Agribank Gia Lai:

Hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn

Theo Báo Gia Lai

Nhằm chia sẻ rủi ro thiệt hại do thiên tai với khách hàng, Agribank Gia Lai đã nhanh chóng thực hiện gia hạn nợ, giảm lãi suất và sẵn sàng cho vay mới để khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh...

Agribank Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại do hạn hán.
Agribank Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại do hạn hán.

Ngay từ đầu tháng 3-2016, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) đã yêu cầu các chi nhánh chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và khách hàng tiến hành rà soát, xác định thiệt hại do thiên tai gây ra. Trên cơ sở đó, có các đề xuất, biện pháp hỗ trợ kịp thời để khách hàng yên tâm khôi phục hoạt động sản xuất, ổn định đời sống.

Tại địa bàn Gia Lai, tính đến cuối tháng 4, thiệt hại do hạn hán ước tính là 372,8 tỷ đồng. Đáng lo ngại nhất là phần lớn diện tích cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu-đối tượng đầu tư chủ yếu của Agribank đang bị giảm năng suất 30-70%, sẽ tác động xấu đến khả năng tài chính của khách hàng trong năm nay và kể cả vụ kế tiếp.

Ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Gia Lai cho biết: Ngay khi hạn hán xảy ra, chúng tôi đã tiếp cận nắm bắt thông tin ở từng khách hàng cũng như phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Các huyện Chư Sê, Chư Pưh hiện là khu vực mà nguồn vốn đầu tư của chúng tôi bị ảnh hưởng mạnh nhất. Vấn đề suy giảm sản lượng khai thác cây cà phê, hồ tiêu mùa này là chắc chắn rồi, còn mức độ thiệt hại ra sao thì chúng tôi cần có thêm thời gian để đánh giá chính xác hơn.

Trong tình hình hiện nay, chúng tôi sẵn sàng giảm bớt lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng nông dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn này. Cho đến cuối tháng 4, tổng dư nợ của Agribank Gia Lai đã đạt 11.700 tỷ đồng với gần 70.000 hộ, trong đó thị phần tín dụng nông nghiệp-nông thôn chiếm tới 86%. Chi nhánh đã thực hiện gia hạn nợ cho 74 khách hàng với số tiền 19,74 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục rà soát tình hình, sẵn sàng triển khai các giải pháp hỗ trợ cần thiết theo quy định đối với khách hàng bị thiệt hại.

Theo đó, đối với khách hàng đến hạn trả nợ, nếu gặp thiệt hại do điều kiện khách quan chưa có nguồn trả thì thực hiện gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ thêm một vụ sản xuất nữa để khách hàng giải quyết khó khăn trước mắt. Trường hợp khách hàng thật sự khó khăn về tài chính thì xem xét giảm một phần lãi suất, không phạt lãi quá hạn, tạo điều kiện cho khách hàng trả nợ.

Trường hợp khách hàng bị thiệt hại mất trắng và có nhu cầu tiếp tục đầu tư thì Agribank giữ nguyên nhóm nợ, cho vay tiếp một phần để khách hàng đầu tư vụ sản xuất mới, tạo điều kiện trong 1-2 vụ sản xuất. Còn nếu khách hàng vay vốn bị thiệt hại nặng trên phạm vi rộng, Chi nhánh tổng hợp thiệt hại, làm hồ sơ thủ tục để xử lý theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp-nông thôn.

Song song với việc giãn kỳ hạn trả nợ, tiếp tục tăng suất đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, Agribank Gia Lai dự kiến tăng tín dụng từ 12%, đề nghị Trung ương tăng cường vốn để sẵn sàng thực hiện mở tín dụng hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Từ tháng 5 đến tháng 11-2016, Agribank Gia Lai sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi 6-7%/năm (cho vay ngắn hạn) và 8-9,5%/năm (cho vay trung, dài hạn) đối với các khoản giải ngân mới. Đối tượng áp dụng là khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các lĩnh vực ưu tiên khác. Sau thời gian tối đa là 6 tháng áp dụng lãi suất ưu đãi, những tháng tiếp theo, Agribank sẽ áp dụng lãi suất cho vay thông thường theo quy định hiện hành.