Chuyển biến kinh tế vĩ mô và những thách thức đặt ra
(Taichinh) - Những chuyển biến tích của nền kinh tế Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2015 đang được các tổ chức, định chế tài chính trong nước, quốc tế đánh giá cao. Trong những tháng tới, nhiều khả năng kinh tế tiếp tục khởi sắc rõ nét trong bối cảnh các cân đối vĩ mô được duy trì. Dự báo, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu 6,2% đã đề ra.
Thực trạng kinh tế vĩ mô
Toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm 2015 cho thấy đã có nhiều mảng sáng nổi bật trên nhiều lĩnh vực như: niềm tin tiêu dùng tăng cao, sản xuất công nghiệp, “sức khỏe” doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ, thị trường tài chính, tiền tệ đang có sức bật trở lại…
Tổng cầu khởi sắc
Tổng vốn đầu tư phát triển chỉ tính riêng quý I/2015 tăng 9,1%, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,8% của quý I/2014. Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 53,1 nghìn tỷ đồng, bằng 26,2% kế hoạch năm và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, tín dụng đối với nền kinh tế cũng đạt mức tăng 2,78% (cùng kỳ năm 2014 tăng 0,53%); Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng đầu năm đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Tiêu dùng trong nước đã cải thiện rõ rệt khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng những tháng đầu năm 2015 (sau khi loại trừ yếu tố giá) tăng gần 8% so cùng kỳ năm 2014, cao hơn mức tăng của cùng kỳ 3 năm trước (cùng kỳ các năm 2012, 2013, 2014 tăng lần lượt là 6,1%; 4,6%; 5,5%).
Đặc biệt, chỉ số niềm tin tiêu dùng đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước: trong tháng 4/2015, đạt mức 140,2 điểm, cao hơn 10,6 điểm so với cùng kỳ 2014 (129,6 điểm); cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 134,5 điểm trong 3 năm qua. Niềm tin tiêu dùng cải thiện cùng với lạm phát ở mức thấp là yếu tố hỗ trợ tích cực tiêu dùng nội địa trong những tháng đầu năm và các tháng tiếp theo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4/2015 chỉ tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu như năm 2014, lạm phát sau 4 tháng là 0,88%, thì 4 tháng đầu năm nay chỉ 0,04%. Đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát năm nay có thể sẽ tiếp tục ở mức thấp.
Tiếp nối đà tăng trưởng của quý I/2015, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng khá trong tháng 4/2015 với mức tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến trên cũng tương đồng với khảo sát của Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải (HSBC) đưa ra: Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đạt 53,5 điểm - mức tăng cao nhất trong vòng 20 tháng qua. Sản lượng và đơn đặt hàng tăng chủ yếu đến từ những doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư mới tại Việt Nam. Trong tổng số 256 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký lũy kế đến tháng 4/2015 của dòng vốn FDI thì hơn 56% dòng vốn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Các DN trong nước hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu là các DN tư nhân hoặc các DN gia công, lắp ráp với quy mô nhỏ.
Đảm bảo tốt cân đối thu – chi ngân sách
Dù đã có những dự báo quan ngại về giá dầu thế giới giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, tuy nhiên, thu NSNN trong những tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong 4 tháng đầu năm, giá dầu thanh toán chỉ đạt 58,3 USD/thùng, thấp hơn 41,7% so với giá dự toán, tuy nhiên, nhờ tăng sản lượng nên thu NSNN từ dầu thô giảm khoảng 32,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu NSNN tăng trưởng khả quan nhờ sản xuất công nghiệp và tiêu dùng tăng trưởng chắc chắn, thu từ nội địa ước đạt 238,7 nghìn tỷ đồng và tăng 17% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, thu NSNN đạt 314,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, tình hình chi NSNN vẫn tiếp tục bám sát dự toán. Tổng chi NSNN thực hiện tháng 4/2015 ước đạt 94,75 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đầu năm 2015 ước đạt 362,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31,6% dự toán, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó: Chi đầu tư phát triển thực hiện tháng 4 ước 14,4 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 56,27 nghìn tỷ đồng, bằng 28,9% dự toán, tăng 2,4% cùng kỳ năm 2014; Chi trả nợ và viện trợ thực hiện tháng 4 ước 14,17 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 52,7 nghìn tỷ đồng, bằng 35,1% dự toán, tăng 30,7% so cùng kỳ năm 2014; Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính thực hiện tháng 4 ước 63,1 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 250,7 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7% dự toán, tăng 6,2% so cùng kỳ năm 2014.
Thị trường tài chính ổn định
Thị trường chứng khoán có nhiều dấu hiệu phục hồi, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại từ đầu tháng 4/2015. Tính đến ngày 20/4, VN- Index tăng 3,6% và HNX -Index tăng 0,4% so với đầu năm 2015. Tính riêng từ ngày 01/4 đến 20/4 khối đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1.515 tỷ đồng (tương đương 71 triệu USD) xấp xỉ với giá trị mua ròng từ đầu năm 2015 đến ngày 20/4 là 1.560 tỷ đồng (73 triệu USD).
Ổn định vĩ mô được duy trì, niềm tin kinh doanh cải thiện là những yếu tố tạo điều kiện giảm lãi suất trái phiếu chính phủ. Mặc dù đầu tháng 4/2015, lãi suất trái phiếu chính phủ tăng nhẹ, song nhìn chung lãi suất trúng thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN) trên thị trường sơ cấp giảm so với đầu năm 2015. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 5 năm giảm 0,66 điểm phần trăm, kỳ hạn 10 năm giảm 0,05 điểm, kỳ hạn 15 năm giảm 0,40 điểm phần trăm. Từ đầu năm đến ngày 20/4/2015, phát hành trái phiếu KBNN đạt 62.370 tỷ đồng, giảm 10.784 tỷ đồng (15%) so với cùng kỳ năm 2014.
Một trong những nguyên nhân khiến suy giảm phát hành trái phiếu KBNN có thể do các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động tín dụng, giảm đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Mặt khác, các ngân hàng thương mại quan tâm nhiều tới trái phiếu chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm nhằm đảm bảo tốt hơn danh mục đầu tư.
Trong những tháng đầu năm, thị trường tiền tệ cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng. Tháng 4/2015, tăng trưởng tín dụng đạt 2,78% là mức cao nhất trong 3 năm gần đây (2013 và 2014 tương ứng là 1,04% và 0,53%). Đây là một tín hiệu khả quan cho thấy tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực vào những tháng cuối năm. Dòng tín dụng cũng có xu hướng phân bổ tốt hơn vào những ngành và khu vực ưu tiên. Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung đã ổn định; thanh khoản tiền VND và USD đều cải thiện; huy động tiền gửi khách hàng đạt 4 triệu 438 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm (giảm 0,02%).
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang cải thiện
Thống kê hơn 300 DN niêm yết công bố kết quả kinh doanh trong quý I/2015 của Công ty chứng khoán Rồng Việt, cho thấy các DN đã có kết quả tăng trưởng khá tốt. Theo đó, có hơn 60% tổng số DN công bố có kết quả tăng trưởng dương cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Khoảng 20% số DN có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt trên 25% so với cùng kỳ, tập trung vào các ngành như xây dựng và vật liệu xây dựng, dịch vụ và đầu tư bất động sản, tài nguyên (khai khoáng). Trong khi đó, hầu hết DN lớn vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng theo đánh giá chung, kết quả có thể sẽ tương đối lạc quan.
Vẫn còn một số thách thức...
Bên cạnh các chuyển biến tích cực trong những tháng đầu năm 2015, nền kinh tế cũng đang đặt ra một số thách thức cần lưu ý như: Khu vực nông, lâm, thủy sản đạt mức tăng trưởng 2,14% trong quý I/2015, thấp hơn so với mức 2,37% của cùng kỳ năm trước; Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ quý I/2015 giảm so với cùng kỳ năm ngoái; Kim ngạch nhập siêu có xu hướng tăng...
Con số nhập siêu hơn 3 tỷ USD những tháng đầu năm đã dấy lên lo ngại về cán cân thương mại trong năm 2015. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, lũy kế 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 50 tỷ USD và tăng trưởng khoảng 8,1% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng cao (+20,6% so với cùng kỳ) và đạt 53,4 tỷ USD trong 4 tháng. Xét riêng từng khu vực, kim ngạch xuất khẩu của khối FDI vẫn rất tích cực, tăng trưởng khoảng 18,3% so với cùng kỳ, trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của khối này cũng tăng rất cao (+27,4% so với cùng kỳ). Khối FDI vẫn đảm bảo được mức thặng dư thương mại 1,9 tỷ USD. Đối với khu vực DN trong nước, kim ngạch xuất khẩu giảm 9% so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 11,5%, khối này ghi nhận mức thâm hụt thương mại 5,3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.
Sự suy giảm của hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu năm đáng quan ngại nhất là ở các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản và dầu thô. Ở chiều nhập khẩu, máy móc thiết bị và phương tiện ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ, trong đó các thị trường nhập khẩu mạnh đối với nhóm hàng này là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan. Nguyên nhân khiến nhập khẩu của nhóm hàng này tăng cao có thể liên quan đến tiến độ giải ngân của các DN FDI đầu tư vào Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 4 tháng đầu năm 2015, vốn FDI giải ngân đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ; ngược lại, vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm giảm khá mạnh, chỉ đạt 3,7 tỷ USD, giảm 23,3% so với cùng kỳ. Hiện tượng nhập siêu trong 4 tháng đầu năm cũng khiến cho niềm tin đối với sự ổn định của VND dao động mạnh, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Trong trường hợp nhập khẩu tăng cao xuất phát từ khối DN FDI thì rủi ro cân đối cung-cầu ngoại tệ không quá đáng ngại. Tuy nhiên, xuất khẩu tăng trưởng thấp và việc VND tăng giá so với các đồng tiền khác sẽ là một trong những nhân tố tác động đến thời điểm và mức độ phá giá của VND trong thời gian tới.
Giải pháp cho những tháng cuối năm
Những chuyển biến tích cực như tổng cầu của nền kinh tế đang dần được phục hồi; lạm phát đang ở mức thấp; thị trường tài chính, tiền tệ chuyển biến tích cực… là những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng một số cơ chế, chính sách đưa nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn. Tuy nhiên, thực tiễn kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn: tăng trưởng chưa bền vững, tăng trưởng của nông nghiệp, thủy sản đang giảm mạnh, ngành dịch vụ đang còn khó khăn. Những khó khăn của nền kinh tế trong các năm trước vẫn chưa được xử lý cơ bản như: nợ xấu, nợ công; tái cấu trúc các ngành kinh tế mà trọng tâm là các ngành ngân hàng, DN nhà nước. Nhiều giải pháp được Chính phủ đề ra là thời sự và rất cần cho nền kinh tế nhưng cơ chế thực hiện sẽ rất khó khăn, cần thời gian để điều chỉnh… Vì vậy, trong những tháng tới, cần thực hiện có hiệu quả nhóm giải pháp như:
Thứ nhất, cần điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tránh chồng chéo.
Thứ hai, tập trung vào phát triển nông nghiệp nhằm đưa giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Muốn vậy, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn cần phải được nghiên cứu và thực hiện tốt hơn, đặc biệt tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cần xây dựng hệ thống thương mại trong nước kể cả bán buôn, bán lẻ, không để tư thương, công ty nước ngoài thao túng như hiện nay.
Thứ ba, vấn đề mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam cần phải được chú trọng hơn: phải xây dựng hẳn một hướng đi rõ ràng cho mô hình tăng trưởng. Mô hình đó phải phù hợp với cơ chế thị trường đầy đủ. Mô hình phải tính đến hiệu quả kinh tế, chiến lược phát triển lâu dài của kinh tế Việt Nam như: kinh tế Biển, đảo; mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc; Hội nhập kinh tế quốc tế…