Chứng khoán phục hồi, dòng tiền vẫn tham lam
Những nhà đầu tư cần phải cẩn trọng hơn và chỉ nên lựa chọn các cổ phiếu an toàn, có nền tảng kinh doanh chắc chắn và tài chính lành mạnh.
Bất chấp nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng lớn dần, thị trường chứng khoán có một phiên cuối tuần qua đầy sôi động khi tăng 18 điểm để quay trở lại cột mốc trên 900 điểm. Khối lượng giao dịch toàn thị trường khá tốt khi ghi nhận mức 3.343 tỷ đồng trên HoSE và hơn 636 tỷ đồng trên HNX. Dòng tiền tham lam dường như vẫn còn hiện diện!
Thực tế thì đợt sụt giảm 18% trong quý II vừa qua đã giúp giá một số họ cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn hơn nhiều so với mức trung bình xấp xỉ 20 lần trước đó. Đi kèm với triển vọng lợi nhuận của DN khởi sắc hơn, nhất là các mã cổ phiếu ngân hàng, vật liệu xây dựng, khoáng sản, năng lượng... triển vọng tăng trưởng của thị trường trong thời gian tới không phải là khó xảy ra.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2018 vừa diễn ra tuần qua, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Quỹ Dragon Capital cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài vẫn có niềm tin vào thị trường Việt Nam.
Bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường Thái Lan 5,6 tỷ USD; rút khỏi Indonesia 3,7 tỷ USD; rút khỏi Philippines 1,6 tỷ USD; trong khi đó đầu tư vào Việt Nam tăng 1,5 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, thị trường đã huy động được trên 4 tỷ USD vốn mới, đưa tổng giá trị vốn hóa của cả hai thị trường trái phiếu và cổ phiếu đã lên trên 200 tỷ USD.
Lợi nhuận của các DN Việt Nam khả năng tăng trên 25% mỗi năm. “Như vậy giá trị các công ty niêm yết của Việt Nam thuộc loại khiêm tốn, nếu không nói là khá rẻ và hấp dẫn”, ông Dominic nhận định.
Ngược lại với sự lo ngại của giới đầu tư về việc dòng tiền sẽ rút khỏi thị trường, trên thực tế chính các cơ quan chức năng đang quan ngại dòng tiền hiện ứ đọng quá nhiều. Điển hình như phát biểu tại Diễn đàn Quốc hội vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết chỉ riêng lượng tiền đang tạm cư trú tại Ngân hàng Nhà nước đã lên tới hơn 150.000 tỷ đồng và thời gian tới, thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng có thể quay trở lại thị trường khi một lượng lớn trái phiếu, tín phiếu đến ngày đáo hạn.
Bên cạnh đó, dòng tiền giải ngân hàng chục tỷ USD của làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ các quốc gia khác vào Việt Nam vẫn đang diễn ra, kiều hối về mạnh trong các tháng cuối năm và nhiều hơn các DN, các chủ đầu tư bất động sản mạnh dạn mở bán các dự án vào cuối năm nay sẽ góp phần thúc đẩy thị trường tăng trưởng.
Tất nhiên, giữa quá nhiều biến động trong nước và quốc tế, thời điểm hiện nay đã không còn phù hợp cho các nhà đầu tư lướt sóng. Những nhà đầu tư cần phải cẩn trọng hơn và chỉ nên lựa chọn các cổ phiếu an toàn, có nền tảng kinh doanh chắc chắn và tài chính lành mạnh.
Để thị trường chứng khoán duy trì đà tăng trưởng bền vững, các cơ quan chức năng cần phải hành động nhiều hơn. Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI, việc MSCI chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi tuy khá buồn, nhưng đó là một thông điệp rõ ràng để chúng ta phải nghiêm túc hơn trong việc xây dựng chiến lược về việc nâng hạng.
Về phần mình, ông Dominic mong muốn sớm thông qua Luật Chứng khoán, bởi đây là điểm tựa để cho thị trường phát triển.