Tiêu điểm chứng khoán: Kịch bản nào cho VN-Index 6 tháng cuối năm?

Huyền Châm

Ở kịch bản tích cực nhất, chuyên gia đánh giá VN-Index có thể chinh phục được vùng 1.350 - 1.380 điểm.

Đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 6, VN-Index chốt ở mức 1.245,32 điểm. Như vậy, chỉ số chứng khoán sàn HOSE ghi nhận mức tăng 10% sau 6 tháng đầu năm. Mặc dù ghi nhận mức tăng tốt nhưng thị trường chứng khoán gần đây chứng kiến sự thận trọng trong giao dịch khi nỗ lực chinh phục lại vùng 1.300 điểm bất thành.

Vậy đâu sẽ là kịch bản cho VN-Index trong 6 tháng cuối năm? Tạp chí Tài chính ghi nhận ý kiến các chuyên gia:

Ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch Quỹ đầu tư AzFin:

VN-Index dao động trong vùng 1.280-1.350 điểm

Ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch Quỹ đầu tư AzFin. Ảnh: NVCC
Ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch Quỹ đầu tư AzFin. Ảnh: NVCC

Nhìn 6 tháng cuối năm, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là nơi hấp dẫn để đầu tư. Tuy có nhóm cổ phiếu định giá cao nhưng vẫn có nhóm định giá còn hấp dẫn. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm phản ánh phục hồi mạnh mẽ với GDP tăng trưởng gần 7% trong quý II. Đóng góp vào đà tăng trưởng kinh tế chủ yếu từ đầu tư xây dựng, công nghiệp, xuất nhập khẩu trở lại tích cực.

Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm được đánh giá khả quan nhờ vào tổng mức đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm đã tăng 6,8% lên hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, khối nhà nước tăng 4,8%, chủ yếu đầu tư công. Điểm tích cực khối tư nhân tăng tới 6,7%, chiếm 55% tổng vốn đầu tư toàn xã hội có dấu hiệu tự tin trở lại, cho thấy các lãnh đạo doanh nghiệp có niềm tin tốt hơn vào triển vọng nền kinh tế nên đẩy mạnh đầu tư. Điểm sáng lớn FDI tăng 10,3% giải ngân hơn 256 nghìn tỷ đồng.

Khi có đầu tư mạnh, rõ ràng động lực trong tương lai cho 6 tháng cuối năm tăng trưởng kinh tế tương đối tốt. Theo đó, doanh nghiệp trên sàn được hưởng lợi, tăng trưởng lợi nhuận tốt, tạo cơ hội đầu tư trong tầm nhìn 6 tháng đến 1 năm tới.

Thứ nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu dự báo có kết quả tích cực trở lại. Thứ hai là ngân hàng nhờ định giá rẻ, cổ tức tiền mặt cao. Thứ ba là nhóm vật liệu xây dựng nhờ sự phục hồi nền kinh tế. Thứ tư là nhóm liên quan bất động sản khu công nghiệp khi FDI giải ngân tốt, giá cho thuê bất động sản khu công nghiệp vẫn tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm.

Tôi cho rằng, cuối năm VN-Index dao động trong vùng 1.280-1.350 điểm. Sau giai đoạn khó khăn thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh. Để đạt được vùng 1.350 điểm, thị trường cần các điều kiện như lực bán ròng khối ngoại sớm giảm, có thể mua ròng trở lại. Thứ hai tăng trưởng kinh tế cả năm trên 6,5%, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trên sàn từ 20% trở lên. Thứ ba liên quan nền kinh tế thế giới, kinh tế Mỹ không bị suy thoái và Fed giảm lãi suất 2 đợt trở lên trong năm nay. Thứ tư lãi suất Việt Nam duy trì ở mức tương đối thấp, không có đợt tăng đột biến nào.

Bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc phân tích, Công ty chứng khoán Shinhan:

VN-Index có thể đạt tăng trưởng 10% từ nay cuối năm

 

Bà Bà Bùi Thị Thao Ly (người đứng) - Giám đốc phân tích, Công ty chứng khoán Shinhan. Ảnh: NVCC
Bà Bà Bùi Thị Thao Ly (người đứng) - Giám đốc phân tích, Công ty chứng khoán Shinhan. Ảnh: NVCC

VN-Index đang ở quanh 14 lần, thấp hơn bình quân 10 năm trở lại đây là 15 lần. Nếu xét theo định giá nhóm ngành, hầu hết tiệm cận mức định giá trung bình 5 năm. Có 2 nhóm ngành đang ở còn mức thấp hơn trung bình 5 năm là bất động sản và ngân hàng. Tâm lý thị trường hiện có sự thận trọng nhất định. Điều này cho thấy sự thận trọng đang rơi vào 2 nhóm này. Nếu gỡ được ở 2 nhóm này sẽ là động lực cho kinh tế và thị trường chứng khoán.

Điều lo lắng nhất hiện nay là bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài khi khối này đã liên tục bán ròng 5 quý, riêng quý II bán ròng kỷ lục. Có nhiều lý do khiến khối ngoại rút ròng, thứ nhất là do chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, dòng tiền không chỉ rút khỏi thị trường Việt Nam mà ở các thị trường châu Á và đổ về thị trường Mỹ. Tuy nhiên, điểm tích cực là thị trường giữ được dòng tiền cá nhân, hấp thụ được hết lượng bán ra của khối ngoại.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân hiện đạt gần 8 triệu, cơ hội để mở rộng nâng cao số lượng nhà đầu tư cá nhân vẫn còn, thu hút dòng tiền này vẫn còn rộng mở.

Thị trường sẽ được thúc đẩy bởi một số yếu tố. Thứ nhất là từ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết. Dự báo các doanh nghiệp tăng trưởng 15% cho cả năm 2024, dựa trên giả định ngân hàng duy trì được tăng trưởng lợi nhuận. Với đà tăng được giữ vững, các ngân hàng niêm yết dự báo tăng trưởng lợi nhuận 18%, sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của doanh nghiệp trên sàn.

Yếu tố thứ hai là môi trường lãi suất thấp. Đây là điều kiện cho thị trường chứng khoán tăng trưởng. Mặc dù trong tháng 6 lãi suất có sự nhích nhẹ, tuy nhiên so với cuối năm 2022 lãi suất đã giảm khá sâu. Kỳ vọng lãi suất thấp duy trì cuối năm, là động lực gia tăng dòng vốn nhà đầu tư cá nhân. Dù dư nợ margin tăng nhưng tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu vẫn thấp, dư địa gia tăng dư nợ margin vẫn còn.

Tôi dự phóng VN-Index ở 1.380 điểm vào cuối năm, tức thị trường có cơ hội tăng khoảng 10% nữa cho 6 tháng cuối năm 2024, tương ứng tăng 23% so với cuối 2023.