khoán phái sinh đã được chứng minh trên thế giới.

Về mức độ sẵn sàng triển khai, hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch chứng khoán đang nỗ lực rà soát hạ tầng công nghệ thông tin, cơ bản hạ tầng hệ thống giao dịch đã có thể sử dụng được cho giao dịch chứng khoán phái sinh, có một phần cần nâng cấp nhưng không nhiều, việc giao dịch, khớp lệnh đều được thực hiện như chứng khoán cơ sở.

Cung cấp thêm cho báo chí về Nghị định số 42/2015/NĐ-CP, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Nghị định này bao gồm 8 Chương, 44 Điều, trong đó quy định nhiều nội dung quan trọng như:

Về tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh: Việc kinh doanh chứng khoán phái sinh của tổ chức kinh doanh chứng khoán phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh. Kế thừa các quy định trong Luật chứng khoán về các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, Nghị định đặt ra điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán bao gồm: Có đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Luật chứng khoán; Đáp ứng các điều kiện tài chính (các mức vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh, đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh là 800 tỷ đồng trở lên và được phép thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh; đối với hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh: vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định theo quy định pháp luật về chứng khoán; Ngoài ra tổ chức kinh doanh chứng khoán còn phải đáp ứng các yêu cầu về lợi nhuận, tỷ lệ vốn khả dụng, quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh: Chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm: hợp đồng tương lai; hợp đồng quyền chọn niêm yết; hợp đồng kỳ hạn dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán và các chứng khoán phái sinh niêm yết, giao dịch thỏa thuận khác dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán. Ngoài Sở giao dịch chứng khoán, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh niêm yết.

Về bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh: Nghị định quy định Trung tâm lưu kí chứng khoán Việt Nam là đơn vị duy nhất đảm nhiệm chức năng thanh toán, bù trừ cho các giao dịch chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán phái sinh. Để đảm bảo hạn chế rủi ro, hoạt động bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán phái sinh niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán phải được thực hiện theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm.

Công ty chứng khoán và Ngân hàng thương mại có thể đăng ký làm thành viên bù trừ của Trung tâm lưu kí chứng khoán Việt Nam khi đáp ứng được một số yêu cầu nhất định. Trong đó, yêu cầu về vốn đối với thành viên bù trừ trực tiếp thấp hơn thành viên bù trừ chung. Cụ thể: vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đối với các ngân hàng thương mại yêu cầu từ 5.000 tỷ đồng trở lên đối với thành viên bù trừ trực tiếp và 7.000 tỷ đồng trở lên đối với thành viên bù trừ chung. Yêu cầu về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đối với công ty chứng khoán là từ 900 tỷ đồng trở lên khi đăng ký làm thành viên bù trừ trực tiếp, 1.200 tỷ đồng trở lên khi đăng ký làm thành viên bù trừ chung.

Việc cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.

Tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Thành Long cũng cho biết, hiện đã cơ bản hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 42. Theo đó, điểm nổi bật trong nội dung Thông tư sẽ hướng dẫn 2 nội dung chính là các sản phẩm cung cấp trên thị trường và nội dung chi tiết về hợp đồng thanh toán bù trừ, môi giới và các chi tiết kỹ thuật cho các nhà đầu tư. Đồng thời, Thông tư này là văn bản tương đối chi tiết và được soạn thảo theo thông lệ quốc tế, được điều chỉnh phù hợp với thực tế thị trường Việt Nam với các sản phẩm được thiết kế hợp lý để thu hút các nhà đầu tư tích cực tham gia.