Chứng khoán tháng 7: Mốc 1.300 điểm có trở lại?


Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tháng 6 với nhiều diễn biến bất ngờ, nhất là việc để mất mốc 1.300 điểm một cách “chóng vánh”. Tuy nhiên, bước sang tháng 7, một số dự báo về một kịch bản khả thi là có khả năng khi thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực hơn.

Dự báo về một kịch bản tháng 7 khả thi là có khả năng.
Dự báo về một kịch bản tháng 7 khả thi là có khả năng.

VN-Index khép lại tháng 6 với việc phá vỡ mốc tâm lý 1.250 điểm sau khi rời đỉnh 1.300 điểm trên nền thanh khoản thấp. Dòng tiền chủ động vẫn đang tìm đến các cơ hội cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, ít có sự tập trung cục bộ và thiếu đi nhóm ngành dẫn dắt.

Kịch bản tháng 7 nhiều gam màu sáng

“Việc tỷ giá tiếp tục leo thang ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư , dòng tiền thận trọng. Thanh khoản tập trung vào những phiên giảm mạnh, trong khi phiên phục hồi lại diễn ra với thanh khoản thấp. Sự vắng bóng của lực cầu đỡ giá thể hiện tâm lý do dự, dè dặt của nhà đầu tư, khi thị trường liên tục để mất những vùng hỗ trợ gần”, Chứng Khoán Nhất Việt (VFS) nhận định.

Tuy nhiên, bước sang tháng 7, một số dự báo cho thấy, việc VN-Index chinh phục lại vùng 1.300 điểm là kịch bản khả thi.

Thống kê về hiệu suất quá khứ, mức tăng trưởng bình quân của tháng 7 giai đoạn 2000-2023 là -1,3%. Song vẫn có những thời điểm khác biệt, như tháng 7 năm ngoái VN-Index đã tăng mạnh đến 9,2%. Mặc dù thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo nhưng hoàn toàn có thể kỳ vọng bởi thực tế thị trường tháng 7 sẽ đón nhận nhiều thông tin tích cực hơn. Đây được cho là “liều thuốc tinh thần” với nhà đầu tư sau nhịp điều chỉnh khá mạnh vừa qua.

Mới nhất, Mỹ đã công bố dữ liệu mới nhất về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đi ngang trong tháng 5 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sát với dự báo của thị trường. Số liệu lạm phát mới công bố của Mỹ là thông tin thị trường mong đợi, củng cố cho kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm nay.

Trong nước, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu vĩ mô quý II với kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong nước ( GDP ) quý II tăng trưởng 6,93% so với cùng kỳ, vượt dự báo của thị trường. Với kết quả này, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,5%. Tuy vậy, áp lực nhất định về lạm phát vẫn còn đó, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 4,34% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, câu chuyện kết quả kinh doanh quý II cũng sẽ dần được nhắc đến khi một số doanh nghiệp bắt đầu công bố số liệu ước tính. Nhìn chung, bức tranh kết quả kinh doanh quý II vẫn sẽ tích cực và là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho thị trường.

“Đây sẽ là yếu tố trọng tâm của thị trường tháng mới để thu hút dòng tiền trở lại. Những ngành nghề có kết quả kinh doanh tích cực sẽ đón nhận được sự quan tâm của dòng tiền, những ngành có tín hiệu hồi phục sau khó khăn cũng rất tiềm năng cho tương lai có thể là đối tượng để nhà đầu tư lựa chọn”, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (KBSV) nói.

Ngoài những yếu tố trên, thị trường chứng khoán vẫn còn các yếu tố nền tảng hỗ trợ khác như: Nền lãi suất huy động vẫn thấp, lãi suất cho vay đang giảm dần; kỳ vọng nâng hạng trong thời gian tới; dòng tiền lớn trở lại sau khi các yếu tố vĩ mô ổn định hơn.

"Xác suất thị trường giảm sâu là thấp, thị trường chủ yếu vận động tích lũy cần thêm thời gian để chinh phục lại vùng 1.300 điểm là kịch bản khả thi trong tháng 7", ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) nhận định.

Tìm cơ hội tái cơ cấu danh mục

Mặc dù “sáng” là gam màu chủ đạo, tuy nhiên, trong tháng 7, một số ý kiến nhấn mạnh nhà đầu tư vẫn cần lưu ý tới vấn đề tỷ giá và diễn biến của dòng tiền ngoại.

Với rủi ro điều chỉnh vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới, dòng tiền càng trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội để các nhà đầu tư tái cơ cấu lại danh mục, tìm kiếm những nhóm ngành, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh nửa đầu năm vượt trội và vẫn có thể tiếp tục duy trì phong độ này trong nửa cuối năm, nhưng chưa tăng giá mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Các nhóm ngành nổi bật có thể kể đến là tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng, du lịch và giải trí, bán lẻ, viễn thông, thực phẩm đồ uống…, vì số liệu cho thấy đà phục hồi kinh tế vẫn tiếp tục diễn ra tích cực. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu điện cũng có thể hưởng lợi khi hiện tượng La Nina trở lại từ tháng 7. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản hay ngân hàng sẽ còn nhiều khó khăn khi tình hình thị trường bất động sản vẫn còn khá ảm đạm và phải chờ những “cú hích” từ các chính sách mới.

Dù vậy, nếu xét theo tín hiệu dòng tiền, các nhóm ngành như bất động sản, xây dựng, vận tải kho bãi và bán lẻ thực phẩm đang có tín hiệu tạo đáy và có khả năng thiết lập xu hướng tăng trở lại trong giai đoạn tới. Thực tế gần đây cũng cho thấy các giao dịch bất động sản đang có dấu hiệu ấm trở lại, trong bối cảnh lãi suất cho vay thấp kích thích các hoạt động mua bán, đầu tư. Với việc ba luật quan trọng liên quan tới bất động sản gồm Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực, theo các chuyên gia, sẽ giúp tạo ra chu kỳ tăng trưởng mới cho thị trường này.

Theo khuyến nghị của ông Huỳnh Anh Tuấn, chiến lược đầu tư có thể chia làm 2 phần. Trong quý III, các bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản khi được áp dụng vào ngày 1/8 sẽ là thông tin tích cực hỗ trợ cho nhóm bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng.

Trong khi đó, về dần cuối năm, nhóm ngành xuất khẩu, tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ, thép, dầu khí sẽ hồi phục tốt hơn khi đây là thời điểm mùa mua sắm, chi tiêu sôi nổi nhất năm.

Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ là nhóm đáng quan tâm ở quý IV, khi tín dụng thường tăng tốc giải ngân vào cuối năm, đồng thời những thông tin về các thương vụ phát hành riêng lẻ cũng là chất xúc tác cho nhóm ngành ngân hàng. Đây là nhóm có sức ảnh hướng lớn đến chỉ số VN-Index khi chiếm tỷ trọng vốn hoá cao.

Theo Hải Giang/vnbusiness.vn