Chuyên gia chia sẻ giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông nguồn vốn cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Trước những khó khăn của thị trường TPDN, nhiều chuyên gia đã chia sẻ các giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường phát triển.
Chia sẻ tại Hội thảo “Phát hành TPDN: Niềm tin và giải pháp” do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tổ chức ngày 30/11/2022, TS. Trịnh Đoàn Tuấn Linh - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, TPDN Việt Nam đã tăng từ mức 4.300 tỷ đồng lên mức 10.300 tỷ đồng (tăng 2,4 lần). Trong 10 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp Việt Nam đã phát hành 234.000 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó, chỉ có 9.600 tỷ đồng là được phát hành qua kênh đại chúng, còn lại chủ yếu là phát hành riêng lẻ.
Mới đây, thảo luận tại cuộc họp về thị trường chứng khoán và TPDN tại Bộ Tài chính, ngày 23/11/2022. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ: “Chúng ta đã dành nhiều công sức để tạo dựng nên một thị trường vốn nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong năm 2022, từ sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC, hay công ty An Đông và ngân hàng SCB đến nay khiến thị trường liên tục chao đảo”.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, TPDN luôn là một công cụ của thị trường vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tính đến 30/9/2022 toàn thị trường có 1.260.000 tỷ đồng, tức gần 10% so với dư nợ vay ngân hàng thương mại. Thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong vấn đề phát hành bị xử lý hình sự, gây ra tâm lý hoang mang, dẫn đến nhà đầu tư đua nhau đi rút tiền, doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn.
Theo Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, quy mô thị trường TPDN năm 2020 tương đương 15,1% GDP và 10,3% dư nợ tín dụng. Điều này cho thấy kênh huy động vốn qua trái phiếu - một trong các cấu phần của thị trường vốn cùng với kênh tín dụng và kênh cổ phiếu, đã đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông nguồn vốn cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Đinh Thế Hiển cũng phân tích thêm, mặc dù giá trị phát hành TPDN Việt Nam đã tăng mạnh trong giai đoạn 2018 - 2021 nhưng thị trường TPDN Việt Nam vẫn được xem là giai đoạn mới phát triển. Phương thức phát hành chủ yếu là phát hành riêng lẻ với nhà đầu tư chủ yếu vẫn là các ngân hàng... TPDN Việt Nam năm 2022 tập trung vào ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản. Do đó, nếu cần “giải cứu” thị trường TPDN hiện nay thì cũng đồng nghĩa với việc “cứu trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là chủ yếu.
Ở góc độ pháp lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho rằng, các nhà đầu tư khi chưa hiểu biết rõ về trái phiếu và đơn vị phát hành sẽ dễ ngậm trái đắng. Bên cạnh đó, một số đơn vị phát hành che giấu thông tin và mục đích thật sự của việc phát hành trái phiếu. Thông tin về tài sản bảo đảm của doanh nghiệp phát hành cũng mập mờ khiến nhà đầu tư cũng cảm thấy mơ hồ theo.
"Không những thế, cần xét đến vai trò môi giới của ngân hàng và công ty chứng khoán. Họ môi giới với mục đích sinh lời thì phải chịu trách nhiệm khi cung cấp thông tin không đầy đủ cho khách hàng. Về điều này cần có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn. Một vấn đề hết sức quan trọng là cần tiếp tục nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát kiểm tra hoạt động phát hành trái phiếu cần được nâng cao”, Luật sư Phạm Ngọc Hưng phân tích.
Tại hội thảo, ông Mã Thanh Danh - Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế (CIB) nhìn nhận doanh nghiệp thường chỉ phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn trong phát triển kinh doanh, sau khi không huy động được bằng kênh cổ phiếu và tín dụng ngân hàng.
Do đó, ông cho rằng thị trường rất cần những nhà ngân hàng đầu tư có nguồn vốn lớn cho vay trung và dài hạn. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, họ có thể đồng hành lâu dài bằng cách chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Đối với doanh nghiệp đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì có thể dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giúp giải tỏa bớt áp lực.
"Nếu không đủ tiền, doanh nghiệp có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại. Trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, doanh nghiệp có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu", ông Mã Thanh Danh cho biết.
Trường hợp xấu nhất, ông cho rằng doanh nghiệp có thể tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ, dù các công cụ mua bán nợ tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến.