Chuyên gia cảnh báo về việc người lao động bán sổ BHXH, đăng ký nhận BHXH một lần
Trong lúc khó khăn vì dịch Covid-19, để trang trải cuộc sống trước mắt, một bộ phận người lao động (NLĐ) phía Nam đã bán sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), đăng ký nhận BHXH một lần sau khi doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, phá sản… Điều này được cảnh báo rất thiệt thòi cho NLĐ, đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài, đặc biệt là dễ mất quyền được hưởng an sinh khi về già.
Thiệt sẽ nhiều hơn lợi
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, khoảng 5 năm gần đây, trong cả nước đã có khoảng 2,5 triệu NLĐ lĩnh BHXH một lần. Hiện, bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 lượt người hưởng chế độ này. Đáng lo ngại, trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19 khiến kinh tế khó khăn, nhiều lao động không có việc làm nên một bộ phận NLĐ đã lựa chọn hưởng BHXH một lần.
Đáng chú ý là thời gian gần đây, tại tỉnh Bình Dương xuất hiện nhiều đối tượng lập trang Facebook giả mạo cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương để tổ chức thu mua sổ BHXH của NLĐ nhằm trục lợi. Ngay sau khi phát hiện sự việc, BHXH Việt Nam đã gửi thông tin về các trang Facebook lập ra với mục đích mua, thu gom sổ BHXH của NLĐ để trục lợi tới Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) để đề nghị xử lý, ngăn chặn các hoạt động này trên môi trường mạng. BHXH tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi Công an tỉnh Bình Dương đề nghị ngành công an phối hợp để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng NLĐ cần cân nhắc trước quyết định này bởi BHXH là "của để dành" cho mọi NLĐ, phòng khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động nên thiệt sẽ nhiều hơn lợi.
Mới đây, BHXH Việt Nam cũng có văn bản yêu cầu BHXH tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, nắm tình hình thu gom, mua bán sổ BHXH tại địa bàn quản lý. Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần của NLĐ, phải kiểm soát và bảo đảm các thông tin của người hưởng phải thống nhất; thẩm tra, thống kê những trường hợp một người được ủy quyền nhận BHXH một lần cho từ 2 người trở lên, kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH.
Cơ quan bảo hiểm cũng yêu cầu nâng cao nhận thức của NLĐ để không bị lôi kéo, xúi giục bán sổ BHXH và kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng thu gom, mua bán sổ BHXH nhằm trục lợi; điều tra, kết luận xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm điển hình.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhiều lần nhấn mạnh, việc NLĐ đang làm việc và tham gia BHXH để tích lũy cho cuộc sống khi về già. Do đó, không có lý do gì khi còn trẻ, còn sức lao động, còn cơ hội lao động để trang trải cuộc sống lại nhận BHXH một lần - tiêu trước phần để dành cho lúc ốm đau, bệnh tật, không còn sức lao động khi về già. Ông Ánh cho biết Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nêu rõ sẽ có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.
Người lao động cần tỉnh táo, suy xét, tiếp tục tham gia thay vì rút BHXH một lần
Là Đại biểu quốc hội và cũng là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lao động - xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra khuyến cáo, NLĐ cần tỉnh táo, suy xét, tiếp tục tham gia thay vì rút BHXH một lần.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, BHXH là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động. Khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ bị mất khoảng thời gian đã đóng BHXH tính đến thời điểm nhận.
Do vậy, kể cả khi họ có việc làm, đóng BHXH trở lại, họ phải bắt đầu tích luỹ BHXH từ con số 0 và như vậy rất nhiều khả năng không thể tích luỹ đủ số năm đóng cần thiết khi đến tuổi nghỉ hưu (thông thường thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 25 năm tích luỹ thời gian đóng BHXH, trường hợp làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thời gian tích luỹ tối thiểu có thể chỉ là 15- 20 năm).
Đặc biệt, NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động. Mặt khác, NLĐ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình, xã hội…
Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhận hoặc không nhận BHXH một lần sau một năm nghỉ việc, không đơn giản chỉ là đáp ứng quyền của cá nhân NLĐ, mà đây là vấn đề mang tính hệ thống của chính sách xã hội. Nếu những NLĐ tham gia BHXH ở khu vực tư và dần dần là cả khu vực công đều đòi hỏi quyền được nhận BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, sẽ dẫn tới sự phá vỡ hệ thống BHXH.
Hệ quả tiêu cực của chính sách này là NLĐ ở khu vực tư sẽ nhận BHXH một lần ngày càng nhiều, không thể tích luỹ hưởng lương hưu; như vậy chỉ có công chức viên chức hoặc một bộ phận lao động có điều kiện, có thu nhập cao mới đợi đến tuổi nghỉ hưu để lĩnh lương hưu. Quan trọng hơn, với cách thiết kế chính sách như vậy, sẽ không bảo đảm về an sinh xã hội cho hàng triệu NLĐ khi về già không có lương hưu.
Ngoài ra, do đại dịch Covid-19 xảy ra, Nhà nước đã có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người, trong đó có NLĐ mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm thu nhập để giải quyết khó khăn trước mắt. Vì vậy, NLĐ cần tỉnh táo, suy xét để cùng chia sẻ với Nhà nước, DN và xã hội để vượt qua thử thách này, giữ và tiếp tục tham gia BHXH để bảo đảm an sinh xã hội khi tuổi già.