Chuyển đổi lĩnh vực thủy sản, tạo thành ngành chủ lực

Theo Trường Nguyên/ Báo Trà Vinh

Tái cơ cấu nông nghiệp, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung triển khai các giải pháp, nhằm chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi để tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích sản xuất, tăng thu nhập cho một bộ phận cư dân nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao của ông Ngô Anh Phil, ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải. Ảnh: Trường Nguyên
Mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao của ông Ngô Anh Phil, ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải. Ảnh: Trường Nguyên

“Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, để phát triển kinh tế, cụ thể là thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, là sự cần thiết phải triển khai thực hiện. Bởi chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là quá trình làm thay đổi về quy mô, giá trị sản xuất theo hướng thích ứng với nhu cầu thị trường, đồng thời phát huy lợi thế so sánh, cơ cấu ngành nông nghiệp ổn định cao hơn và phát triển bền vững trong kinh tế thị trường và hội nhập...” - ThS. Lê Văn Đông - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.

Từ quan điểm đó, những năm qua, ngành nông nghiệp tập trung tái cơ cấu, đóng góp hơn 30% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/năm của tỉnh Trà Vinh; nông nghiệp trở thành xu hướng chủ đạo, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới về giống thủy sản, quy trình nuôi, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao. Ngành thủy sản đã phát huy lợi thế về nuôi các loài thủy sản nước ngọt, lợ và mặn trên địa bàn toàn tỉnh, tạo nhiều loại sản phẩm thủy sản có giá trị cao, thị trường trong và ngoài nước đón nhận.

Tuy nhiên, tăng trưởng trong thời gian qua một phần còn dựa vào tăng diện tích, tăng vụ. Trong khi đó, quỹ đất nông nghiệp giảm mạnh và ngày càng manh mún nên đã gây khó khăn trong quy hoạch; giá nông sản bất thường, tác động tiêu cực đến sản xuất, thu nhập và đời sống của nông dân; chính sách đối với nông nghiệp chưa xử lý kịp thời những tác động tiêu cực của thiên tai và biến động của thị trường, dẫn đến động lực sản xuất của nông dân hạn chế.

Những vấn đề đặt ra như trên chính là sự cần thiết phải chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập cho người dân nông thôn và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm có lợi thế, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi cung ứng nông sản trong và ngoài nước. Đó là mục tiêu của Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 26/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế nông nghiệp đến năm 2025. 

Kết quả từ tái cơ cấu nông nghiệp đã đem lại giá trị kinh tế cao, năm 2021 đạt 28.690 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 05 năm qua đạt 3,92%/năm, chiếm 31,72% GRDP của tỉnh Trà Vinh. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt từ 52% năm 2015 còn 43,7% năm 2021; tăng tỷ trọng thủy sản từ 28,5% năm 2015 lên 37% năm 2021. Giá trị sản xuất/ha đất nuôi thủy sản đạt 325 triệu đồng/năm, tăng hơn 75 triệu đồng so với năm 2015; giá trị sản phẩm nông, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25%; giá trị sản phẩm nông, thủy sản ứng dụng công nghệ cao và quy trình sản xuất tốt (GAP) đạt trên 10%..

Trong 07 năm qua, thủy sản của tỉnh đã phát triển khá toàn diện cả nuôi và khai thác. Lĩnh vực nuôi, vận động nông dân chuyển hơn 4.000ha từ con nuôi có giá trị kinh tế thấp sang nuôi tôm thẻ chân trắng; mở rộng diện tích nuôi cá loài nhuyễn thể 02 mảnh vỏ: nghêu, sò huyết… từ 875ha năm 2015 lên 2.500ha năm 2021 và diện tích nuôi cua biển kết hợp, nuôi chuyên từ 12.500ha năm 2015 lên 22.200ha năm 2021; chuyển đổi 4.895ha diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh, đến năm 2021 đạt 14.288ha (nuôi tôm thâm canh mật độ cao 884ha, năng suất đạt từ 40 - 70 tấn/ha); nuôi thủy sản lồng bè ven sông, ven biển hình thành và phát triển; duy trì 5.750ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và 5.000ha lúa - thủy sản…

Đáng chú ý, lĩnh vực khai thác hải sản được ngành quan tâm cơ cấu, nhất là đội tàu theo hướng giảm khai thác ven bờ, tăng dần tàu có công suất lớn khai thác xa bờ; củng cố và phát triển các tổ, đội khai thác, thực hiện nghiêm các quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Hiện toàn tỉnh có 1.180 tàu (đánh bắt xa bờ 254 tàu) tổng công suất 120.000CV, tăng hơn 54.400CV so với năm 2015; tiếp tục đầu tư hoàn thiện Cảng cá Định An và Khu neo đậu tránh trú bão cửa Cung Hầu. Nhờ đó, giá trị sản xuất 05 năm qua tăng bình quân 6,72%/năm; sản lượng năm 2021 đạt 219.000 tấn, tăng gần 55.190 tấn so với năm 2015.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn chặt với ứng dụng công nghệ cao trong nuôi thủy sản thâm canh và siêu thâm canh 14.288ha. Trong đó, ứng dụng nuôi tôm thẻ thâm canh mật độ cao bằng bể tròn lót bạc khung thép tuần hoàn nước; chuyển đổi số trong nuôi tôm công nghệ cao, nuôi trong ao lót bạt tuần hoàn nước, nuôi tôm 02 giai đoạn, 03 giai đoạn trong ao lót bạc… đã cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, hiện có 12 phao, điểm quan trắc - ứng dụng điện toán đám mây nhằm quan trắc có cảm biến đo độ mặn, nhiệt độ, pH tự động phục vụ nuôi thủy sản.

Đạt kết quả trên, nhờ ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn đã tham mưu lập mới, rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch. Trong đó, đề án tái cơ cấu nông nghiệp, giúp định hướng phát triển sản xuất các loại vật nuôi phù hợp, phát huy lợi thế của từng địa phương, nhất là vùng ven biển. Đồng thời, phối hợp và hỗ trợ triển khai thực hiện trên 30 đề tài, dự án và nghiệm thu, tiếp nhận hơn 40 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp; xây dựng và tổ chức nhân rộng hơn 100 điểm mô hình áp dụng khoa học - kỹ thuật hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hàng năm, tổ chức đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật gần 10.000 lượt người và tư vấn kỹ thuật trực tiếp 12.000 lượt hộ; giúp người dân nâng cao khả năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng năng suất và hiệu quả kinh tế. 

Với những kết quả đạt được về tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025: tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp đạt khoảng 2,5%/năm, chiếm 23,75% GRDP toàn tỉnh Trà Vinh; cơ cấu giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp chiếm 58,79%, thủy sản chiếm 40,23%. Trong đó, nâng giá trị sản xuất bình quân mặt nước nuôi thủy sản đạt 380 triệu đồng/ha; đưa mức tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản bình quân từ 05%/năm trở lên; diện tích đất nuôi thủy sản đạt từ 42.000ha trở lên, sản lượng 298,53 ngàn tấn (nuôi 199,74 ngàn tấn, khai thác 98,79 ngàn tấn); giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt từ 25% trở lên; giá trị sản phẩm nông sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt đạt từ 15 - 20%; tỷ trọng giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 10%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 10%/năm; diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt từ 03 - 05%.

ThS. Lê Văn Đông khẳng định: tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình số 30-CTr/TU, ngày 26/12/2018 của Tỉnh ủy Trà Vinh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo nhiều hình thức, đa dạng chủng loại: mặn, lợ, ngọt có giá trị kinh tế và xuất khẩu.

Trà Vinh có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (07 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố), với 106 xã, phường, thị trấn (trong đó có 85 xã), diện tích tự nhiên 239.077ha; trong đó, đất nông nghiệp 186.050ha, chiếm 79% diện tích đất tự nhiên. Là tỉnh ven biển, có hơn 65km bờ biển, nằm cặp 02 Sông Tiền và Sông Hậu, có hệ thống sông rạch chằng chịt, địa hình thấp và bằng phẳng, đất đai màu mỡ và khí hậu mát mẻ, ít bị ảnh hưởng bởi lũ, bão, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư ngày càng hoàn thiện, là điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng sản xuất nông nghiệp ngọt, lợ và mặn, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh thủy sản là chủ lực.