Chứng khoán Việt "nổi sóng" sau 9 năm: Kỳ vọng 1.000 điểm?
Thị trường chứng khoán Việt Nam lên mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây, trong đó VN-Index chính thức vượt ngưỡng kháng cự 960 điểm, kỳ vọng 1.000 điểm...
Dòng tiền đang chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu có thông tin thoái vốn, nhóm cổ phiếu tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm giúp kéo các chỉ số của thị trường chứng khoán lên mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây, trong đó VN-Index chính thức vượt ngưỡng 960 điểm điểm. Những phiên giao dịch đầy cảm hứng của chứng khoán Việt tuần qua khiến nhà đầu tư kỳ vọng ngưỡng 1.000 điểm sẽ sớm bị chinh phục.
Nhà đầu tư nên duy trì danh mục hiện tại nhằm tận dụng đà tăng điểm của thị trường chứng khoán, đồng thời quan sát diễn biến tại các ngưỡng kháng cự để có hành động phù hợp.
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, VN-Index tăng 24,76 điểm lên mức 960,33 điểm tương ứng mức tăng 2,65%, HNX-Index tăng 4,66 điểm lên mức 115,49 điểm tương ứng mức tăng 4,2%, UPCOM-Index tăng 0,35 điểm lên mức 54,45 điểm tương ứng mức tăng 0,65%.
Thanh khoản trên cả hai sàn đồng loạt tăng trưởng. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 237,143 triệu đơn vị trên phiên tăng trưởng 26,24% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn HNX đạt 69,3 triệu cổ phiế trên phiên, tăng 24,77%.
Tuần qua, chỉ có ngành viễn thông giảm điểm với mức giảm là 0,13%, còn lại, dầu khi tăng mạnh 7%, dịch vụ tiêu dùng tăng 4,83%, nguyên vật liệu tăng 3,42%, tài chính tăng 1,26%...
Khối ngoại mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng
Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 2.068 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, họ mua ròng trên HOSE với hơn 1,822 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 246 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, khối ngoại thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 75,2 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 1.822,26 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó bán ròng 2,19 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 165,46 tỷ đồng.
Trong đó, khối này đã mua vào 143,2 triệu đơn vị, giá trị 6.045,51 tỷ đồng (tăng 51,44% về lượng nhưng giảm 11,45% về giá trị so với tuần trước đó) và bán ra 67,99 triệu đơn vị, giá trị 4.224,25 tỷ đồng (giảm 29,72% về lượng và 39,6% về giá trị so với tuần trước).
Cổ phiếu DIG đã trở thành mã được mua ròng mạnh nhất trong tuần qua với khối lượng lên tới 52,3 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.005,2 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ 2, HPG được mua ròng 4,48 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 179,36 tỷ đồng. Tiếp đó, VNM được mua ròng 841.830 đơn vị, giá trị 159,78 tỷ đồng, SSI được mua ròng 3,52 triệu đơn vị, giá trị 92,71 tỷ đồng và STB được mua ròng 3,13 triệu đơn vị, giá trị 40,47 tỷ đồng…
Trái lại, nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu GAS về giá trị đạt 48,84 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng 610.520 đơn vị. Tiếp đó, MSN bị bán ròng 45,73 tỷ đồng (669.220 đơn vị).
Tuần qua, cổ phiếu VNM tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài sang tay khá sôi động với khối lượng 8,86 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị lên tới 1.562,8 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 3 phiên mua ròng vào đầu tuần và 2 phiên bán ròng cuối tuần. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng gần 6,1 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 246,05 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó bán ròng 1,83 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 48,98 tỷ đồng.
Cụ thể, khối này đã mua vào với khối lượng 18,85 triệu đơn vị, giá trị 458,42 tỷ đồng (tăng mạnh 233,87% về lượng và 389,77% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 12,75 triệu đơn vị, giá trị 212,37 tỷ đồng (tăng 70,57% về lượng và 48,95% về giá trị so với tuần trước).
Cổ phiếu VPI được mua ròng mạnh với khối lượng 9,06 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 295,64 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí tiếp theo, SHB được mua ròng 2,29 triệu đơn vị, giá trị 20,19 tỷ đồng và HUT được mua ròng 1,33 triệu đơn vị, giá trị 15,41 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu VGC bị bán ròng mạnh nhất về giá trị đạt 38,6 tỷ đồng, tương đương khối lượng 1,39 triệu đơn vị. Còn VIG là mã bị bán ròng mạnh nhất về khối lượng với hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 11,73 tỷ đồng.
Diễn biến chứng khoán trong tuần qua
Tuần qua, các chỉ số thị trường đã xuất hiện nhiều hơn các nhịp rung lắc trong phiên. Tuy nhiên, xét trên tổng thể đà tăng của thị trường vẫn được duy trì vững vàng nhờ sự dẫn dắt ổn định của nhóm cổ phiếu blue-chip. Các mốc kháng cự tâm lý 940, 950 và 960 điểm đều dễ dàng bị VN-Index chinh phục trong tuần qua.
Nhờ thông tin hỗ trợ mạnh đến từ việc Nhà nước công bố thoái hơn 343,66 triệu cổ phiếu SAB (tương đương 53,59% vốn) vào ngày 18/12. SAB theo đó cũng là một trong những cổ phiếu được đẩy mạnh nhất trên thị trường trong các phiên giữa tuần.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chuyển biến tích cực hơn với sắc xanh lan tỏa trên diện rộng. Bất chấp áp lực chốt lời nắm thế chủ động ở nhóm blue-chip và tạo các nhịp rung lắc đáng quan ngại trên chỉ số, dòng tiền đầu cơ vẫn không ngừng gia tăng cường độ hoạt động trên thị trường. Tâm lý hưng phấn thể hiện rõ ở chuỗi bứt phá mạnh của nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ như DIG, TDG, HVG, HT1...
Về cuối tuần, "đầu tàu" VNM tiếp tục trở thành bệ đỡ vững chắc cho VN-Index. Áp lực bán vẫn được tăng cường trong phiên này. Nhiều khả năng thông tin SCIC kéo dãn lộ trình thoái vốn khỏi các "gà đẻ trứng vàng" là NTP, BMP, FPT đã kéo sự hưng phấn của giới đầu tư hạ nhiệt trở lại. Vì thế các nỗ lực vượt mốc 960 điểm gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự hiện diện của lực cầu giá cao cùng sự sôi động của dòng tiền được duy trì về cuối phiên thì VN-Index cũng đã hoàn tất nhiệm vụ chinh phục thành công mốc 960 điểm.
Cổ phiếu tăng/giảm nổi bật
Cổ phiếu KPF của Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hoàng Minh tiếp tục có bước nhảy vọt. KPF đã tăng vọt với 5 phiên tăng trần liên tiếp, đưa giá cổ phiếu lên mức 9.000 đồng/cổ phiếu với tổng cộng mức tăng đạt 39,85%.
Theo thông tin mới nhất từ KPF, Hội đồng quản trị Công ty vừa thống nhất chuyển nhượng toàn bộ 3,92 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Tam Hà, tương ứng tỷ lệ 49% cho ông Hà Ngọc Quang. Thời gian thực hiện chuyển nhượng kể từ ngày ký kết hợp đồng, bàn giao hồ sơ Công ty đến trước ngày 31/1/2018.
Cổ phiếu HVG tăng 15% góp phần nối dài chuỗi tăng giá qua tuần thứ 2 liên tiếp. Bệ đỡ mạnh nhất của cổ phiếu này vẫn đến từ thương vụ thoái 54% vốn khỏi Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FCM) vào ngày 16/11 vừa qua.
Cổ phiếu DIG tăng 17.33% trong tuần qua với thanh khoản bình quân 5 phiên đột biến đạt hơn 30 triệu cổ phiếu/ phiên. Nhiều khả năng những kỳ vọng về khả năng hưởng lợi từ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng hoạt động thoái vốn của Bộ Xây dựng đã thúc đẩy dòng tiền đầu cơ gia tăng hoạt động trong tuần qua.
Chiều ngược lại, cổ phiếu TDC giảm 11.76% nhiều khả năng đến từ hoạt động chốt lời của dòng tiền đầu cơ khi cổ phiếu này đã ghi nhận chuỗi tăng giá mạnh trong các tuần trước đó.
Cổ phiếu PIV giảm 14.45% khi đã không ngừng bị nhà đầu tư bán tháo trong hơn 8 tuần giao dịch gần đây.