Hoạt động quản lý, giám sát trên thị trường chứng khoán phái sinh
(Taichinh) - Trước những sự trồi sụt bất ngờ và rủi ro cao của thị trường chứng khoán (TTCK), việc giới thiệu các công cụ phái sinh sẽ giúp cho các nhà đầu tư có cơ hội tự rào chắn rủi ro và bảo vệ các khoản đầu tư của mình. Tuy nhiên, là cấp độ phát triển cao nhất của TTCK, hoạt động quản lý, giám sát trên TTCK phái sinh là vô cùng quan trọng.
Tại sao phải quản lý giám sát?
Nhằm từng bước hoàn thiện cấu trúc của TTCK Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020”, trong đó đặt ra việc xây dựng TTCK phái sinh theo lộ trình thích hợp, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường vốn và cấu trúc lại mô hình tổ chức TTCK, tổ chức lại các sàn giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và hình thành sàn giao dịch phái sinh có tổ chức.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc xây dựng và đưa vào vận hành TTCK phái sinh tại Việt Nam là vấn đề cần thiết trong tình hình kinh tế hiện nay. Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng, thực tế phát triển cho thấy TTCK phái sinh đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phòng chống rủi ro của các nhà đầu tư cũng như các trung gian tài chính. Thông qua việc sàng lọc, chuyển giao và phân phối lại rủi ro giữa các nhà đầu tư, TTCK phái sinh sẽ giúp tăng cường chức năng của thị trường tài chính, mở rộng hoạt động huy động vốn và giảm chi phí sử dụng vốn, qua đó tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, TTCK phái sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hiểm, ngăn ngừa rủi ro cho các hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là hệ thống các ngân hàng thương mại. Kinh doanh nghiệp vụ phái sinh sẽ làm sản phẩm kinh doanh của ngân hàng thêm đa dạng, phong phú, từ đó làm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, TTCK phái sinh cũng tiềm ẩn những rủi ro rất lớn tới thị trường tài chính. Kinh nghiệm phát triển TTCK phái sinh trên thế giới cho thấy đây là thị trường dễ xảy ra tình trạng đầu cơ, thao túng, tạo biến động nhằm trục lợi, đặc biệt là tại những thị trường đang ở giai đoạn đầu phát triển, khuôn khổ pháp lý chưa được hoàn thiện. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, việc cho phép sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ ký quỹ thấp (1%) trong thời kỳ đầu phát triển đã tạo điều kiện cho hoạt động đầu cơ, làm giá khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại, thị trường mất ổn định. Ngoài ra, chứng khoán phái sinh cũng được xem như phương tiện để các nhà đầu tư sử dụng cho các mục đích bất chính như trốn thuế, làm sai lệch báo cáo tài chính, tránh né các chuẩn mực kế toán hoặc quy chế giám sát tài chính.
Theo các chuyên gia chứng khoán, không giống như sự hình thành và phát triển tự phát của đa số TTCK cơ sở, nghĩa là các quy định luật pháp chỉ được ban hành sau khi thị trường đã ra đời nhằm tạo một thể chế để thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và công bằng, TTCK phái sinh thường đòi hỏi phải xây dựng trước một khung pháp lý chặt chẽ và toàn diện để có thể xử lý được tính chất phức tạp trong các giao dịch phái sinh. Là thị trường cao cấp của thị trường tài chính phát triển do vậy, việc quản lý, giám sát các hoạt động của thị trường và các thành viên tham gia là vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Quản lý, giám sát trên thị trường chứng khoán phái sinh?
Nhằm tạo nền tảng pháp lí cho sự vận hành của TTCK phái sinh tại Việt Nam trong thời gian tới, ngày 05/5/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh, trong đó hoạt động quản lý, giám sát trên TTCK phái sinh đối với các thành viên liên quan được quy định từ Điều 33 đến Điều 40 của chương VI.
Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong công tác quản lý, giám sát trên TTCK phái sinh. Theo đó, UBCKNN có quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh; Chấp thuận, chấm dứt, đình chỉ hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh và hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh; Ban hành các quy trình nghiệp vụ hướng dẫn về quản lý, giám sát hoạt động của TTCK phái sinh.
Bên cạnh đó, UBCKNN cũng chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường nhằm phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy định pháp luật về chứng khoán phái sinh, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và duy trì trật tự thị trường. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hoặc vi phạm các quy định pháp luật về chứng khoán phái sinh theo thẩm quyền...
Ngoài ra, theo quy định của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP, UBCKNN thực hiện hoạt động giám sát trên TTCK phái sinh bao gồm: Giám sát giao dịch chứng khoán phái sinh; Giám sát các hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
UBCKNN cũng có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về chứng khoán khi tổ chức kinh doanh chứng khoán, thành viên giao dịch, thành viên bù trừ cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư và tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh; Giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện các quy trình, quy chế, quy định nội bộ liên quan đến hoạt động quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ trong kinh doanh và cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư tại tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh. Giám sát việc duy trì các điều kiện hoạt động của thành viên giao dịch, thành viên bù trừ; việc tuân thủ các quy định về hạn chế hoạt động, bảo vệ quyền và lợi ích nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật chứng khoán. Giám sát việc quản lý tách bạch tài khoản, tài sản của nhà đầu tư và tài sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật liên quan. Giám sát việc lưu trữ, quản lý dữ liệu giao dịch; tuân thủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin theo quy định.
Trong khi đó, Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm giám sát các thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt, thành viên tạo lập thị trường trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về chứng khoán và các quy định pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, giám sát hoạt động giao dịch của tổ chức, cá nhân trên Sở giao dịch chứng khoán nhằm phát hiện, ngăn ngừa các giao dịch có dấu hiệu bất thường, các giao dịch có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về chứng khoán. Ngoài ra, Sở giao dịch chứng khoán xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán phái sinh sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Đối với hoạt động giám sát của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, cơ quan này có trách nhiệm giám sát thành viên bù trừ trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về chứng khoán và các quy định pháp luật liên quan khác; quản lý và giám sát việc duy trì các mức ký quỹ theo quy định; Giám sát nhà đầu tư tuân thủ quy định về giới hạn vị thế của nhà đầu tư khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường trong thanh toán giao dịch hoặc có dấu hiệu nhà đầu tư, thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cảnh báo, yêu cầu thành viên bù trừ giải trình, cung cấp tài liệu và thông tin liên quan và kịp thời báo cáo UBCKNN.
Ngoài ra, các thành viên giao dịch, thành viên bù trừ có trách nhiệm phối hợp với UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam trong việc thực hiện công tác giám sát giao dịch chứng khoán phái sinh khi được yêu cầu. Cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác thông tin về nhà đầu tư và hoạt động giao dịch của nhà đầu tư theo quy định pháp luật. Phối hợp với UBCKNN trong việc mời nhà đầu tư đến làm việc với các đoàn kiểm tra của UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán liên quan đến các giao dịch chứng khoán phái sinh có dấu hiệu bất thường. Trường hợp phát hiện giao dịch vi phạm các quy định về chứng khoán và TTCK có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho UBCKNN.
Về nghĩa vụ cung cấp thông tin và giải trình theo yêu cầu, các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh, cung cấp dịch vụ giao dịch, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến giao dịch chứng khoán phái sinh và giải trình các sự việc liên quan theo yêu cầu của UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Trường hợp tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch chứng khoán, cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán không phối hợp, hợp tác với các cơ quan quy định sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Tùy theo yêu cầu phát triển TTCK phái sinh, Bộ Tài chính, UBCKNN xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong nước hoặc nước ngoài để thiết lập cơ chế quản lý, giám sát thị trường an toàn và ổn định.