Chung tay giúp đỡ trẻ em vượt qua đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và lợi ích của trẻ em. Để giúp đỡ trẻ em vượt qua đại dịch Covid-19, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam kêu gọi sự chung tay, giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ, hỗ trợ trẻ em Việt Nam vượt qua đại dịch.
Trẻ em - đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) vào tháng 8/2020, tại thời kỳ đỉnh điểm khi toàn quốc hoặc địa phương bị phong tỏa, giãn cách xã hội, có gần 1,5 tỷ học sinh bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa.
Báo cáo với tiêu đề “Học tập từ xa và khả năng tiếp cận” đã chỉ ra những hạn chế của việc học từ xa và cho thấy sự bất bình đẳng sâu sắc trong việc tiếp cận giáo dục.
Báo cáo sử dụng các phân tích mang tính đại diện toàn cầu về các trang thiết bị và công cụ kỹ thuật cần thiết cho việc học từ xa tại các gia đình của học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, với số liệu từ hơn 100 quốc gia.
Học sinh từ các hộ gia đình nghèo nhất và những người sống ở các vùng nông thôn hiện là những nhóm có nguy cơ không được học từ xa trong thời gian trường học đóng cửa.
Trên toàn cầu, 72% học sinh không được học từ xa là những em thuộc các gia đình nghèo nhất; ba phần tư trẻ em không được học từ xa sống ở nông thôn. Ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao, trẻ em từ các hộ gia đình nghèo nhất chiếm tới 86% số học sinh không được học từ xa.
Ở Việt Nam, nhiều vùng miền còn chưa được tiếp cận điện lưới quốc gia thì việc học từ xa với trẻ em nơi đây là những giấc mơ xa vời. Tuy nhiên, việc không được học từ xa hay tiếp cận giáo dục vào thời điểm này chưa cấp thiết và quan trọng bằng tính mạng của nhiều trẻ em là F0 đang bị đe dọa và F1 với nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Thời gian qua, ở Việt Nam đã chứng kiến nhiều hình ảnh xót xa của trẻ em giữa đại dịch. Có cháu bé mới được vài tuổi, thậm chí chỉ mới được 3 ngày tuổi đã phải cách ly tập trung, có cháu đi cách ly thì hay tin gia đình người thân mất bởi đại dịch Covid-19. Đa số các em chưa biết Covid-19 là gì, nhưng đã phải rời xa vòng tay của bố mẹ, ông bà và người thân để đi phòng bệnh, chống dịch.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc ngày 29/5/2021 với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, bàn về tình hình và giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến sáng ngày 28/5 có 198 trẻ em thuộc diện F0, chiếm khoảng 6% tổng số đối tượng nhiễm Covid-19, 3.915 trẻ em thuộc diện F1.
Thời gian tới, con số này có thể tăng cao hơn khi lượng cách ly tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tăng. Những trẻ em trên đang phải điều trị tại các bệnh viện và cách ly tập trung tại các cơ sở, trong số đó nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Những hoàn cảnh đặc biệt
Em bé “F1” 3 ngày tuổi vào khu cách ly tập trung: Ngày 25/5, điểm cách ly tập trung đặt tại trường Tiểu học Song Mai, xã Song Mai, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang tiếp nhận một bé gái 3 ngày tuổi, chưa kịp đặt tên, do mẹ là F0. Các bác sỹ trong khu cách ly gọi em là "bé F1".
Được biết, hoàn cảnh gia đình bé rất khó khăn. Mẹ mắc Covid-19, được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Bố bị ung thư đại tràng, chờ mổ tại Bệnh viện K. Bé có một người anh trai 2 tuổi, đang cách ly tại nhà cùng bà nội năm nay đã 80 tuổi.
Bố qua đời vì Covid-19, 2 chị em Nguyễn Thị Tuyết (9 tuổi) và Nguyễn Xuân Mai (5 tuổi) tự chăm sóc lẫn nhau tại khu cách ly tập trung Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Bố của 2 em là anh Nguyễn Hữu Hùng, 34 tuổi, trú tại xã Mão Điền, được Bộ Y tế công bố là bệnh nhân Covid-19 thứ 3.055. Mẹ và anh trai 12 tuổi sau đó cũng được xác định nhiễm Covid-19, điều trị ở 2 bệnh viện khác nhau. Tối 16/5, anh Hùng qua đời sau nhiều ngày được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Các bác sĩ chẩn đoán tử vong viêm màng não mủ biến chứng, nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nền giãn não thất, di chứng chấn thương sọ não, suy hô hấp, viêm phổi nặng do SARS-CoV-2.
Người thân trong gia đình đều rất xót xa, bởi họ biết rằng chặng đường phía trước sẽ còn rất gian nan vì anh Hùng làm công nhân nuôi cả gia đình, vợ anh là lao động tự do, ai thuê gì làm đấy, cố kiếm đồng ra đồng vào phụ chồng nuôi 3 con nhỏ.
Bé N.V.M mới 3 tuổi, sống cùng gia đình tại thôn Tân Trúc, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cũng phải đi cách ly khi cả gia đình đều mắc Covid-19. Cháu bé nói chưa sõi nhưng rất ngoan, tự ăn cơm, chơi một mình và không quấy khóc.
Chung tay giúp đỡ trẻ em vượt qua đại dịch Covid-19
Để chung tay giúp đỡ trẻ em vượt qua đại dịch Covid-19, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền ăn cho các trẻ em từ 0-16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung. Thời gian áp dụng từ ngày 27/4-31/12/2021.
Mức hỗ trợ là 80.000 đồng/ngày/cháu trong 21 ngày, nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Đồng thời, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hỗ trợ cho 3 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh và Điện Biên mỗi tỉnh 1 tỷ đồng để phòng, chống dịch, trong đó có trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thành lập năm 1992, gần 30 năm qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã làm cầu nối giữa những tấm lòng vàng đến với trẻ em Việt Nam và là một địa chỉ đáng tin cậy. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam là một đơn vị “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới, với phương châm hoạt động “Tận tâm - Minh bạch - kịp thời - cùng tham gia”
Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và lợi ích của trẻ em. Trước tình huống khẩn cấp chưa từng có trong lịch sử này và nhân Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam kêu gọi sự chung tay, giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để trẻ em Việt Nam vượt qua được giai đoạn này và các em có một tương lai tươi sáng hơn.
Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đồng hành hỗ trợ trẻ em có thể liên hệ địa chỉ:
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam
Địa chỉ: Số 35 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: (8424) 37333094/37470037/37331223 Fax: 8424 38438537
Hotline: 092 9999 999
Website: http://www.nfvc.org.vn
Hoặc chuyển khoản theo số tài khoản: 001.0.00.0000355 tại Sở Giao dịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam