Chuyển đổi số góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới

Nguyễn Trung

Phát biểu kết luận phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ diễn ra ngày 10/7/2024, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian qua, chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Niềm tin của các cấp, các ngành, các địa phương, người dân, doanh nghiệp (DN) được củng cố nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới.

Chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”

Đánh giá về các kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược. Thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành đã có kinh nghiệm, bài bản, bám sát thực tiễn hơn. Công tác tổ chức thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

“Người dân, DN ủng hộ, đồng hành, tham gia tích cực hơn. Chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Niềm tin của các cấp, các ngành, các địa phương, người dân và DN được củng cố nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, DN.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06. Đó là, việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa kịp thời. Nhiều nhiệm vụ theo kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra.

Phát triển kinh tế số chưa tương xứng với tiềm năng, đầu tư còn dàn trải. Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt, co cụm dữ liệu”.

Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao...

“Chỉ bàn làm, không bàn lùi” để thúc đẩy chuyển đổi số

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ này, với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để thúc đẩy chuyển đổi số.

Nêu mục tiêu cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, DN hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; 50% thủ tục, giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm.

Khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2023 - 2024. Yêu cầu 12 bộ, ngành và 20 địa phương chưa ban hành Kế hoạch, khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 trước ngày 20/7/2024.

Quang cảnh phiên họp. 
Quang cảnh phiên họp. 

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược Phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030” trong tháng 7/2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trong tháng 7/2024.

Liên quan tới kinh phí đầu tư cải cạo, nâng cấp trang thiết bị máy móc, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc.

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số hơn nữa trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực phụ trách. Đẩy mạnh số hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp; phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh.

Ngoài các nội dung trên, để thực hiện dịch vụ công đạt hiệu quả trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thành triển khai 30 dịch vụ công thiết yếu còn lại nhất là tích hợp, công bố nhóm thủ tục hành chính đăng ký thành lập hộ kinh doanh và đăng ký thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đồng thời, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu về người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh...