Chuyển đổi cơ cấu vườn cây, giảm thiệt hại do hạn hán
Năm 2016 được xem là năm khô hạn khốc liệt nhất ở các tỉnh Tây Nguyên trong vòng 30 năm qua. Tình hình hạn hán kéo dài đã làm cho nguồn nước tưới bị thiếu hụt, gây thiệt hại hàng trăm héc ta cây trồng.
Ngày 26/5/2016, tại Gia Lai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp khôi phục sản xuất cà phê, hồ tiêu sau hạn hán kéo dài ở khu vực Tây Nguyên” nhằm tìm ra giải pháp khôi phục lại sản xuất các cây trồng chủ lực trên địa bàn.
Thiệt hại hơn 110.000 ha cây trồng
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), mùa hạn hán vừa qua đã gây thiệt hại cho người dân Tây Nguyên 110.766ha cây trồng, trong đó diện tích mất trắng là 7.589ha, chủ yếu tập trung vào các cây chủ lực như cà phê, tiêu, điều... Hạn hán qua đi, người dân Tây Nguyên lại thêm nỗi lo khi mùa mưa kéo đến làm cho diện tích cây trồng bị ngập úng, kèm theo dịch bệnh hoành hành.
Ông Vũ Văn Sáng (xã Ia H’lốp, huyện Chư Sê, Gia Lai) cho biết, gia đình mới trồng được 2.000 trụ tiêu, nhưng thời gian qua khi cơn mưa kéo xuống, vườn tiêu của ông bắt đầu bị sói mòn, cây trồng bị ngập úng, kèm theo đó xuất hiện một số loại dịch bệnh như bệnh rệp sáp, vàng lá… “Trước mắt để giải quyết tình trạng ngập úng, chúng tôi chỉ biết cách đào các rãnh nước gần gốc cây để nước khỏi bị tích tụ. Còn vấn đề dịch bệnh, hiện chúng tôi vẫn chưa có bài thuốc nào hữu hiệu cũng như chưa có chuyên gia nào tư vấn để có thể áp dụng hiện quả cho cây trồng của mình” - ông Sáng nói.
Trong khi đó, ông Puih Ing (Làng Preng 2, Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho biết, vừa qua vườn cà phê nhà ông chết hơn 500 gốc vì nắng hạn, phần còn lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nay bắt đầu vào mùa mưa, ông rất muốn được các chuyên gia giải đáp về cách khôi phục cây cà phê, hồ tiêu sau đợt hạn hán vừa qua...
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Băn khoăn của ông Sáng, ông ông Puih Ing và nhiều nhà nông khác đã được giải đáp ngay tại diễn đàn. Cụ thể, theocác chuyên gia để khôi phục cây trồng cần tiến hànhkịp thời các biện pháp phòng ngừa dịch hại, thu nhặt tàn dư thực vật, cắt tỉa cành khô làm cho vườn cây thông thoáng; chăm bón cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, nhất là vào thời điểm cây đang tăng kích thước hạt; phục hồi vườn cây bằng cách ghép cải tạo giống mới chịu hạn cao…
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khuyến cáo bà con nông dân nên mạnh dạn chuyển đổi đối với vườn cây ngoài vùng quy hoạch không bảo đảm nguồn nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây trồng lâu năm khác, cây ăn quả có khả năng chịu hạn, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hoặc chuyển sang trồng cây ngắn ngày bằng cách bố trí mùa vụ hợp lý.
Thực tế cho thấy, tình trạng hạn hán ngày càng khốc liệt, để bảo vệ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, các nhà khoa học cũng khuyến khích người dân phải nhanh chóng áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất, trước hết là kỹ thuật tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa tại gốc…) sử dụng giống có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu, bón phân đầy đủ và cân đối để nâng cao sức chống chịu cho cây, trồng cây che bóng, cây chắn gió để giảm bốc thoát hơi nước…
Tại Diễn đàn, Ban Tổ chức cũng dành thời gian để các đại biểu tham quan mô hình tái canh cà phê thuộc Công ty cà phê 706 ở huyện Ia Grai; mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Chư Pứ.